THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 08:56

Ô nhiễm không khí cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ em

05/11/2021 | 08:45
Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người vô hình, thầm lặng. Trong lúc chưa tìm được giải pháp vĩ mô giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí thì các bậc cha mẹ phải tìm cách để bảo vệ con em mình.

Ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe và cản trở sự phát triển của trẻ 

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất ở các thành phố lớn của các nước đang phát triển. Thời gian vừa qua, không khí ở số địa phương của nước ta bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt cản trở sự phát triển của trẻ em, gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ nhiều hơn chúng ta tưởng.

Với diện tích phổi chỉ lớn bằng 20% diện tích phổi của một người trưởng thành, trẻ nhỏ cần nhiều oxy hơn. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn. Bên cạnh việc phải hít vào lượng không khí lớn gấp đôi, khả năng chống lại ô nhiễm của trẻ nhỏ cũng thấp hơn so với người lớn. Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn rất kém, dễ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Thêm vào đó, trẻ em lại thích vui chơi ngoài trời nhiều hơn, ít có ý thức tự bảo vệ, che chắn cơ thể như người lớn.

Trẻ em còn dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm trước cả khi sinh ra đời, vì những bà mẹ mang thai tiếp xúc quá nhiều với không khí độc hại dễ dẫn đến nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra thiếu cân. Ô nhiễm không khí cũng làm trẻ nhỏ kém phát triển, dẫn đến còi cọc hoặc không thể phát triển chiều cao. Trẻ có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, dễ bị các cơn hen phế quản cấp tính tấn công. Không khí độc hại cũng tác động đến sự phát triển thần kinh và khả năng nhận thức của trẻ. Trẻ em tiếp xúc lâu dài với không khí độc hại, ô nhiễm, có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch. Việc phải sống và hít thở quá nhiều không khí ô nhiễm có khả năng làm biến đổi cấu trúc não bộ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, tự kỷ, trầm cảm... đặc biệt ở trẻ em.

Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí thay đổi tùy theo địa điểm, theo giờ, theo ngày và theo mùa vì chịu sự ảnh hưởng của sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm, của gió và thời tiết.

Để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ đeo khẩu trang khi ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Ảnh Nguyễn Ngân

Để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ đeo khẩu trang khi ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Ảnh Nguyễn Ngân

Bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động và cần được quan tâm hơn nữa. Trong khi chưa thể tìm được một biện pháp vĩ mô cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí thì các bậc phụ huynh nên tự trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe gia đình, đặc biệt là con em mình. Để bảo vệ sức khỏe cả gia đình, các bậc cha mẹ lưu ý:

- Cần theo dõi dự báo trên các trang thông tin đại chúng để biết được những thông số về mức an toàn trong không khí, từ đó có kế hoạch di chuyển và phòng vệ sức khỏe cho gia đình và cho trẻ.

- Các chuyên gia y tế khuyến khích phụ huynh sử dụng khẩu trang cho trẻ em khi ra đường đi học hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Nên chọn loại khẩu trang có 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính… và có hình dáng phù hợp, đảm bảo độ kín để che đậy mũi, miệng.

- Tránh cho trẻ em ra ngoài vào những giờ cao điểm trong ngày vì giờ cao điểm dễ tắc đường, khói bụi gây ô nhiễm cao.

- Cha mẹ nên cho trẻ ở trong nhà vào những ngày chỉ số chất lượng không khí lên mức cao.

- Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.

- Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ.

- Cho trẻ rửa tay thường xuyên, ngay sau khi trở về nhà, để loại bỏ bụi bẩn bám trên cơ thể.

- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, nhất là nơi trẻ thường hay chơi đùa như phòng chơi, phòng đọc, giường ngủ.

- Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm.

- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

- Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.

- Mỗi gia đình (đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ) nên cân nhắc mua máy lọc không khí trong nhà.

- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Biện pháp này sẽ giúp bé có được sức khỏe tốt, hạn chế nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường hô hấp hoặc những tình trạng nghiêm trọng khác.

Bụi mịn là một loại bụi đặc biệt nguy hiểm với sức khỏe con người, có kích thước siêu nhỏ với đường kính 10μm gọi là PM10. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn với kích thước chỉ 2.5μm gọi là PM2.5. Trẻ em tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong thời gian ngắn có nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm. Bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào phổi, sau đó đi vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể, gây kích ứng, viêm, dẫn đến các vấn đề hô hấp, ung thư, đau tim nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Nam Anh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Mô hình giáo dục giới tính lứa tuổi mầm non tại TP.HCM cần được nhân rộng

Mô hình giáo dục giới tính lứa tuổi mầm non tại TP.HCM cần được nhân rộng

2 năm trước

Mô hình “Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ 3 - 5 tuổi – Kỹ năng phòng tránh xâm hại” ở các trường mầm non trên địa bàn TPHCM, giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, biết bảo vệ...
Hậu Giang tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi

Hậu Giang tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi

2 năm trước

Sáng 4/11, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đồng loạt tổ chức tiêm mũi 1 vaccine Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.