THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 09:50

PGS.TS.Trần Thành Nam tư vấn cách cha mẹ “cai nghiện” game cho con

08/11/2021 | 06:49
Nhiều năm nghiên cứu về việc trẻ em sử dụng mạng xã hội, nghiện game online, PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã đưa ra những lời khuyên hữu hiệu cho các bậc phụ huynh trong hành trình cai nghiện game online cho con của mình.

PGS.TS.Trần Thành Nam cho hay, nhiều nghiên cứu cho thấy video game có tác động đến hệ thần kinh cũng như ma túy. Do đó người ta gọi video game là “ma túy” kỹ thuật số. Việc chơi game quá độ dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát, thiếu cảm thông với người khác, và có thể ứng xử với các tình huống trong đời thực như trên game. Rất nhiều hành vi tội phạm như xả súng đều được lấy ý tưởng từ các tình huống game bạo lực.

PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN trong một buổi nói chuyện về tư vấn học đường. Ảnh: NVCC

PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN trong một buổi nói chuyện về tư vấn học đường. Ảnh: NVCC

Khi đã nghiện game thì rất khó dứt bỏ. Theo PGS.TS.Trần Thành Nam, gia đình nên làm gì để quá trình “cai nghiện” game online cho học sinh hiệu quả?

PGS.TS.Trần Thành Nam: Cha mẹ cũng cần được giáo dục để biết lựa chọn cho con những hoạt động phù hợp giúp con có thể trải nghiệm nghề nghiệp hoặc học tập kỹ năng sống qua game. Đồng thời, tạo dựng những hoạt động thú vị ngoài đời thực phù hợp với sở thích nguyện vọng để khuyến khích các em sống tích cực.

Nhà nước cũng cần tăng cường quản lý phân loại game và các cơ sở cung cấp dịch vụ game online nghiêm ngặt như sử dụng rượu, bia. Nghiên cứu chỉ ra rất nhiều trẻ chơi game quá lứa tuổi, chơi không kiểm soát thời gian.

Trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường mạng. Ảnh: Tiểu Quyên.

Trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường mạng. Ảnh: Tiểu Quyên.

Có câu chuyện thực tiễn nào khiến anh đau đáu không thể quên?

PGS.TS.Trần Thành Nam: Tôi đã từng tư vấn một trường hợp là nam học sinh (14 tuổi), Tuấn (tên bệnh nhân đã được thay đổi) là con út trong gia đình có 3 người con. Tuấn được sinh ra trong môi trường bố mẹ thương yêu nhau, gia đình đầm ấm, cả 3 chị em đều ngoan ngoãn, tính cách hài hòa, học giỏi và đều học trường chuyên của tỉnh. Nhưng khi Tuấn 10 tuổi, gia đình bắt đầu xảy ra biến cố lớn. Chị cả tự tử vì trầm cảm khi đang là sinh viên năm thứ 3 đại học. Cả gia đình đau buồn vì sang chấn đó. Đặc biệt là người mẹ tự trách mình là con gái đã có biểu hiện từ lâu nhưng cứ cho rằng đó là biểu hiện "hiền, ít nói" của con, không chia sẻ được với con nên con tự tử. Đồng thời đổ lỗi là do con học nhiều mới bị trầm cảm. Từ suy nghĩ đó người mẹ không cho Tuấn và chị của mình học nhiều, bắt chơi là chính. Và từ đây gia đình bắt đầu cho con trai chơi các trò chơi trên máy tính. Bản thân Tuấn là trẻ thông minh nên nhanh chóng say mê các trò game trên mạng và lơ là học hành. Từ một trẻ ngoan ngoãn, Tuấn trở thành đứa trẻ không chịu đi học, xem nhẹ việc học và dành nhiều giờ trong ngày trên máy tính. Sau 2 năm Tuấn có nhiều thay đổi tính tình: Sẵn sàng bỏ học; Dành nhiều thời gian cho chơi game; Hay tức giận vô cớ; Lơ là cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân. Khi yêu cầu Tuấn thực hiện việc gì đó thì em không làm và cáu gắt, nếu nhắc nhở mạnh hơn thì em sẵn sàng tấn công lại hoặc đập phá đồ đạc. Tuấn trở lên hận thù với mẹ vì mẹ bắt đầu nhắc nhở con chơi game quá nhiều. Tuấn ít đến lớp hơn, nhưng khi đến lớp lại lầm lì, ít chơi với bạn. Bố mẹ chợt nhận ra và bắt đầu cấm đoán Tuấn chơi game. Từ đây, các cảm xúc và hành vi của Tuấn càng trở lên thay đổi nhiều: cáu gắt, đập phá, chống đối, gây hấn với mẹ.... Sau nhiều tháng, các thành viên gia đình tự giải quyết và tranh đấu nhưng càng rối hơn và quyết định đưa Tuấn đến bệnh viện điều trị.

Trong trường hợp đó anh đã tư vấn cho gia đình và cháu như thế nào?

PGS.TS.Trần Thành Nam: Trong trường hợp cụ thể trên, chiến lược tư vấn của tôi về cơ bản như sau: trường hợp này, cháu đã hình thành thói quen chơi game trong một khoảng thời gian tương đối dài nên để giảm bớt ham muốn chơi game và tập trung vào việc học sẽ cần kiên nhẫn và có thời gian để thay đổi thói quen hành vi.

Triết lý để giúp con điều chỉnh ham muốn chơi game gồm:

+ Tạo cho con những niềm vui khác vào những khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày mà con thường sử dụng để chơi game. Khi trẻ bắt đầu quen với những hoạt động này, trẻ sẽ dần giảm thời gian chơi game xuống.

+ Bố mẹ cùng tham gia với con trong các hoạt động để tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi hơn. Khi bố mẹ trở nên gần gũi hơn và tham gia nhiều vào các hoạt động cùng con, bố mẹ sẽ  dễ điều chỉnh thời gian chơi game hơn (vì đứa con khi gần gũi hơn với bố mẹ sẽ có xu hướng nghe lời hơn).

+ Làm cho đứa trẻ bận rộn bằng các nhiệm vụ giúp đỡ và hỗ trợ bố mẹ. Củng cố những hành vi này bằng những phần thưởng xã hội.

Các bước cụ thể có thể bao gồm:

Bố mẹ liệt kê tất cả các hoạt động mà cháu thích thú hoặc đã từng thích thú. Chú ý lựa chọn các hoạt động mang tính tương tác xã hội hoặc các hoạt động có ý nghĩa giá trị xã hội (như đến nhà ông bà chơi; cùng bố mẹ tham gia một buổi dã ngoại;  chơi bóng đá với bố; chơi cờ cá ngựa với anh chị em…). Không lựa chọn các hoạt động cho con ngồi một mình như xem hoạt hình, đọc truyện tranh…

Bố mẹ lên kế hoạch để dành thời gian cho những hoạt động trên với trẻ mỗi ngày (ví dụ: bố mẹ có thể đưa vào thời gian biểu mỗi ngày dành 15 phút buổi tối để chơi cờ cá ngựa với con; 30 phút buổi chiều sau khi đi học về để đi bộ, đá bóng hoặc chơi cầu lông; cuối tuần cả gia đình sẽ tham gia một hoạt động ngoài trời hoặc về thăm ông bà).

Thỏa thuận đặt giới hạn thời gian chơi game cho con mỗi ngày là 45 phút (và chỉ được chơi vào thời gian nhất định nào đó trong ngày). Thời lượng chơi game sẽ giảm đi khi trẻ bắt đầu thích thú các hoạt động khác với bố mẹ. Ví dụ như sau vài tuần, bố mẹ sẽ điều chỉnh thời gian xuống 30 phút/lần hoặc điều chỉnh thời gian những ngày chơi game (chỉ vào những ngày con không có nhiều bài tập). Tiếp đến là chỉ được chơi game vào 2 ngày cuối tuần…

Bàn bạc với con về việc cho tham gia những câu lạc bộ hoặc các lớp học năng khiếu, nghệ thuật mà con hứng thú.

Xây dựng một thỏa thuận với con về những nhiệm vụ con có thể giúp bố mẹ (như đổ rác, gấp chăn gối, giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn và ăn nhanh trong thời gian quy định) để nhận điểm thành tích. Những điểm thành tích này có thể quy đổi ra những món đồ con muốn mua hoặc học phí cho các lớp học năng khiếu, nghệ thuật. Bố mẹ sẽ củng cố những thói quen mới này bằng cách khen và chú ý tới con mỗi lần con thực hiện được. Với những hành vi không phù hợp như không chịu ăn, cha mẹ thực hiện hành vi phớt lờ và thu dọn bàn ăn nếu con không ăn đúng thời gian quy định, nhất định không được sử dụng thưởng thời gian chơi game như một phần thưởng để khuyến khích ăn nhanh mà sử dụng điểm thành tích trong thỏa thuận.

- Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam.

Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

2 năm trước

Ngày 1/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây...