THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 09:39

Phật giáo ở Việt Nam gần gũi với mọi nhà

08/11/2021 | 14:00
Ngày 7/11/2021, Đại lễ “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước” đã được tổ chức. Đây là sự kiện trọng đại không chỉ của các tổ chức Giáo hội, các tăng, ni, phật tử trong nước và nước ngoài, mà còn là sự kiện có ý nghĩa với rất nhiều người Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh Quang Vinh

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh Quang Vinh

Phật giáo có vai trò vô cùng lớn ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả mọi người nên có nhiều tôn giáo khác nhau, đó là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ðạo Hòa hảo, Cao đài, Tin lành... Các tín đồ của các tôn giáo khác nhau tôn trọng nhau và cùng nhau phấn đấu vì mục đích “tốt đời, đẹp đạo”. Những năm gần đây, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam rất sôi động, nhiều cơ sở tôn giáo được sửa sang, được xây dựng mới ở khắp mọi nơi. Trong bối cảnh như vậy, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nổi bật nhất, thu hút sự chú ý nhiều nhất, có nhiều người tham gia nhất. Có được điều này là do Phật giáo gần gũi với mọi nhà, thân thiện với mọi người Việt Nam, dù họ có thể không theo một tôn giáo nào hoặc theo tôn giáo khác chứ không theo đạo Phật.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, vào thế kỉ thứ I trước Công Nguyên. Trải qua bao thăng trầm, Phật giáo đã bám rễ vào đời sống của con người Việt Nam. Lúc này, các tông phái Phật giáo ở Việt Nam đều do người ngoại bang sáng lập. Chỉ đến khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ thứ nhất ở thế kỷ XIII thì Phật giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng, nền tảng triết lý giáo lý, hành đạo riêng với tư tưởng nhập thế đạo đời không tách rời.

Cụ thể, vào tháng 8 năm Kỷ Hợi (năm 1299), vua Trần Nhân Tông đã xuất gia vào núi Yên Tử tu hành, lấy đạo hiệu Hương Vân Ðại Ðầu Ðà. Việc một ông vua từ bỏ quyền lực để đi tu làm nhiều người rung động. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Kể từ đó, Thiền phái này phát triển lên đỉnh cao với ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, được gọi chung là Trúc lâm Tam Tổ. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và quy Phật giáo đời Trần về một mối. Từ đây, Phật giáo không còn là Phật giáo Ấn Ðộ tại Việt Nam, cũng không phải là Phật giáo Trung Quốc tại Việt Nam, mà là Phật giáo Việt Nam.

Việc Thiền phái Trúc Lâm ra đời đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập. Kể từ đây, Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam và có sức sống mãnh liệt. Từ Yên Tử, Thiền phái Trúc Lâm đã lan tỏa ra cả nước, truyền từ đời này sang đời khác, khơi dậy các giá trị văn hóa tâm linh Việt Nam. Qua đó khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm phát triển Phật giáo ở Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mở ra kỷ nguyên mới của đạo Phật

Cách đây 40 năm, từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước là: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sỹ Việt Nam, Hội Ðoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt, cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ðây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. Nó mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam.

Năm 2021, đại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cả nước đang quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Những hoạt động của Ðại lễ được tổ chức phù hợp với phương châm trang trọng nhưng an toàn. Ðây là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, đánh giá những thành tựu to lớn của Giáo hội trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phát triển tổ chức, các cơ sở của Giáo hội, chăm lo cho phật tử, cho đồng bào; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa truyền thống lịch sử hộ quốc an dân từ ngàn năm trước, đồng hành cùng dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp Giáo hội, của tăng, ni, phật tử trong việc đoàn kết, hòa hợp, không ngừng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hiện nay, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam được củng cố và tổ chức hợp lý với hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hội đồng Chứng minh có 96 thành viên là các trưởng lão cao tăng, thạc đức. Hội đồng Trị sự có 225 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết. Hội đồng Trị sự điều hành 13 ban, viện Trung ương và Phật sự của 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tham gia vào các hoạt động hành đạo có gần 55.000 tăng, ni, hơn 18.000 cơ sở tự viện, hơn 50 triệu phật tử và những người mến mộ đạo Phật. Có thể nói, Phật giáo rất gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Việt Nam nên đạo Phật được phần lớn người Việt Nam yêu mến, xem như là cơ sở niềm tin tâm linh của mình.

Có một thực tế là cộng đồng người Việt Nam sống ở đâu thì ở đó sẽ có chùa mọc lên. Ở châu Âu, châu Mỹ đã có hàng chục ngôi chùa Phật giáo được xây dựng trong những năm gần đây. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và thiết lập mối liên lạc thường xuyên, hướng dẫn tăng, ni, phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giáo lý của Phật giáo có sức thuyết phục và lan tỏa, đạo Phật Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ.

Hồ Nguyên
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

2 năm trước

Công tác giáo dục hòa nhập và chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người khuyết tật (NKT) nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Hiện,...
Đã có 16 tỉnh, thành phố tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Đã có 16 tỉnh, thành phố tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

2 năm trước

Theo thống kê đến ngày 15/11, đã có 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Thái Bình nỗ lực hạn chế tai nạn thương tích trẻ em

Thái Bình nỗ lực hạn chế tai nạn thương tích trẻ em

2 năm trước

Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng trẻ em, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế tai nạn thương tích trẻ em trên tất cả cách lĩnh vực,...