THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 03:27

Những thách thức trong việc triển khai mô hình phòng tham vấn học đường

28/11/2021 | 09:41
Hiện nay, 100% các trường phổ thông tại Hà Nội đều có phòng tham vấn học đường (TVHĐ), tuy nhiên, các số liệu báo cáo cho thấy, phần lớn đều là các “phòng tham vấn trắng” do không thu hút được học sinh. Trong khi đó, rất nhiều em gặp khó khăn trong quá trình học tập, trong mối quan hệ bạn bè, gia đình, và cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lí. Tại sao các phòng TVHĐ chưa hiệu quả, những khó khăn và thách thức trong việc triển khai mô hình này là gì?
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: M.Anh

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: M.Anh

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, có bốn thách thức trong triển khai mô hình phòng TVHĐ. Đó là: tiềm lực tài chính - kinh tế trong việc chi trả bản quyền thang đo và công cụ trị liệu, giúp hỗ trợ nhân viên tham vấn trong hoạt động nghề. Hiện nay, tại Việt Nam, các công cụ và thang đo được chuẩn hóa vẫn còn hạn chế. Những thang đo có mức độ phù hợp cao với tình trạng sức khỏe tinh thần của con người hiện nay không có nhiều. Do đó, chúng ta cần phải mua bản quyền từ nước ngoài với chi phí cao. Với nguồn tài chính hạn hẹp, các tham vấn viên không thể tiếp cận công cụ tốt nhất và đưa ra phương pháp chẩn đoán trị liệu phù hợp nhất cho thân chủ nói chung và học sinh nói riêng.

Thứ hai là chế độ lương thưởng cho nhân viên tham vấn vẫn còn rất thấp so với công sức và thành quả xứng đáng bỏ ra. Áp lực về mặt kinh tế gia đình ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng làm việc của các nhân viên. Rất nhiều trường hợp tham vấn viên mới vào nghề đã không thể trụ vững mà phải chuyển nghề để có được mức thu nhập cao hơn, giúp trang trải cuộc sống một cách lâu dài.

Thứ ba, đa số người dân chưa thật sự nhận thức sâu sắc và có niềm tin vào tầm quan trọng của nghề tâm lí.

Thứ tư là nhân tài chưa có cơ hội cống hiến đúng năng lực của bản thân cho nghề nghiệp. Hàng năm, tại các trường đại học đào tạo kiến thức chuyên môn ngành Tâm lí, có đầu ra hơn 2.000 sinh viên. Nhưng bị hạn chế về số lượng cơ sở đào tạo kĩ thuật tham vấn - trị liệu. Hạn chế cả về mặt số lượng nhân lực hướng dẫn giàu kinh nghiệm. Vì vậy, các em chưa thực sự được sắp xếp vị trí công việc phù hợp với năng lực để hoạt động và phát triển tốt nghề tâm lí.

Phòng TVHĐ - nơi có các cán bộ hỗ trợ, có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi có thể giúp giảm thiểu những khó khăn về tâm lý, hỗ trợ năng lực phát triển của học sinh. Ảnh nbk.edu.vn.

Phòng TVHĐ - nơi có các cán bộ hỗ trợ, có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi có thể giúp giảm thiểu những khó khăn về tâm lý, hỗ trợ năng lực phát triển của học sinh. Ảnh nbk.edu.vn.

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức lớn đối với ngành giáo dục Thủ đô. Hơn 7 tháng qua, toàn thể học sinh và thầy cô giáo phải bắt đầu thích ứng với việc thực hiện dạy và học trực tuyến. Ở lứa tuổi các em học sinh, bên cạnh chất lượng tiếp thu kiến thức thì việc đến trường học để giao lưu bạn bè - thầy cô, hoạt động trong môi trường tập thể là điều quan trọng và cần thiết trong sự phát triển các kỹ năng xã hội. Song giáo viên và học sinh đã gặp không ít khó khăn và áp lực. 

Theo khảo sát tình hình trẻ em thế giới năm 2021 (UNICEF), cứ trung bình 7 em thì có ít nhất 1 em trong số đó đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Như vậy, có hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi mà các em phải ở nhà trong thời gian dài và học tập hàng giờ trước máy tính và điện thoại đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe tinh thần. Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trình trạng mệt mỏi kéo dài, giảm tương tác xã hội dẫn đến cảm giác cô đơn, mất động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, các em có thể cũng rơi vào tình trạng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến hàng giờ đồng hồ cùng khối lượng kiến thức lớn.

Bên cạnh đó, vì học tập tại nhà mà rất nhiều em còn nảy sinh mâu thuẫn với bạn bè (trên mạng) hay với người thân trong gia đình… Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các em phải học tập online dài hơn, thì các vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ em sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không nhận được những hỗ trợ kịp thời. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cảm xúc, nhận thức, hành vi trong các mối quan hệ xã hội của các em sau này.

Từ thực tế đáng báo động đó, chúng ta cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ em. Trong đó, phòng Tham vấn học đường - nơi có các cán bộ hỗ trợ, có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi được xem như một lựa chọn để giảm thiểu những khó khăn về tâm lý, hỗ trợ năng lực phát triển của học sinh.

Năm 2019, Tổ chức Good Neighbors International (GNI) triển khai dự án “Phòng chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn cho trẻ” - Speakout 1 và đạt được những kết quả ấn tượng như: Thành lập - vận hành 02 phòng tham vấn học đường tại trường THCS-THPT Ban Mai và trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội); hơn 700 lượt học sinh được tư vấn tâm lý; 260 giáo viên được tập huấn về phòng chống bạo lực học đường; Tọa đàm “Nghe sao để trẻ nói, nói sao để trẻ nghe” và sự kiện “Những điều hạnh phúc của Minh Đức” đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn phụ huynh, học sinh.

Tiếp nối sự thành công đó, năm 2021 dự án Speakout 2 đã nhân rộng mô hình phòng tham vấn tại trường THCS Minh Khai và THCS Lê Quý Đôn. Bên cạnh việc vận hành 04 phòng tham vấn, dự án đã và đang tổ chức sự kiện online như “Một giờ thứ bảy hạnh phúc” định kỳ theo từng tháng; tập huấn “Đồng hành cùng con” với chủ đề “Hiểu con, hiểu mình” dành cho phụ huynh học sinh; tập huấn về kỹ năng và công cụ tham vấn với chuyên gia Hàn Quốc dành cho giáo viên… Chị Lê Thu Trang cho biết, trong 6 tháng qua, 4 phòng tham vấn đã thực hiện tư vấn 700 ca và gần 3000 lượt tham vấn, trong đó có đến 32% là về những mối quan hệ trong gia đình.

Rõ ràng, chúng ta cần có những giải pháp để thúc đẩy công tác xây dựng và vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường hiệu quả và thiết thực hơn, đem đến cho các em học sinh, nhà trường và cả phụ huynh những ý nghĩa tốt đẹp nhất về việc tăng cường sức khỏe tinh thần cho các em học sinh - một vấn đề vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ.

Mai Anh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Huy động nguồn lực tốt nhất hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Huy động nguồn lực tốt nhất hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

2 năm trước

Sáng 26/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã dự họp Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt...
Phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51

Phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51

2 năm trước

Ngày 25/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng...