THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 06:18

NTK Minh Hạnh: Vì sao thời trang Việt khó cất cánh?

05/03/2017 | 14:00
 
Nhà thiết kế Minh Hạnh.
 
Lối sống tạo nên khuynh hướng thời trang

Chào NTK Minh Hạnh, xin chị cho biết xu thế thời trang hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam?
 
Xu thế hiện nay trên thế giới đang chuyển sang phong cách tối giản và tiện dụng. Bởi đời sống đi rất nhanh, nhanh đến mức không ngờ, đòi hỏi sự dịch chuyển cũng rất nhanh. Hơn nữa, hiện nay sở thích của mọi người là đi du lịch nhiều. Chính những thói quen trong lối sống đó tạo nên khuynh hướng thời trang. Vì vậy, những phong cách tối giản được ưa chuộng. Thời trang ngày hôm nay có sự kết hợp với thể thao. Bạn để ý sẽ thấy những đường nét khỏe khoắn, có tính cách của những bộ đồ thể thao được đặt vào trong những bộ trang phục mà người ta tưởng là rất khó để dành cho thời trang công sở. Cách đây 5 năm, nếu ai mặc bộ veston đi với đôi giầy thể thao thì sẽ bị mọi người nhìn với một ánh nhìn rất kỳ lạ, vì coi đó là sự kết hợp không chuẩn mực. Nhưng hôm nay, mọi người đang phối đồ như thế, vì đó là sự tiện dụng, thích ứng với thời đại.
 
 
Mẫu thiết kế trong Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2017.
 
Lý do khiến các nhà thiết kế bối rối
 
Những lý do căn bản nào hiện đang là rào cản để Việt Nam tiến tới một nền công nghiệp thời trang?
 
Tôi muốn kể hai câu chuyện liên quan tới lý do vì sao thời trang Việt khó phát triển. Thời trang là một lĩnh vực chiến lược về kinh tế mà chúng ta đang có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nếu nước ta vẫn nhập siêu về nguyên liệu như hiện nay thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian nữa để có được một nền công nghiệp về thời trang. Đó là điều mất đầu tiên của chúng ta. Tất cả các sản phẩm đang mặc trên người chúng ta có tới 90% chưa thể làm được tại Việt Nam, kể cả chất liệu Jean bình thường Việt Nam vẫn chưa làm được, mà chúng ta vẫn phải nhập siêu. 
 
Chuyện thứ hai là, vừa qua, tôi tham dự cuộc ra mắt sản phẩm của một công ty lớn nhất của châu Âu về vải ở Milan (Ý). Khi đến đó, các NTK không cần phải nghĩ ngợi nhiều nữa, chỉ cần nhìn những mẫu mã nguyên liệu họ làm ra là lập tức NTK hiểu được mình sẽ có BST trong tay ngay lập tức. Khó khăn cốt lõi trong ngành thời trang của ta là thiếu nguyên liệu. Nguyên liệu của chúng ta vẫn phụ thuộc thì Việt Nam luôn luôn đi sau các nước. Cho nên, các NTK trẻ ngày nay đang phải tìm tòi trong giới hạn cho phép đó, tôi nghĩ đấy là sự dũng cảm và cũng là thách thức khi đứng trước bao khó khăn. Vì chỉ cần thiết kế 4 - 5 mùa là các NTK rất bối rối vì sẽ không biết tìm đâu cho ra được những nguyên liệu mới để làm mới được mình. Đó chính là áp lực của các NTK. 
 
Người tiêu dùng khi đến với thời trang, câu đầu tiên sẽ hỏi là có gì mới không? Đó là điều áp lực nhất của các NTK. Có thiết kế mới mà không có nguyên liệu mới là những điều rất khó đang diễn ra hàng ngày ở lĩnh vực thời trang của Việt Nam. Câu chuyện về thời trang Việt còn nhiều khó khăn, và chúng ta cần điều chỉnh sự sáng tạo cho hợp với xu thế, tuy nhiên chúng ta cần động lực lớn hơn để tạo ra giá trị thực sự cho ngành công nghiệp này.
 
Vậy có cách nào để ngành dệt may giảm bớt nhập siêu như hiện nay?
 
Đây là câu chuyện dài của một nền công nghiệp dệt may. Phải tạo ra được một nền công nghiệp dệt, chứ như hiện nay chỉ lấy vải nhập của nước ngoài về may thì chúng ta chỉ là bán sức gia công của may mặc, chứ không bán được sức sáng tạo. Cần phải đầu tư con người, đầu tư hệ thống, trang thiết bị thì dễ, nhưng chuyện nhân lực là rất khó. Ví dụ, muốn phát triển công nghiệp dệt, chúng ta phải có khu vực để trồng cây công nghiệp, cây bông, cây đay, cây gai… rất nhiều. Khi không có một nền công nghiệp dệt thì rất khó phát triển lĩnh vực thời trang. Giải bài toán này là câu chuyện từ chiến lược kinh tế tầm vĩ mô. 
 
 
Mẫu thiết kế trong Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2017.
 
Một thực tế khó hiểu vẫn diễn ra
 
Vậy còn khó khăn nào về con người đang cản trở bước phát triển của ngành thời trang?
 
Tôi rất tiếc có khoảng 10 NTK trẻ không thể kịp làm BST tham dự trong Tuần lễ thời trang Thu Đông 2017, chỉ vì thợ về quê ăn Tết vẫn chưa đến làm việc. Tôi thấy đây là một sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận. Hiện nay, trên thế giới, tất cả những tuần lễ thời trang thu đông đều đang diễn ra, ở Việt Nam cũng diễn ra cùng thời điểm với Paris, Milan, Madrid, New York, nhưng chúng ta vẫn còn đang đi lễ Tết, đi du xuân, tôi cảm thấy rất đáng lo. Vì các NTK cần có lực lượng lao động để tạo ra những BST mới thì họ phải bó tay trước những thói quen sống chưa thật sự văn minh, xem “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Nhịp sống của chúng ta như thế thì khó có thể phát triển được. Tôi cho rằng, đấy là sự cảnh báo trong lĩnh vực thời trang luôn phải chạy đua với thời gian mà thiếu hụt nhân lực là cực kỳ mệt mỏi. 
 
Phát triển thời trang Việt khó vì những chi tiết rất nhỏ đó. Tham gia vào tuần lễ thời trang, các NTK vất vả lắm, Cao Minh Tiến, Hà Duy, Duy Đạt,… trong thời gian qua đều phải làm việc vất vả 16h/ngày. Nếu để ý, mọi người sẽ thấy Tuần lễ thời trang Xuân Hè luôn có đông NTK hơn, vì có nhiều nhân lực hơn. Đó là một thực tế bất hợp lý và khó hiểu vẫn diễn ra bao năm qua.
 
Xin cảm ơn NTK Minh Hạnh.
 
1.000 mẫu thiết kế mới vừa được trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2017 vào các ngày 24, 25 và 26/2 tại Phim trường S14 - Đài Truyền hình Việt Nam. Với sự tham gia của các NTK Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Hà Duy, Chu La, Duy Nguyễn, Minh Hạnh… Tuần lễ thời trang Thu Đông năm nay đề cao các bộ sưu tập (BST) mang tính ứng dụng, thiên về phong cách tối giản, kết hợp một số phụ kiện tạo cảm giác thoải mái cho người mặc.

Hồng Nga/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...