THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:19

Phòng chống COVID-19: Tuân thủ phòng dịch và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

13/04/2020 | 15:56
Người dân cần tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế
 
Việc quan trọng nhất trong phòng chống bệnh dịch tại giai đoạn này là mọi người cần tuân thủ những hướng dẫn, lưu ý của Bộ Y tế công bố trước tiên. Để giảm nguy cơ lây nhiễm virus, cần nghiêm túc thực hiện những điều sau: 
 
Thường xuyên vệ sinh tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với các vật dụng trong nhà, hạn chế tối đa việc gặp gỡ với người lạ. Không nên đưa tay lên các bộ phận trên mặt như: mắt; mũi miệng, vì đây là các cơ quan có khả năng lây nhiễm bệnh nhanh nhất. Khi bước ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang đúng cách. Trong khi đeo, không nên chạm tay lên mặt ngoài khẩu trang để tránh nhiễm khuẩn từ tay vào. Thay đổi khẩu trang liên tục để đảm bảo sạch sẽ.
 
Riêng với người cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu hơn do các cơ quan chức năng trong cơ thể dần suy yếu theo thời gian. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch so với người trẻ tuổi tăng gấp nhiều lần. Người cao tuổi không nên ra nơi đông người, nơi công cộng vì đây là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất. Khi gặp các hiện tượng về sức khỏe như ho, hắt hơi, hãy che kín miệng, mũi bằng khẩu trang hoặc khăn giấy để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh. Đặc biệt, cần tới ngay cơ quan y tế khám và khai báo để có biện pháp bảo vệ kịp thời.


Người dân cần tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế.
 
Nơi ở của người dân cần được quan tâm hơn trong giai đoạn này. Nên ở những nơi sạch sẽ thoáng mát, được quét dọn thường xuyên, cách ngày khử trùng bằng cồn sạch. Lau dọn ghế ngồi, giường nằm, chốt tay nắm cửa,  dọn dẹp nhà vệ sinh và phòng khách sạch sẽ. Thường xuyên lau chùi các vật dụng cá nhân như: kính, điện thoại, túi xách… Mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân và tránh lây lan cho các thành viên trong gia đình.
 
Tăng cường vận động để giúp cơ thể thêm dẻo dai và nâng cao hệ miễn dịch. Mỗi ngày chỉ cần vận động từ 30 – 45 phút là có thể giúp giải phóng năng lượng, giúp xương chắc khỏe, dẻo dai, cơ thể thoái mái hơn. Nhờ đó, giúp các các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn, giảm lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng dịch bệnh phát tác, lây lan.
 
Người thân đặc biệt lưu ý với những người cao tuổi có bệnh lý mãn tính: Giai đoạn hiện tại, người cao tuổi mắc một số bệnh lý mãn tính chiếm tỉ lệ vô cùng cao. Một số căn bệnh phổ biến như: tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường… căn bản đã là những loại bệnh nguy hiểm, giờ sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dịch cao hơn. Do đó, người cao tuổi có bệnh mãn tính càng cần có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài việc theo dõi những hiện tượng của bệnh lý kèm theo còn cần chú ý đến những thay đổi khác thường. Nếu có vấn đề mới trong sức khỏe, cần ngay lập tới tới bác sỹ hoặc cơ quan y tế để được chăm sóc kịp thời.


Rau xanh và hoa quả tươi chính là nguồn dinh dưỡng tối ưu để bổ sung vitamin, khoáng chất cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt nhất. Ảnh: Thu Hoài

 Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để phòng tránh bệnh trong mùa dịch

 
Theo PGS.TS.BS Trần Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế: “Để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp: dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, có lối sống lành mạnh… Trong đó, giải pháp dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng, vì khi ăn uống hợp lý tức là đã quan tâm đến dinh dưỡng miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu với bệnh tật”.
 
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Người dân nên ăn đủ nhu cầu năng lượng cung cấp từ 25 - 30kcal/kg/24h. Nếu người bệnh suy dinh dưỡng hoặc sụt cân trước đó, cung cấp 30 - 35kcal/kg/24h. 
 
Bổ sung vitamin tan trong nước, vitamin tan trong mỡ và các vi chất. Đặc biệt vitamin A, C, E, Kẽm, Selen để tăng sức đề kháng, chống oxy hóa. Vitamin C có nhiều trong ổi, súp lơ, dứa, cam, đu đủ, cà chua...; Vitamin E trong rau cải xanh, đu đủ, bơ, dầu từ các loại hạt; Vitamin A có nhiều trong gan, cà rốt, bông cải, ớt ngọt...; Kẽm trong sò, đậu hà lan, đậu tương, lòng đỏ trứng...
 
Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Nhóm đường bột: ăn các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn...; Nhóm chất đạm: chọn các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, gia cầm, đặc biệt nên ăn nhiều cá, tôm, cua, nên dùng đạm thực vật từ đậu nành; Chất béo: nên dùng các loại dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành...; Nhóm vitamin: nên ăn nhiều rau xanh, quả chín, mỗi ngày nên ăn 400g - 500g rau, 200g - 400g quả chín. Tránh ăn những thực phẩm sống hoặc chưa chín kỹ, trước khi ăn cần tráng nước sôi các đồ bát, đĩa, đũa, thìa...
 
Cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều axit béo như: thịt nướng, thịt hun khói, các món quay, rán; Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội...; Các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá và các loại thức ăn bị nấm mốc, vì các thực phẩm nói trên có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
 
Uống đủ nước: Mọi lứa tuổi đều nên bổ sung lượng nước vào cơ thể hợp lí. Với người lớn là 2 lít nước/ngày. Khi cơ thể đủ nước sẽ giúp cho hệ bài tiết đào thải ra các chất căn bã ra bên ngoài, nhờ đó mà giúp cho hệ miễn dịch loại trừ được các tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Hệ miễn dịch chỉ hoạt động tốt nhất khi cơ thể đủ nước. Cần đảm bảo việc ăn chín uống sôi để bảo vệ hệ tiêu hóa. Uống nước ấm thường xuyên để bảo vệ cổ họng cũng góp phần phòng tránh Covid-19.
 
Người dân cần tăng cường sức khỏe bằng những điều sau:
1. Ăn một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp giảm lượng đường trong máu cao.
2. Ưu tiên giấc ngủ ngon.
3. Kiểm soát căng thẳng.
4. Ngừng hút thuốc.
5. Tham gia/duy trì tập thể dục vừa phải.
6. Nhận ánh nắng mặt trời và không khí trong lành nếu có thể.
 

Minh Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.