THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:13

Phẫu thuật thành công dị tật bẩm sinh teo hẹp đường âm đạo hiếm gặp ở bé gái 13 tuổi

19/10/2021 | 21:42
Một bé gái 13 tuổi bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp đã được phẫu thuật thành công tại BV Quốc tế City TP.HCM.

Ngày 29/9/2021, Bệnh viện Quốc tế City tiếp nhận bé gái LHT - 13 tuổi - được xe cấp cứu đưa từ tỉnh phía Nam đến, toàn trạng bé xanh xao, khóc sướt mướt vì đau đớn trong vùng bụng. Hàng tháng mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt, bé đau đớn bỏ ăn bỏ ngủ, bao nhiêu thuốc giảm đau cũng không giúp bé giảm được cơn đau, huyết kinh không thoát, bụng phình to.

Bé bị teo hẹp 1/3 dưới âm đạo, một dị dạng bẩm sinh hiếm gặp trên thế giới, tỷ lệ khoảng 1/10.000 đến 1/5.000 trẻ gái sinh sống. Các bé gái mang dị tật từ lúc mới sinh, nhưng thường không được phát hiện cho đến tuổi dậy thì. Khi tới chu kỳ kinh, huyết kinh không có lối thoát ra ngoài mà bị ứ đọng lại ở phần trên âm đạo, lâu ngày dội ngược gây ứ đọng toàn bộ tử cung và 2 bên phần phụ gây đau đớn. Trước đó 6 tháng bé đã trải qua một cuộc phẫu thuật, song thất bại.

Trong tâm trạng hoang mang và lo lắng cùng cực, mẹ bé LHT được người quen mách bảo “cố gắng đi tìm BS Thủy (TS. BS. Tạ Thị Thanh Thủy) Trưởng khoa phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City – TP. Hồ Chí Minh”. Thế nhưng TP.HCM bị rơi vào trận dịch Covid lịch sử chưa từng có – người bệnh từ các tỉnh không thể đi vào TP.HCM để chữa bệnh. Bé LHT cũng thế, nán chờ từ tháng 6 đến cuối tháng 9, các cơn đau mỗi lúc một nhiều hơn, bụng bé to dần ra… đến lúc không chịu nổi nữa nên mẹ bé phải xin xe cấp cứu của BV địa phương đưa bé đến Bệnh viện Quốc tế City.

Ê kíp phẫu thuật cho  bé gái 13 tuổi bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp đã  thành công tại BV Quốc Tế City TP.HCM

Ê kíp phẫu thuật cho bé gái 13 tuổi bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp đã thành công tại BV Quốc Tế City TP.HCM

Tại bệnh viện, cháu được bác sĩ khám bệnh, siêu âm kỹ lưỡng bằng máy móc hiện đại nhằm chẩn đoán rõ tình trạng bệnh để bác sĩ cùng cộng sự có thể đưa ra quyết định chuẩn xác cho ca phẫu thuật. Bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp bị teo hẹp bẩm sinh phần dưới âm đạo gây ứ máu kinh phần trên âm đạo và tử cung. Quyết định phẫu thuật được đưa ra với sự đồng thuận của mẹ bệnh nhi.

Ca phẫu thuật này được tiên lượng sẽ rất khó do bé đã trải qua 1 lần phẫu thuật thất bại trước đó, các mô sẹo của lần mổ cũ có thể gây dầy dính biến dạng cấu trúc cơ thể học bình thường.

Ngày 01/10/2021, lúc 7h30' sáng, ca phẫu thuật đã được tiến hành với kỹ thuật mổ tiên tiến được đào tạo tại châu Âu và kinh nghiệm phẫu thuật hơn 30 năm, Bs Thuỷ đã thực hiện ca mổ thành công, thoát lưu được khoảng 600 ml máu cũ ứ đọng trong tử cung và âm đạo của bé, tái tạo mới hoàn toàn phần âm đạo bị teo sau 30 phút phẫu thuât căng thẳng. Ca mổ được hoàn thành mà không có bất kỳ biến chứng nào xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi sau ca phẫu thuật, bác sĩ Thủy cho biết đây vốn là một loại phẫu thuật khó vì hiếm gặp, và khó hơn nữa vì người bệnh đã trải qua một cuộc mổ trước thất bại. Bác sĩ cũng cho biết, kỹ thuật mổ mới với tỷ lệ thành công > 90% nhưng đòi hỏi người phẫu thuật viên phải được đào tạo kỹ lưỡng.

Sự hân hoan của gia đình bé cũng là tâm trạng chung của TS. BS Tạ Thị Thanh Thủy và tất cả y bác sĩ đã tham gia kíp mổ cho bệnh nhi. Bác sĩ Thủy cho biết: “Ca phẫu thuật kết thúc không có biến chứng gì và phần tái tạo này chắc chắn nó sẽ không bị bít trở lại, bé sẽ có cuộc sống bình thường như bao bé gái khác, và sau này có thể lập gia đình và sinh con như bao phụ nữ khác”

Qua ca bệnh này, bác sĩ mong muốn các bậc phụ huynh có bé gái lưu ý khi vào “tuổi dậy thì” nếu hằng tháng bé cứ đau bụng mà không thấy có kinh nguyệt như bình thường thì kịp thời cho bé đi khám phụ khoa xem bé có bất thường ở cơ quan sinh dục nữ hay không.

Can Khương
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em

Thường xuyên rửa tay với xà phòng để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em

2 năm trước

Theo số liệu của Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2020, việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh ở trường học cho học sinh cũng đang còn nhiều khó khăn: Vẫn còn hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa...