THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:54

Nuôi dưỡng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

16/08/2019 | 17:16

 
Niềm vui của học sinh tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh Nam Định.
                          
Cải thiện sức khỏe, điều kiện học tập, vui chơi cho trẻ em có HCĐB
 
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 531.759 trẻ, chiếm 26,5% dân số, trong đó, có 4.511 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 35.997 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khác. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, từng bước cải thiện sức khỏe, điều kiện học tập, vui chơi cho trẻ em. Công tác phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị đuối nước được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày một cao. Kết quả triển khai thực hiện các mô hình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương đã có tác động tích cực trong thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, chương trình bảo vệ trẻ em.
 
Để ngăn ngừa nhằm hạn chế trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các cơ quan chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học nhằm bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em. Thực hiện tốt mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, các mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương. 
 
Đặc biệt, việc tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật, mở rộng thêm nhóm đối tượng trẻ em khác có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, đồng thời tăng cường hỗ trợ liên quan đến trợ cấp nuôi dưỡng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, qua đó giúp cho nhiều trẻ em có điều kiện hòa nhập cộng đồng. 


Liên hoan văn nghệ mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi ở Trung tâm.

Mái ấm “chắp cánh” ước mơ hòa nhập cộng đồng 
 
Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật (Sở LĐTBXH) nằm trên địa bàn xã Lộc An (thành phố Nam Định) nhiều năm qua là Mái ấm “chắp cánh” ước mơ hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật. Từ ngày 1/7/2019, theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định, Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật sáp nhập với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định, đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp cơ sở 2 (Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật cũ) vẫn tiếp nhận, dạy nghề và nuôi dưỡng các cháu trong độ tuổi từ 12-16, bị câm điếc và chậm phát triển trí tuệ.
 
 Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy chữ cho 80 trẻ em khuyết tật độ tuổi từ 12-16 tuổi. Các em đều bị khuyết tật các dạng về nghe, nói, nhìn, hạn chế về khả năng vận động, trí tuệ. Trẻ khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm đều được học phục hồi chức năng ngôn ngữ từ lớp 1 đến lớp 3, được giáo dục thể chất và học tập kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trung tâm hiện có 1 lớp phục hồi thể chất, 6 lớp phục hồi chức năng ngôn ngữ. Trong việc phục hồi chức năng ngôn ngữ, Trung tâm chia nhóm đối tượng theo trình độ nhận thức khác nhau, áp dụng phương pháp trực quan, với các hoạt động: thuyết trình, hợp tác nhóm, hoạt động thể chất, giao lưu tập thể cùng với các nhóm, đoàn hoạt động từ thiện; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân, đồng thời phát huy có hiệu quả các trang thiết bị, các giáo cụ trực quan, giúp nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp cho trẻ khuyết tật. Để phục hồi chức năng về thể chất, 100% trẻ khuyết tật được hướng dẫn tập thể dục nâng cao thể chất, các em khuyết tật vận động được tập trên máy phục hồi chức năng. Trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, ngay khi được tiếp nhận vào Trung tâm, trẻ được khám sức khỏe ban đầu và có sổ y bạ theo dõi sức khỏe. Cán bộ y tế thường xuyên thăm khám, cấp thuốc cho trẻ, hướng dẫn các cháu giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn, ở. 
 
Đối với trẻ có khả năng học nghề, Trung tâm dạy nghề may, nghề mộc tùy theo khả năng của từng em. Hiện nay, Trung tâm có 3 lớp dạy nghề may và 1 lớp nghề mộc. Đối với nghề may, các em được học từ những đường may cơ bản, các bộ phận chủ yếu của quần áo đến lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm áo sơ mi, quần âu, áo bảo hộ lao động, áo jacket trên dây chuyền may công nghiệp đạt yêu cầu kỹ thuật. Đối với nghề mộc, sau khóa học, các em biết hoàn thiện sản phẩm mộc dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ... Đội ngũ giáo viên của Trung tâm luôn đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy, gắn học lý thuyết với thực hành và tận tình hướng dẫn các em từng kỹ năng, thao tác. Qua các đợt kiểm tra chất lượng đào tạo nghề hằng năm, hầu hết các em học nghề đều đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. 
 
Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm không chỉ dạy cho trẻ những kiến thức văn hóa, đạo đức, lối sống, học nghề mà còn rèn luyện cho trẻ những kỹ năng trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc điều chỉnh, lựa chọn những kiến thức, phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với từng loại đối tượng trẻ khuyết tật thì còn cần có tấm lòng yêu thương, sự kiên trì nhẫn nại, chăm chút ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, luôn trân trọng từng sự tiến bộ dù nhỏ của các em. Hiện Trung tâm có 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó 90% có trình độ đại học, cao đẳng. Các giáo viên được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật và đều có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Từ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đã có nhiều em tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật đã trở thành mái ấm yêu thương của nhiều trẻ khuyết tật trong tỉnh, chắp cho các em “đôi cánh” thực hiện ước mơ làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Sơn Thanh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.