THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 10:44

Những mùa cần thêm thương nhớ…

01/02/2022 | 13:04
Tết bao giờ cũng là dịp để những thương nhớ được bày biện ra. Cha mẹ nhìn vào con cái với ước mong con được trưởng thành hơn trong từng quyết định trên chặng đường năm mới. Con cái nhìn vào cha mẹ để trân trọng hơn những giá trị tình thân, biết thứ quý giá mình cần gìn giữ giữa bao khát khao cháy bỏng. Mái nhà trong những ngày Tết như bếp lửa dậy hơi ấm giữa mùa đông giá rét. Ai cũng muốn ngồi lại bên nhau lâu hơn một chút…
5ff0098673b9305d8067731c_hinh-anh-gia-dinh-sum-vay

Nhưng mùa Tết 2022 này có lẽ là một mùa Tết rất khác. Trong những năm tháng mình đã từng sống, năm 2021 vừa đi qua có lẽ là trang nhật ký mình muốn lật qua nhanh nhất có thể, thậm chí với nhiều người, còn muốn xé đi như chưa hề tồn tại.

Ðại dịch Covid-19 đã mang đến những ngày dài đến khủng khiếp trong quãng thời gian giãn cách xã hội. Những yêu thương dưới mái nhà chưa bao giờ được gắn bó với nhau nhiều đến thế, song đồng thời, những mất mát cũng từ đó mà ngân lên những tiếng chuông dài lặng lẽ không dứt…

Ðôi khi, khoảng cách chỉ là một cánh cửa phòng, một ngã tư đường, một con phố… nhưng không thể gặp mặt, không thể nói với nhau những lời sau cuối dù là cảm ơn hay xin lỗi.

Có những buổi sáng thức dậy rất sớm, mình chỉ nằm đó và nhìn vào gương mặt của con trai đang ngủ say trong cảm giác hạnh phúc. Những khoảnh khắc đó, thật sự là khoảnh khắc bình an, để tự mình tiếp thêm năng lượng tích cực cho mình, dù bên ngoài ô cửa kia, những tiếng còi xe cứu thương cứ vang lên như một bản giao hưởng kéo dài không dứt…

Nhưng không phải ai cũng có được những may mắn vẫn nhìn thấy nhau sớm tối. Những người cha, người mẹ, những người ông, người bà… đã rời bỏ đời sống này nhanh như một cái chớp mắt vì một con virus quái ác. Và, những cuộc ra đi không báo trước ấy đều đã để lại rất nhiều ánh mắt trẻ thơ thất thần, ngơ ngác…

Chúng ta, những người lớn, đôi khi đã đối diện với nhiều biến cố cuộc đời trong những ngày đã sống. Chúng ta có thể tự trang bị cho mình những tâm thế cần thiết để khi nhìn thấy một (hay nhiều) đau thương nào đó sẽ không quá tuyệt vọng. Chúng ta, dù trong những ngày yếu đuối nhất, vẫn biết cách sống tiếp. Song, trẻ con thì khác…

Những cây non lớn lên trong cuộc đời này bao giờ cũng cần được chở che bởi bóng mát rộng lớn. Những cây non được chăm sóc trong yêu thương nhất định sẽ vươn cành ra lá xanh tươi và trổ hoa kết trái trong mùa đẹp nhất. Thế nên, khi bóng mát biến mất, làm sao biết cây non rồi sẽ ra sao?

Trong một thống kê của Bộ LÐ-TB&XH vào giữa tháng 10/2021, có đến hơn 2.500 trẻ em Việt Nam mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19. Và có lẽ, con số ấy đến thời điểm này vẫn chưa dừng lại…

Có những mất mát rồi sẽ nguôi ngoai và thời gian sẽ chữa lành những thương tổn mà tâm hồn phải gánh chịu. Nhưng cũng sẽ có những mất mát mà chỉ cần chạm nhẹ vào cũng nghe được tiếng đáy lòng đang đau nhói.

Những ngày Tết 2022 chắc chắn vẫn có hoa, có áo mới, có bánh mứt… nhưng đâu đó sẽ vắng rất nhiều những ánh mắt hân hoan vì thiếu đi những yêu thương gần gũi. Chúng ta bằng cách này hay cách khác rồi cũng sẽ phải tiếp tục sống với tất cả những gì can trường nhất. Tuy nhiên, sẽ có những thời khắc lòng chợt nhận ra có rất nhiều khoảng trống vắng.

5ff0098673b9305d8067731e_hinh-anh-gia-dinh-sum-vay2

Tết chính là mùa của thương nhớ sum vầy. Nhưng, thật không may, rất nhiều thương nhớ giờ chỉ có thể tìm thấy bằng cách ngoái đầu nhìn lại.

Mỗi một nghĩa cử cao đẹp lúc này, dù chỉ là một cánh thiệp, một món quà, một phong bao lì xì hay những lời chia sẻ và động viên của chính những người thân yêu, của hàng xóm láng giềng, của các cơ quan đoàn thể… tới những trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19 trong mùa Tết đều rất đáng quý, có thể sưởi ấm những trái tim trẻ thơ đang rất mong manh.

Chúng ta, nếu có thể hãy cúi xuống một chút, bởi có lẽ ở đâu đó trong con hẻm mình đang sống, có những tâm hồn nhỏ bé đang chịu đựng cảm giác lẻ loi và đâu đó những mắt nhìn con trẻ đang sợ rằng mai này sẽ lạc lối… Không phải chỉ là ngay lúc này, cũng không phải chỉ là trong mùa Tết, chúng ta hãy cúi xuống thật gần để biết rằng, còn rất nhiều buổi sớm mai có những bàn chân bé nhỏ cần được nâng đỡ.

Một trong những cảm giác rất bản năng của con người là tìm thấy được những đồng cảm ngay lập tức vào khoảng thời gian biến cố xảy ra. Chỉ là dư chấn của mất mát không chỉ dừng lại trong một vài ngày hay vài tháng ngắn ngủi. Ðó là lý do đôi khi sự quan tâm quá mức vào một thời điểm rồi dần dà mọi thứ rơi vào quên lãng, có thể sẽ còn làm đau lòng hơn đối với những người cần tiếp nhận sự sẻ chia. Ðại dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mất mát cũng không thể ngay lập tức trở về số 0. Và những niềm thương nhớ khôn nguôi trong lòng của trẻ thơ chẳng cách nào nói bình tâm là bình tâm được.

Chúng ta thật sự cần nhiều hơn những chương trình dài hơi về tư vấn tâm lý, hỗ trợ và chăm sóc từng trường hợp cụ thể với trẻ em đang đối diện với những biến cố mất đi người thân. Và nên chăng, có một kênh liên lạc phục vụ riêng cho đối tượng những trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19. Một kênh liên lạc để bất cứ vào khoảng thời gian nào cũng có thể lắng nghe, chia sẻ và cùng tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà trẻ đang mắc phải.

Sẽ rất khó để có thể tạo ra một sự kết nối trọn vẹn vào thời điểm này, khi mà đại dịch đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết hơn. Nhưng vẫn mong, trong vài gạch đầu dòng mà người lớn trang bị cho mình để sống chung với một xã hội bình thường mới, thì những trẻ mồ côi trong đại dịch phải là một trong những gạch đầu dòng quan trọng nhất. Vì mai này, những người trẻ ấy sẽ trưởng thành và chính là chủ nhân của tương lai đất nước.

Ngay từ bây giờ - trong những ngày đầu năm mới này, hãy để những thương nhớ được trao gửi một cách chân thành và đến đúng những tâm hồn trẻ thơ đang cần nương tựa!

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

2 năm trước

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em. Đến nay, với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt...
An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

2 năm trước

Tờ Financial Review bản điện tử (Australia) đã đăng bài bình luận về sự cần thiết phải mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn.
Nới điều kiện tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước

Nới điều kiện tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước

2 năm trước

Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.