THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 02:34

"Nhật ký thời chiến Việt Nam" - Di sản quý các anh hùng để lại

26/08/2020 | 09:19

Trung tướng - Tiến sỹ khoa học quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" đánh giá: Đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể mà các Anh hùng - Liệt sỹ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau.
Những trang viết đầy máu lửa chiến trường
 
Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" tập hợp hầu hết đại diện các quân binh chủng: "Mãi mãi tuổi 20" đại diện cho thế hệ lính sinh viên nhập ngũ 6/9/71 tại chiến trường Quảng Trị; nhật ký "Gửi lại mai sau" của Nguyễn Hải Trường đại diện cho thế hệ những chiến sỹ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên; nhật ký "Trời xanh không biên giới" của Đặng Sỹ Ngọc là của lực lượng Pháo Cao xạ ở chiến trường Khu 4 cũ; nhật ký "Bão lửa cầu vồng" của Nguyễn Văn Thân là của lực lượng Pháo binh mặt đất; còn "Nhật ký Hoàng Công Sơn" đại diện cho Binh chủng Đặc công; nhật ký "Tây tiến viễn chinh" đại diện cho thế hệ các chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80...
 
Mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.


Ban tổ chức Tọa đàm, gặp gỡ tác giả, nhân chứng lịch sử, giới thiệu giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” tặng hoa thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ và các nhân chứng lịch sử.
 
Còn trong nhật ký "Tây tiến viễn chinh" của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường Campuchia, bạn đọc sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những "thói hư tật xấu" trong sinh hoạt của người Tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là sau chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều "thói hư tật xấu" đó và cả tác giả đều hy sinh...

Di sản tư liệu cho mai sau
 
Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chia sẻ, là một nhà văn đồng thời cũng là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, ông hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh, mất mát. Công việc viết văn đã giúp ông "ngộ" ra một điều: đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến những thông tin, tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn... 


Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng tặng sách các tác giả nhân chứng lịch sử.

"Điều đặc biệt là 2/3 trong số các tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) được thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển lại, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình gửi đến với hy vọng sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sỹ hoặc thông tin mất tích của người thân...", nhà văn Đặng Vương Hưng ngậm ngùi chia sẻ.




Đông đảo bạn đọc tìm hiểu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
 
Đánh giá về bộ sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương.
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Bộ sách mang một giá trị lớn lao, ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn, làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước."
 
Những trang nhật ký thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt ấy sẽ là những di sản quý giá mà lớp lớp thế hệ sau cần gìn giữ, trân quý.
 

Cường Việt/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...