THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 03:57

Phòng, chống mại dâm dựa trên cách tiếp cận quyền con người

07/10/2020 | 10:03
Người bán dâm phải trải qua hầu hết các hình thức bạo lực
 
Thường bị xã hội kỳ thị nên người bán dâm buộc phải làm việc ở những nơi khuất hoặc tối và phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nhất định mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Người bán dâm có thể được xem là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. An toàn về thể chất, sức khỏe và tinh thần của người bán dâm và nhân phẩm của người bán dâm đã bị đe dọa từ lâu.
 
Kết quả nghiên cứu tại một số nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, phần lớn người hoạt động mại dâm phải sống một cuộc sống sợ hãi, khó khăn. Họ sợ bị bắt giữ; đánh đập hoặc bị cưỡng bức. Họ sợ bị phân biệt đối xử nếu tìm cách từ bỏ hoạt động bán dâm và tái hòa nhập xã hội. Những nỗi sợ hãi này thường lớn hơn nỗi sợ lây nhiễm HIV, do vậy đã hạn chế họ tiếp cận các dịch vụ phòng, tránh HIV. Đây là một phần lý do giải thích tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người hoạt động bán dâm rất cao tại một số nước.
 
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với số lượng lớn người lao động làm việc và đối diện với các nguy cơ cao bị vi phạm quyền của người lao động. Hoạt động mại dâm ở Việt Nam được coi là bất hợp pháp, do đó người bán dâm phải đối diện với những nguy cơ cao bị bạo lực, bị xâm hại về quyền, và thực tiễn cho thấy họ thường không tìm kiếm các biện pháp pháp lý bảo vệ chính thức. Người bán dâm là nhóm có nguy cơ cao mắc HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và chính nhóm đối tượng này có nguy cơ làm lây lan các bệnh ra cộng đồng. Tỷ lệ người bán dâm nhiễm HIV là từ 2,6-4,5% và tỷ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục là từ 2-10%. Tuy nhiên, người bán dâm thường khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ (dịch vụ chăm sóc y tế, dịch vụ trợ giúp pháp lý), các chương trình can thiệp hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.


Phòng chống mại dâm dựa trên dựa trên cách tiếp cận quyền con người.
 
Theo lời phụ nữ bán dâm tại Việt Nam, hầu hết họ đều trải qua tất cả các hình thức bạo lực: Bị chửi bới, đánh đập, quỵt tiền. Ám ảnh khủng khiếp nhất đối với những người bán dâm là bị khách hàng “tra tấn” cưỡng bức tập thể, dọa giết.
 
Bạo lực đối với người bán dâm có liên quan đến việc sử dụng bao cao su không phù hợp hoặc không sử dụng bao cao su và tăng nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) nói chung và HIV. Bạo lực cũng ngăn người bán dâm tiếp cận thông tin và dịch vụ điều trị HIV. Do đó, xử lý các hành vi bạo lực, áp dụng các biện pháp can thiệp giảm hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm là yêu cầu cần thiết đối với các quốc gia để bảo vệ quyền của người bán dâm nói chung, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm, đồng thời góp phần kiểm soát được sự lây nhiễm các dịch bệnh.
 
Loại bỏ những mối lo sợ của người bán dâm cần được coi là trung tâm của phương thức giảm hại. Làm thế nào để giúp cho những người bán dâm tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm HIV, bị bạo lực giới hoặc bị bóc lột và tạo môi trường an toàn hơn cho họ để có thể thay đổi việc làm hòa nhập cộng đồng là câu hỏi đặt ra cho các nhà làm chính sách.

Tìm giải pháp phòng ngừa bạo lực và giảm hại cho người bán dâm
 
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình có liên quan đến phòng, chống mại dâm, can thiệp giảm hại và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, với tình hình gia tăng tỷ lệ người bán dâm, gia tăng số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống mại dâm ở nước ta hiện nay. Chúng ta chưa có chính sách, biện pháp toàn diện để bảo vệ người bán dâm trước nguy cơ bị bạo lực; các biện pháp can thiệp, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm chưa có hiệu quả. Do đó, việc đánh giá quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn thực hiện các hoạt động, chương trình có liên quan đến phòng, chống mại dâm, can thiệp giảm hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người bán dâm, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng, góp phần thay đổi quan niệm, xóa bỏ định kiến về người bán dâm.


Người bán dâm phải trải qua nhiều hình thức bạo lực. Ảnh minh họa – KT 
 
 Theo TS. Phan Thị Lan Hương (Trường Đại học Luật Hà Nội), để thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa và ứng phó bạo lực, can thiệp giảm hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như: Thứ nhất, ban hành Luật Phòng, chống mại dâm thay thế cho Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện nay. Luật Phòng, chống mại dâm cần được ban hành dựa trên cách tiếp cận quyền con người, xóa bỏ các khoảng trống pháp lý giữa pháp luật Việt Nam so với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền của nhóm yếu thế, phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người, công ước CEDAW. Luật này cần có những quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm quyền được bảo vệ trước các hình thức bạo lực và quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách bình đẳng, không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, hạn chế việc bóc lột, vi phạm quyền của người bán dâm.
 
Thứ hai, cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực đối với người bán dâm trong Luật Phòng, chống mại dâm. Các quy định này sẽ tạo cơ sở cho việc thiết lập cơ chế bảo vệ người bán dâm, tạo điều kiện cho người bán dâm (đặc biệt là phụ nữ bán dâm) xóa bỏ mặc cảm tự ti, e ngại, sẵn sàng tiếp cận các cơ quan để yêu cầu bảo vệ họ trong các tình huống xảy ra.
 
Thứ ba, pháp luật cần quy định rõ những người bán dâm là nạn nhân của bạo lực có quyền tiếp cận sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế, trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Người bán dâm là nhóm yếu thế trong xã hội, cần được trợ giúp về các vấn đề y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân họ và nâng cao việc phòng ngừa, lây lan các bệnh xã hội; giúp họ giải quyết các vấn đề về pháp lý trong cuộc sống để họ dễ dàng tháo gỡ các vấn đề khó khăn, sớm tìm được các giải pháp thoát khỏi tình trạng bán dâm, nâng cao hiểu biết về các quyền và các biện pháp phòng vệ, bảo vệ quyền của bản thân họ, chống lại các hành vi xâm hại.
 
Thứ tư, bổ sung các quy định hỗ trợ người bán dâm như hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và vay vốn tín dụng. Người bán dâm sẽ có cơ hội chuẩn bị cho việc thay đổi việc làm và thay đổi cuộc sống của mình; người bán dâm không phải chứng minh mình có mong muốn bỏ nghề để được tiếp cận và hưởng các chính sách này.
 

Châu Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.