THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 09:30

Nhiều người dân lạm dụng test xét nghiệm nhanh gây lãng phí

26/02/2022 | 07:10
Những ngày nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội liên tục gia tăng với khoảng 7.000 đến hơn 9.000 ca/ngày. Do đó khiến nhiều người lo lắng, tìm mua các loại kít-test nhanh SARS-CoV-2 trên thị trường về để ngày nào cũng tự test. Đây là việc làm lãng phí. Các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ mua và test khi có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, chảy nước mũi...

Do nhu cầu của người dân gia tăng nên những ngày gần đây, tại Hà Nội xuất hiện dấu hiệu khan hiếm test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Tình trạng này đã khiến giá kít-test tăng từ 20.000-30.000 đồng/bộ. Nếu như cách đây một tuần, giá kít-test nhập ngoại từ Hàn Quốc từ 50.000-60.000 đồng/bộ, loại của Trung Quốc từ 40.000-50.000 đồng/bộ, thì sang tuần này giá đã tăng lên 75.000-80.000 đồng/bộ. Thậm chí, giá các loại kít-test của Anh, Đức, Pháp còn lên tới 90.000-100.00 đồng/bộ…

Chỉ test khi thấy có một số triệu chứng của Covid-19

Chỉ test khi thấy có một số triệu chứng của Covid-19

Nhiều người quá lo lắng đến mức ngày nào cũng test cho yên tâm. Cộng lại chi phí test cho cả gia đình là không hề nhỏ.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, việc người dân lạm dụng test xét nghiệm là lãng phí. Đơn cử, nhiều trường hợp vừa tiếp xúc với F0 buổi sáng đến buổi chiều đã test Covid-19 thì không giải quyết được việc gì mà gây tốn kém. Do đó, ngay cả khi tiếp xúc gần với F0 cũng không cần thiết phải xét nghiệm ngay.

“Ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0, khi test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. F1 này chỉ cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, người dân không nên quá lo lắng để ngày nào cũng làm xét nghiệm. Bởi vì virus cần có thời gian để nhân lên. Vừa tiếp xúc với F0 đã vội vàng xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm sẽ không có giá trị. Thậm chí, ngay cả khi xét nghiệm nhanh bị dương tính cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR. Việc test xét nghiệm xuất hiện vạch màu đậm hoặc nhạt cũng không nói lên được là lượng virus nhiều hay ít mà phải có ý kiến của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế xác định. 

“Nếu quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm kít-test và có thể không bảo đảm cho cuộc chiến chống dịch lâu dài này được”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn này, mua và sử dụng kít xét nghiệm khi cần. Ngoài ra, nên mua và sử dụng kít-test có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác đầy đủ thông tin và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Đại học Y Hà Nội cho biết, khi tự test nhanh Covid-19 tại nhà, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu. Trước khi lấy mẫu bảo đảm khu vực lấy mẫu đủ thông thoáng, người lấy mẫu phải có phòng hộ cá nhân phù hợp để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, kỹ thuật lấy mẫu quyết định trên 90% tính chính xác. Thời gian đọc kết quả phụ thuộc vào loại test nhanh. Thông thường, test nhanh cần khoảng 15-30 phút để cho kết quả. Nếu âm tính, trên khay thử sẽ chỉ xuất hiện một vạch màu đỏ ở chữ C. Nếu dương tính, khay thử sẽ xuất hiện hai vạch ở chữ C và T. Trường hợp khay thử không xuất hiện vạch ở chữ C và T hoặc chỉ xuất hiện vạch ở chữ T, kết quả không có giá trị.

Các chuyên gia lưu ý, kết quả test nhanh còn phụ thuộc vào thời điểm lấy. Chẳng hạn, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, người bệnh có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp. Khi đó, khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Hoặc khi tự test, người nghi nhiễm thực hiện sai thao tác, kỹ thuật cũng ảnh hưởng kết quả.

“Rác thải sau khi test nhanh phải được xử lý đúng theo quy định của Bộ Y tế, để trong túi dán kín miệng, sát khuẩn bên ngoài túi với cồn 70 độ hoặc Cloramin B, để vào thùng rác có nắp đậy kín và không để chung với rác thải sinh hoạt. Test nhanh sẵn có, dễ tìm nhưng không nên lạm dụng, gây lãng phí kinh tế, thời gian, gây tâm lý lo lắng. Chỉ nên dùng test nhanh để chẩn đoán khi bạn có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, chảy nước mũi... Lưu ý, nên test lại sau 7 ngày kể từ ngày phát hiện dương tính để kết quả chính xác nhất”, Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt khuyến cáo.

P.V
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Trẻ em ít có khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 hơn so với người lớn

Trẻ em ít có khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 hơn so với người lớn

2 năm trước

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Berlin (Đức) phát hiện rằng trẻ em tạo ra ít hạt khí dung chứa virus SARS-CoV-2 vào không khí hơn, đặc biệt khi thở, nói chuyện hoặc hát.
Hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục

Hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục

2 năm trước

Trong báo cáo nhanh gửi UBND TP. HCM, Sở GD&ĐT TP kiến nghị hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp.