THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:56

Nuôi con bằng sữa mẹ

05/12/2020 | 11:45



Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Ảnh: Mỹ Đức


Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, bao gồm chất đường, chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất và nước với tỷ lệ hợp lý nên trẻ dễ hấp thu và tiêu hóa hơn sữa công thức. Đặc biệt, sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp phòng chống một số bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ như bệnh đường ruột, hô hấp; các bệnh ở tai, mũi, họng; dị ứng, hen suyễn…; Tỷ lệ các khoáng chất (canxi, photpho và magie) và vitamin có trong sữa mẹ phù hợp với sự phát triển của trẻ nên dễ hấp thu, trẻ bú mẹ ít bị còi xương và thiếu máu. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu là tiền đề giúp trẻ phát triển toàn diện sau này và những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, béo phì, tiểu đường và tim mạch… hơn những trẻ không có sữa mẹ.


Khi trẻ bú mẹ, nằm trong vòng tay yêu thương của người mẹ, sự gần gũi, âu yếm, nói chuyện của mẹ với trẻ sẽ hình thành mối quan hệ gần gũi, yêu thương, trẻ đỡ quấy khóc, phát triển tốt về tinh thần; đồng thời giúp người mẹ tránh được nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Việc cho trẻ bú mẹ còn giúp người mẹ sớm phát hiện ra các bất thường ở trẻ, giúp việc chăm sóc trẻ tốt hơn.


Ngoài ra, nuôi còn bằng sữa mẹ giúp người mẹ giảm cân tự nhiên, co hồi tử cung, phòng chảy máu sau sinh; giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú, buồng trứng hoặc ung thư tử cung; giảm nguy cơ loãng xương và đái tháo đường; có thể ngăn cản có thai trở lại sớm.


Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng trẻ vô cùng kinh tế và tiện lợi, vì sữa mẹ luôn sẵn có, sạch sẽ và có nhiệt độ phù hợp.


Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ


Các bà mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh (trong vòng 1 giờ đầu) để kích thích tiết sữa. Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm. Bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối. Thời gian trung bình mỗi bữa bú từ 15 - 20 phút. Chỉ nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hoặc lâu hơn nếu có thể. Khi trẻ bị bệnh không tự bú được, người mẹ có thể vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa.


Khi cho con bú, các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường và ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, Vitamin A, và a xit folic như sữa, hoa quả , thịt cá, trứng, đậu phụ, lạc, đậu đỗ, các thực phẩm có màu vàng đỏ... và các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc... Giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu... Người mẹ đang cho con bú khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ vì có thể gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.

Cán bộ y tế hướng dẫn cho bà mẹ nuôi con nhỏ cho trẻ bú đúng cách. Ảnh: Thanh Hoa


Đảm bảo việc làm cho lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ


Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam cho phép lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng. Chính sách ưu việt này giúp các bà mẹ thực hành việc nuôi con bằng sữa mẹ, có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Luật pháp Việt Nam cũng hỗ trợ tối đa để lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sau khi đã đi làm như: Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động không được cử lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Một số cơ quan, doanh nghiệp có phòng nghỉ để lao động nữ có thể nghỉ ngơi, vắt và trữ sữa… Luật cũng cố gắng đảm bảo việc làm cho các bà mẹ mới sinh con để họ yên tâm làm việc. Khi lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người sử dụng lao động không được phép lấy lý do này để sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.


Tuy nhiên, nhiều phụ nữ Việt Nam cho rằng, đi làm lại sau khi sinh là một trong những nguyên nhân chính khiến họ khó có thể cho con bú mẹ hoàn toàn bởi áp lực công việc, thời gian đi lại, chất lượng bữa ăn...


Nhiều bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy, chính sách nghỉ thai sản dài, có hưởng lương sẽ thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy, người mẹ đi làm lại sớm, đặc biệt trước khi trẻ được 6 tháng, là rào cản đối với việc cho con bú sớm và tiếp tục cho bú. Một nghiên cứu khác ở Australia cho thấy, phụ nữ phải đi làm toàn thời gian trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng sau sinh sẽ có xu hướng ngừng cho con bú trước khi trẻ được 6 tháng tuổi cao gấp 3 lần so với những phụ nữ không đi làm. Ở Canada, sau khi thời gian nghỉ thai sản được tăng từ 6 tháng lên 1 năm, tỉ lệ trẻ được cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã tăng 40%. Ở Na-uy, khi thời gian nghỉ thai sản tăng từ 10 tuần đến 40 tuần, tỉ lệ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng từ 10% lên đến 80%.


James Grant, Cựu Giám đốc Điều hành, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF nhấn mạnh: “Chúng ta không nên nhìn nhận việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như một lý do để gạt bỏ phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động. Cũng không nên đặt lên vai phụ nữ gánh nặng phải lựa chọn giữa việc cho con bú và công việc. Xã hội có trách nhiệm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và thực chất là chăm sóc trẻ nhỏ”.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú sữa mẹ cho tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Phương Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.