THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:32

Nhiều mô hình chống xâm hại và bảo vệ trẻ em ở Tiền Giang

19/10/2021 | 11:18
Trước thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, các cấp ban ngành tỉnh Tiền Giang, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) bằng nhiều mô hình hiệu quả.

Thực trạng đau lòng

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 51 vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em (XHTE), trong đó 18 vụ xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ em gái. Trong số trẻ em bị xâm hại, có hơn 60% trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, hơn 70% do sử dụng rượu, bia, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ức chế trong cuộc sống gia đình… Các đối tượng lợi dụng sự non yếu về thể chất của trẻ em, sự lỏng lẻo trong quản lý, chăm sóc của gia đình các trẻ mà thực hiện hành vi phạm tội.

Đa số trẻ em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ. Hành vi xâm hại trẻ em còn gây tác động nghiêm trọng đối với xã hội, tạo tâm lý hoang mang cho các bậc cha mẹ, làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, làm gia tăng các tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục; gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân…

Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng, một số vụ việc đã kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, XHTE ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, XHTE được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, XHTE bị phát hiện chỉ là một phần so với thực tế.

Nhiều mô hình bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em được Hội LHPN Tiền Giang thực hiện theo đề án 938 đã gặt hái kết quả ban đầu khá tốt đẹp.

Nhiều mô hình bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em được Hội LHPN Tiền Giang thực hiện theo đề án 938 đã gặt hái kết quả ban đầu khá tốt đẹp.

Các mô hình bảo vệ trẻ em

Trong 3 năm qua, Tiền Giang đã thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 938) với chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, bao gồm cả phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Qua đề án 938, các cấp Hội LHPN tỉnh đã sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động như: Truyền thông cộng đồng, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, liên hoan, sinh hoạt câu lạc bộ/tổ/nhóm phụ nữ... được 38.165 cuộc cho 1.342.775 lượt hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi tham dự; biên soạn, phát hành 240 ngàn tờ rơi, phối hợp Báo Ấp Bắc thực hiện chuyên trang, Đài Phát thanh - Truyền hình các cấp từ tỉnh đến cơ sở xây dựng phóng sự và phát 1.975 lượt tin, bài liên quan đến nội dung tuyên truyền Đề án 938.

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh thành lập nhiều mô hình phù hợp tại địa phương, ra mắt nhiều câu lạc bộ/tổ/nhóm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, XHTE như: 17 Tổ/nhóm “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em” với 280 thành viên; 17 Tổ/nhóm “Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phụ nữ”, Tổ “Phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống và bảo vệ trẻ em” với 241 thành viên; Tổ “Không ngược đãi phụ nữ và trẻ em”, Tổ “Chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ yếu thế”, “ấp không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”; 89 nhóm “Cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” với 1.900 thành viên; 4 Tổ/nhóm “Đồng hành cùng con” với 70 thành viên... Thông qua các tổ/nhóm này tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì sinh hoạt và củng cố hơn 400 địa chỉ tin cậy cộng đồng với trên 1.600 thành viên; hơn 200 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với gần 5.700 thành viên tham gia, thường xuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế, đặc biệt đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nam giới. Qua đây, các thành viên được cung cấp kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng ứng xử gia đình và với cộng đồng; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực và XHTE.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến quý III/2021, các cấp Hội LHPN tỉnh kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc, tư vấn, giúp đỡ 495 vụ hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ, can thiệp, đề nghị ngành chức năng giải quyết trên 51 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (trong đó, đề nghị ngành chức năng giải quyết 18 vụ xâm hại tình dục trẻ em).

Từ những mô hình trên, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được can thiệp, trợ giúp thông qua các chương trình, chính sách trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE đến việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại có những chuyển biến tích cực.

Số lượng thông tin tố giác hành vi XHTE tăng lên, nhận thức về bảo vệ trẻ em của người dân từng bước được nâng cao. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ bị bạo lực, xâm hại của các cơ quan chức năng được thực hiện tốt và ngày càng củng cố niềm tin trong nhân dân.

Can Khương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Thành phố Hà Nội triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19

Thành phố Hà Nội triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19

2 năm trước

Ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3556/UBND-KGVX về triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Thừa Thiên Huế trao giải cuộc thi 'Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em”

Thừa Thiên Huế trao giải cuộc thi "Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em”

2 năm trước

Cuộc thi "Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em” với chủ đề “Phòng chống trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em” năm 2021 là một sân chơi trí tuệ của các câu lạc bộ...
Phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học – Cần thiết và cấp bách

Phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học – Cần thiết và cấp bách

2 năm trước

Xâm hại trẻ em (XHTE) đang là một vấn nạn nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, thời gian qua đã có không ít vụ XHTE xảy ra cả trong trường học - một môi trường vốn được coi...