THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 08:51

Phố sách Hà Nội lan tỏa văn hóa đọc

13/05/2017 | 10:50

TS. Nguyễn Mạnh  Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà.
“Tôi mong muốn nhân rộng Phố sách để tiếp theo Hà Nội, các tỉnh thành khác cũng mở phố sách. Và nếu 63 tỉnh, thành đều có phố sách như TP.HCM và Hà Nội thì Việt Nam là quốc gia văn minh” - TS. Nguyễn Mạnh  Hùng.
 
Văn hóa đọc đang lên 
 
Là người tâm huyết với sự nghiệp phát triển sách, với mong muốn tri thức lan tỏa khắp nơi, ông thấy Phố sách Hà Nội có ý nghĩa thế nào với việc nâng cao văn hóa đọc?
 
TS. Nguyễn Mạnh  Hùng: Nhớ lại cách đây 10 năm, chúng ta chưa có Ngày hội đọc sách, chưa có Tháng đọc sách, không có Tết sách, chưa có gì cả, nghĩa là 10 năm trước văn hóa đọc của Việt Nam còn khá kém. Người ta còn nói là văn hóa đọc xuống cấp. Tôi cho đó là những nhận xét chưa đúng. Này nhé, trước năm 1945, chúng ta mù chữ là chính. Trước nữa là thời chữ Hán, chữ Nôm, chúng ta phần lớn mù chữ. Đến khi có chữ Quốc ngữ, dân thường Việt Nam mới bắt đầu biết đọc, biết viết. Hầu như khoảng thời gian 1945 - 1975 có rất ít sách, làm gì có gì mà đọc. Sách gần như mới có nhiều từ năm 1990, trong vòng hai - ba chục năm nay, thì văn hóa đọc còn yếu cũng dễ hiểu. 
 
Nhằm tôn vinh văn hóa đọc và đẩy mạnh thói quen đọc sách, năm 2011, chúng ta bắt đầu có Ngày hội Đọc sách ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Bộ VHTT&DL tổ chức. Sau đó, Hội sách mở khắp nơi, tại nhiều tỉnh thành, từ các trường học, cơ quan đến doanh nghiệp. Mừng nhất là năm 2014, Thủ tướng ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. 10 năm nay, Công ty sách Thái Hà kiên trì tổ chức Tết sách vào ngày 23/4. Đầu năm 2016, TP.HCM có Đường sách và ngày 1/5/2017, Hà Nội có Phố sách. Chúng ta phải khẳng định rằng, văn hóa đọc đang phát triển rất mạnh, từng ngày, từng giờ. Ngay như ở Phố sách này, bạn đang thấy đấy, ai cũng cầm sách trên tay, bạn đọc mua rất nhiều sách. Đây là một bằng chứng rõ ràng về văn hóa đọc của Thủ đô. Nhìn vào nhiều gia đình cũng sẽ thấy, trong 10 năm trở lại đây, nhà ai cũng mua sách nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, nghĩa là văn hóa đọc đang lên.
 
Trong bài phát biểu của ông tại Lễ khai trương Phố sách Hà Nội, có nói đến mong muốn Hà Nội phát triển thêm 3 điểm sách nữa tạo thành 4 lối dẫn vào trung tâm văn hóa - tri thức của Thủ đô?
 
Đúng vậy. Trong phát biểu, tôi đề xuất với lãnh đạo TP. Hà Nội là sau khi khai trương Phố sách Hà Nội ở phía Đông, chúng ta phải tìm thêm 3 điểm nữa ở phía Bắc (như Long Biên), phía Nam (khu vực Thanh Xuân, Hà Đông), và phía Tây (Cầu Giấy chẳng hạn), thì Hà Nội sẽ có 4 điểm sách, hình thành nên 4 trung tâm văn hóa sách ở Hà Nội để xứng tầm với Thủ đô của văn hóa - tri thức của cả nước. Trước mắt, nên mở ngay Phố sách thứ 2 tại quận Cầu Giấy, nơi quy tụ rất nhiều trường học, viện nghiên cứu và là khu vực có tri thức cao. 
 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và TS. Nguyễn Mạnh Hùng
chụp ảnh lưu niệm tại Phố sách Hà Nội.
 
Phố sách sẽ là địa điểm du lịch đáng giá
 
Được biết, ông có chuyến sang Malaysia giới thiệu về văn hóa đọc của Việt Nam?
 
Ngày 5/5 diễn ra phiên họp thường niên lãnh đạo Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN, tôi được ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam ủy quyền làm Trưởng đoàn Việt Nam dự hội nghị này và có báo cáo về sách và xuất bản Việt Nam. Tôi nói về Phố sách Hà Nội. Ngày 6/5, Ủy ban Quốc gia Malaysia về sách và văn hóa đọc có mời các chuyên gia và diễn giả uy tín trên thế giới về nói chuyện và giao lưu với 1.000 tác giả của họ. Tôi vinh dự được mời là một trong các chuyên gia xuất bản. Tôi cũng sẽ nói về chủ đề “Từ ý tưởng không gian sách và văn hóa đến Phố sách” và giới thiệu về văn hóa đọc của Việt Nam. Tôi tin rằng thế giới sẽ biết đến Việt Nam. Phố sách Hà Nội cũng như Đường sách TP.HCM phải là địa điểm du lịch đáng giá.
 
Phố sách Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa.

Sách lậu đang giảm đi nhiều

Nạn sách lậu, sách không bản quyền vẫn còn phổ biến ở nước ta, Phố sách Hà Nội ra đời liệu có “trấn áp” được thói quen mua sách lậu không, thưa ông?
 
Sách lậu rất nhiều, nhưng sách lậu cũng đang giảm đi rất nhiều so với 10 năm trước. Ngày xưa lậu 10 thì bây giờ chỉ còn lậu khoảng 2 - 3 thôi. 
Các nhà sách như Thái Hà Books đã “chiến đấu” với vấn nạn sách lậu thế nào?
 
Số lượng sách lậu đang giảm. Có mấy nguyên nhân chính: Do kinh tế khá lên, ý thức của người dân cao hơn, họ biết đọc sách không bản quyền và sách lậu là ăn trộm, ăn cắp, là xấu và tự thấy xấu hổ nếu mua nó; Sách thật rất rẻ và đẹp. Sách lậu bây giờ đắt hơn sách thật. Như cuốn Nhân tố Enzyme - Phương thức sống lành mạnh (Tác giả: Hiromi Shinya), sách gốc của Thái Hà Books là 69.000đ, nhưng sách lậu lại bán 200.000đ, thì ai mua sách lậu nữa.
 
Xin cảm ơn ông! 

Hồng Nga/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...