THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 01:11

Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em

17/10/2021 | 14:55
Sử dụng lao động trẻ em là vấn đề ngày càng nan giải ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động trẻ em, Việt Nam đang nỗ lực từng bước, với những hành động cụ thể, đặc biệt đó là việc xây dựng Chương trình phòng ngừa và giảm bớt lao động trẻ em giai đoạn 2015-2020.

5,3% người từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em 

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm 2020, nước ta có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em. Tỷ lệ này tuy giảm sâu so với kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất vào năm 2012 (tỷ lệ lao động trẻ em năm 2012 là 15,5%), nhưng vẫn còn khá cao, tương ứng với hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia lao động.

Trẻ em chia sẻ về các vấn đề liên quan đến trẻ em, bao gồm lao động trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Trẻ em chia sẻ về các vấn đề liên quan đến trẻ em, bao gồm lao động trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.  

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song do tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng liên tục cảnh báo nguy cơ gia tăng lao động trẻ em. "Việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt. Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập, còn gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai”, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam trăn trở.

Với tinh thần cùng hành động để phòng ngừa lao động trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà tin tưởng, tỷ lệ lao động trẻ em ở nước ta sẽ giảm dần, còn dưới 4,9% vào năm 2030.
Phó Giám đốc Sở LĐ- B&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: An Nhiên

Phó Giám đốc Sở LĐ- B&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: An Nhiên

Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên dưới 1%

Để góp phần bảo vệ cho thế hệ tương lai, các ngành, địa phương đã chung tay hành động để giảm nguy cơ trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi. Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Thành Thái cho biết, ngoài các chính sách chung, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động trẻ em; giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ngoài ra, Thành phố thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương có nghề truyền thống ở các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội có gần 20.000 trẻ em và gần 2.000 hộ gia đình có trẻ em đứng trước nguy cơ phải tham gia lao động sớm đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt. Toàn thành phố không có trẻ em phải tham gia lao động sớm trái quy định của pháp luật.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND quy định rõ về những mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu: giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5 đến 17 tuổi) dưới 1%; hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo; 90% trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Trong giai đoạn 2021-2025 Hà Nội đặt mục tiêu có 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 85% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Thành phố phấn đấu có 90% công chức, viên chức cấp thành phố, quận, huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Trong định hướng đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục duy trì tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5 đến 17 tuổi) dưới 1% và giảm tối đa tỷ lệ trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo đưa các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch vào nhiệm vụ, lồng ghép trong xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép vào trong các nhiệm vụ chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội, lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; đồng thời, rà soát, tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt trong công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động.

Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đoàn thể, các tổ chức, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đảm bảo Quyền trẻ em, đặc biệt tại các làng nghề và khu vực kinh tế phi chính thức. Thành phố tăng cường công tác rà soát, thu thập thông tin, quản lý chắc trẻ em trong các hộ gia đình, đặc biệt nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; hướng dẫn người sử dụng lao động, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề, khu vực kinh tế phi chính thức về kiến thức, kỹ năng phát hiện và phối hợp với các ban ngành, cơ quan, tổ chức để can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ; hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất, tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật; xây dựng các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…

Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Lai Châu

2 năm trước

Nhằm giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho các em, nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để...
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên xuống 4,5%

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên xuống 4,5%

2 năm trước

Đó là mục tiêu chính của tỉnh Kiên Giang trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng...