THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:54

Nuôi dạy con là hàm dưỡng Phật tính

14/07/2020 | 09:07

Phật tính là gì?
 
Trong kinh điển, Đức Phật chưa từng tự nhận bản thân là một vị thần thánh  tài phép, có quyền định đoạt số phận cho con người. Bằng kinh nghiệm thực chứng của đời mình, Đức Phật chỉ cho con người lối đi để giúp họ tự định đoạt theo cách sáng suốt nhất. Nhờ sự cứu độ ấy, tha nhân thấu hiểu Phật tại tâm và thành tâm ắt thành Phật.
 
Phật tính là căn tính hướng thiện của chúng sinh với đầy đủ từ bi, trí tuệ. Theo quan niệm của Phật giáo thì Đức Phật là bậc đã giác ngộ và muốn giúp chúng sinh nhận ra Phật tính có sẵn bên trong mình để đắc quả thành Phật. 
 
Bước trên đường đi của Phật tức là theo đạo Phật. Cũng cần nói thêm, Đức Phật không hướng con người ta xa lánh cuộc sống, trái lại, mỗi cá nhân cần phải trải nghiệm cuộc sống để nhận thức đầy đủ về mọi sư bị ràng buộc bởi Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Khổ và Vô Thường, Vô Ngã. Khi chúng sinh đã có mong muốn thoát khỏi dục vọng, vô minh thì đạo Phật đưa họ đến với Tứ Diệu Đế để tu học Bát Chánh Đạo. Trong đó, nuôi dạy con cái là nẻo về hoàn hảo nhất để thực hành Bát Chánh Đạo. Bởi cha mẹ sinh con, nuôi con, dạy con thành người sẽ ngày càng gần gũi, tròn đầy hơn nơi Phật tính trong tâm mình. 


Ảnh minh họa
 
Dạy con bằng trái tim của một vị Phật
 
Giáo dục con cái cần đến những nỗ lực không mệt mỏi, tình thương đi kèm sự sáng suốt của các bậc làm cha, làm mẹ. Cuốn sách “Phương pháp nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật” (tác giả: Dr. C. L. Claridge, Thảo Triều dịch) là con đường sáng gợi mở Phật tính trong trái tim của các bậc phụ huynh. 
 
 “Phương pháp nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật” giả định phụ huynh là những Phật tử. Tức là giả định rằng cha mẹ đang cố gắng để hiểu sâu hơn và thực hành các nguyên tắc cùng khái niệm Phật giáo, đồng thời phấn đấu để kết hợp từ bi và trí tuệ vào các kỹ năng, chiến lược giúp con trẻ kết nối và phát triển Phật tính của chúng”.
 
Trong khi giáo dục con cái, đức từ bi mà thiếu vắng trí tuệ sẽ dẫn đến thói nuông chiều, nhu nhược hoặc thất thường khi dạy bảo con. Ngược lại, nếu chỉ dựa trên trí tuệ thuần túy thì cha mẹ lại trở thành nghiêm khắc, lạnh lùng và quen kiểm soát những đứa trẻ. 
 
Do đó, bậc cha mẹ kết hợp giữa từ bi và trí tuệ thì giáo dục con cái mới đem lại những kết quả ý nghĩa. Điều này hoàn toàn tuân theo quy luật nhân quả của Phật giáo: Khi gieo nhân lành và vun trồng duyên lành thì chúng ta sẽ gặt hái quả ngọt. 
 
Theo tinh thần Phật giáo, phương pháp dạy con không cung cấp bộ công cụ để các bậc cha mẹ thực hiện tham vọng biến đổi con cái mình thành những cá nhân đầy ích kỷ. Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật hướng dẫn cha mẹ nâng đỡ, hỗ trợ để trẻ em lớn lên là công dân tự chủ, thiện ích và hạnh phúc. 
 
Cha mẹ sẽ không phóng chiếu ước mơ của mình lên con cái, không áp đặt kì vọng và cũng không xem mối quan hệ giữa bản thân mình với những đứa con là một mối quan hệ đầu tư ở hiện tại, cần được đền đáp thỏa đáng trong tương lai. 
 
Ảnh minh họa
 
Nhân tốt Quả lành
 
Khi nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật, cha mẹ đang vun trồng nên nhân cách của những đứa trẻ tự lực. Những hành vi, lời nói, suy nghĩ mà cha mẹ làm gương thường ngày cũng chính là đang giải thích cặn kẽ và dễ hiểu cho con trẻ chân lý phổ biến về tính vô thường, tính không và chánh niệm - theo cách thức dễ tiếp thu nhất song cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất. 
 
Thấu hiểu những nguyên lý cơ bản này, trẻ em sẽ ý thức được cần phát triển lòng kiên nhẫn, sự hiểu biết bên trong bản thân cũng như hướng tình thương của mình ra bên ngoài, với vạn vật xung quanh. Ở tuổi trưởng thành, các em ý thức được nhân – quả nên sẽ tập chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình. Hơn nữa, các em hiểu rõ mọi thứ đều không tồn tại vĩnh cửu nên sẽ không quá đau buồn trước mất mát. Và, bởi chánh niệm, các em sẽ không lãng phí phút giây nào trong đời mình để làm những điều có hại cho những người xung quanh. 
 
Một tác phẩm thực sự hay về giáo dục là một tác phẩm có thể gợi nên những rung động, khao khát thay đổi theo hướng tích cực hơn trong lòng người đọc. Cũng như một nhà giáo dục thực sự, tác phẩm tác động đến không những trí tuệ mà còn trái tim của những thế hệ trong tương lai. 
 
Nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ em, luôn là cha mẹ. Nếu con cái khỏe mạnh, đạo đức và nên người thì công đức của cha mẹ là vô cùng lớn lao. Do đó, ca dao xưa luôn răn dạy con cháu thờ kính cha mẹ:

“Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
 
Tấm lòng cha mẹ và sự hiếu thuận của con là vườn ươm hạt giống tốt lành cho tương lai tươi đẹp. 
 

Nguyễn Phú Hoàng Nam/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...