THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 04:14

Những giá trị cốt lõi trong tiêu chí ứng xử trong gia đình

11/11/2019 | 10:27

Gia đình văn hóa chính là cơ sở để tạo nên những con người và một xã hội văn minh. Tạp chí Gia đình & Trẻ em xin điểm qua một số tấm gương gia đình văn hoá ở nội, ngoại thành Hà Nội.



Pano cổ động “Hãy hành động vì gia đình hạnh phúc no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”

Tôn trọng nhau là nguyên tắc số 1

Là gia đình văn hoá nhiều năm, hiện đang sống chung 3 thế hệ, anh Đỗ Thanh Hải (58 tuổi) ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Cường, huyện Ba Vì, tâm sự về cách giữ gia đình hoà thuận quan trọng nhất là tôn trọng nhau. Nhà anh vẫn gìn giữ và duy trì  khuôn phép nhất định từ ngày xưa thời ông bà nội. Đó là cách ăn ở đúng mực, kính trên nhường dưới. Bố mẹ phải tôn trọng, thấu hiểu con cái, không nên áp buộc, đe nẹt con cái, và phải đặt mình vào hoàn cảnh của con để hiểu được tâm tư con trẻ. Nếu con không nghe lời, thì bố mẹ kiên trì thuyết phục vài lần, “mưa dầm thấm lâu” hoặc lấy gương của ông bà, bố mẹ, của truyền thống gia đình ra, thì con cái sẽ nghe và đồng thuận. Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, nay con tôi đã 28 tuổi, nhưng tôi vẫn nhắc lại với con là bố nhớ nhất lần bố đánh con 1 lần duy nhất, bố lôi con chui từ gậm giường ra đánh, hồi đó tôi đi bộ đội về thăm nhà, khi ấy bực với con quá. Nhưng sau tôi thấy có gì đó sai sai, mình làm như thế là gây định kiến, ác cảm với con. Và cháu biết là cháu sai. Sau đó tôi không bao giờ đánh cháu nữa. Tôi cho rằng, tối kỵ việc bố mẹ đánh con, không được giáo dục con bằng đòn roi.


Anh Đỗ Thanh Hải, thôn Phú Thịnh, xã Phú Cường, huyện Ba Vì,Hà Nội

Anh Hải chia sẻ: để bố mẹ làm bạn được với con không khó, chỉ với điều kiện bố mẹ phải có kiến thức, có kỹ năng, nếu không thì không thể gần gũi được với con, nhất là ở vùng thôn quê, đi làm về mệt mỏi nên họ không để ý tới việc làm bạn với con. Họ nghĩ việc dạy dỗ để cho nhà trường dạy con. Nhưng gia đình là quan trọng nhất, việc dạy con không thể phó mặc cho nhà trường.


Chồng giận thì vợ bớt lời…

Lấy nhau đã gần 20 năm, vợ chồng anh Nguyễn Khắc Thiện - Trưởng thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì, sống êm ấm, hạnh phúc, không bao giờ cãi cọ nhau, bởi anh chị tôn trọng nguyên tắc "Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê". Khẳng định mình không phải là đàn ông gia trưởng, anh Thiện nhận mình là người nín nhịn và hoà đồng. “Vợ chồng tôi luôn nhường nhịn nhau, chưa bao giờ để xảy ra cuộc cãi vã. Nếu chồng có lỡ nóng giận thì vợ nhịn chồng, hoặc vợ có nói gì thì chồng cũng cố gắng kiềm chế, không cáu gắt. Làm việc gì vẫn phải có sự đồng thuận từ cả hai vợ chồng. 



Anh Nguyễn Khắc Thiện - Trưởng thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì

Anh Thiện không nề hà việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Các con anh  dù ưu tiên thời gian cho học tập, nhưng vẫn có trách nhiệm làm việc nhà, không phân biệt trai hay gái, và không nuông chiều các con. “Bố tôi là nhà giáo, ông nội tôi là công an nên đã dạy tôi về sự công bằng này, do đó, từ nhỏ tôi đã thường xuyên nấu cơm, rửa bát, quét nhà dù trên tôi còn mấy chị gái. Nên vợ chồng, con cái bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ, yêu thương nhau chính là yếu tố giữ vững hạnh phúc gia đình”, anh Thiện nói.

Bạo lực gia đình trong thôn đã giảm rất nhiều

Anh Nguyễn Khắc Thiện cho biết, ở thôn Thanh Chiểu, có tới 30% gia đình “tứ đại đồng đường, còn “tam đại đồng đường” thì khá nhiều. Họ cùng sống chung  hạnh phúc, tôn trọng nhau, trên bảo dưới nghe. Dù là địa bàn nông thôn, nhưng hầu hết người dân, đặc biệt là đàn ông đã nhận thức được xu thế ngày nay là vợ chồng, nam nữ bình đẳng, trong thôn không còn chuyện tảo hôn, hay bố mẹ ép gả cưới như xưa. Những năm gần đây, người dân nắm bắt được thông tin tuyên truyền nhiều trên báo đài và nhận thức tốt hơn nên giảm hẳn tình trạng bạo lực gia đình, (còn khoảng 10-20%). Tình trạng rượu chè say xỉn ở thôn cũng không như trước nữa, cuộc sống đã văn minh hơn. Mấy năm nay thôn Thanh Chiểu không có trường hợp nào ly hôn vì bạo lực gia đình mà chủ yếu là do các nguyên nhân xã hội khác tác động.

 



Bác Đỗ Văn Táo, Tổ trưởng Tổ dân phố 19, Phường Khương Trung

Trong nhà luôn có sự chia sẻ, thông hiểu, giúp đỡ nhau

Bác Đỗ Văn Táo, 73 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố 19, Phường Khương Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội, thổ lộ: gia đình bác sống chung 3 thế hệ rất ấm áp. Điều quan trọng nhất là các thành viên phải có sự kiên nhẫn, thông hiểu, chia sẻ công việc với nhau, dẫn tới đồng tâm nhất trí, đoàn kết trong gia đình thì sẽ không bao giờ xảy ra bất hoà.

Toàn dân học tập và làm theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa trong mỗi gia đình, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, Bộ VHTT&DL đã ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2019. Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí. Đa số người dân, nhất là các gia đình văn hoá ở Hà Nội đều tích cực hưởng ứng thực hiện Bộ tiêu chí này.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTT&DL ban hành

Nhận xét về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bác Táo cho biết, có Bộ tiêu chí này để toàn dân học tập và làm theo, các gia đình ứng xử theo nếp sống văn hoá là rất tốt. Gia đình bác Táo hiện vẫn đang làm theo các tiêu chí này rất hữu hiệu. Còn theo anh Thiện, các tiêu chí trong Bộ tiêu chí được áp dụng ở xã Phú Cường cũng dễ thực hiện.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.