THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 09:53

Phòng ngừa rắn cắn khi lũ lụt

29/10/2020 | 09:43
Rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc. Nguy hiểm hơn, nước lũ dâng cao là môi trường sống của nhiều loài rắn độc. Do nước ngập nên rắn thường bò vào nhà dân, rúc vào các đống cây, lu nước, bể nước hoặc lên các bờ ruộng cao để trú ẩn, nếu vô tình chạm tay hoặc giẫm chân vào nơi rắn đang ở, dễ bị rắn cắn. Mọi người không nên chủ quan, vì mùa mưa lũ có khả năng nhiều loại rắn độc ở thượng nguồn theo nước lũ chảy về; rắn độc trong các rừng cây, đồng ruộng bò vào nhà, tiềm ẩn nguy cơ bị rắn cắn. Tai nạn thương tích do bị rắn cắn xảy ra với nhiều người, trong đó có trẻ em. Trên thực tế, khá nhiều trường hợp rắn bò vào nhà cắn trẻ khi trẻ đang chơi, đang ngủ... Khi bị rắn cắn, trong điều kiện địa hình bị chia cắt do ngập lụt, người bệnh sẽ khó được cấp cứu kịp thời, dẫn tới dễ bị nhiễm trùng, hoại tử vị trí bị cắn, nguy hiểm hơn là tử vong do bị nhiễm độc.  


Do rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, màu thân cây nên khó phát hiện. Ảnh minh họa KT
 
Sơ cứu đúng cách rất quan trọng!
 
Trong thực tế đã có không ít trường hợp bệnh nhân tử vong do sơ cứu khi bị rắn cắn ban đầu sai cách. Do đó, nhận biết loại rắn có độc và trang bị kiến thức, cách xử trí, sơ cứu khi bị rắn cắn chính xác đóng vai trò rất quan trọng.
 
Các bước sơ cứu đúng:
 
- Trấn an nạn nhân và không để nạn nhân đi lại, cử động. Tốt nhất nên bất động tay, chân bị rắn cắn bằng nẹp.
- Nới lỏng quần áo của nạn nhân, tháo bỏ vòng, nhẫn ở tay, chân bị rắn cắn để tránh tình trạng phù nề, sưng tức.
- Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim.
- Nếu bị nhóm rắn hổ cắn thì cần nhanh chóng buộc ở phía trên vết cắn từ 3 - 5cm để làm chậm sự xuất hiện của triệu chứng liệt.
- Nếu bị nhóm rắn lục cắn thì tuyệt đối không garo, vì như thế bệnh nhân dễ bị hoại tử ở bộ phận có vết cắn hơn. 
- Rửa vết cắn bằng nước muối sinh lý, sau đó băng bó như những vết thương thông thường để tránh nhiễm trùng.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kịp thời. Huyết thanh có khả năng kháng lại nọc rắn tốt trong 4 giờ đầu.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì tiến hành hô hấp nhân tạo.
- Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành cũng cần được xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong vòng 12h đầu. Nếu chậm trễ sau 24-48h, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không sử dụng các biện pháp: Cố gắng hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… Bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
 Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm toàn cầu có khoảng 2.000 người thiệt mạng trong tổng số 3 triệu người bị rắn độc cắn. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 30.000 người bị rắn cắn và số nạn nhân tử vong là khoảng 200 - 300 người.

 Do nước ngập nên rắn thường bò vào nhà, rúc vào các đống cây, lu nước, bể nước hoặc lên các bờ ruộng cao để trú ẩn, nếu vô tình chạm tay hoặc giẫm chân vào nơi rắn đang ở dễ bị rắn cắn. Ảnh KT
 
 

 Phòng ngừa rắn cắn

Bị rắn cắn rất nguy hiểm và việc điều trị rắn độc cắn phải kéo dài, tốn kém tiền của, vì vậy, tất cả mọi người, kể cả trẻ em cũng cần được trang bị những kỹ năng để có thể chủ động đề phòng rắn cắn. Đặc biệt, trong thời điểm mưa lũ, lụt lội, ngoài việc nhắc nhở trẻ em các kỹ năng phòng tránh đuối nước, người lớn cũng cần thường đừng quên nhắc trẻ những cách phòng tránh rắn cắn.
 
- Cảnh giác với tất cả các loại rắn sau những cơn mưa, lũ, mùa thu hoạch và ban đêm. 
- Sử dụng đèn khi đi ra ngoài vào buổi tối.
- Nên đi ủng, mặc quần, áo dài tay và đội mũ rộng vành khi đi trong vườn cây, rừng, khu vực nhiều cỏ rậm rạp.
- Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. 
- Hạn chế đến gần các đống gạch, bụi rậm, bãi rác ẩm thấp, nơi có nhiều chuột, tổ mối…
- Tránh rắn càng xa càng tốt, không chọc, đập, đuổi đánh rắn vào khu vực khép kín.
- Không để trẻ em ở gần khu vực nghi có rắn.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà nên trồng một số loại cây như: sả, hoa lan, tỏi… để rắn không đến gần.
- Không hái hoa, ngắt cành cây ở những vùng có nhiều rắn. Do rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, màu thân cây nên khó phát hiện.
 - Không được sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công)...
- Khi đi tránh lũ, di chuyển qua những bụi cây cỏ rậm rạp, những vùng ngập nước nên quan sát kỹ, tránh bị rắn cắn. 
 Điểm cốt yếu trong việc điều trị rắn cắn là phải xác định được loại rắn nào cắn để kịp thời chữa trị bằng huyết thanh. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân rắn cắn do tin vào kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang, kéo dài chạy chữa tại nhà, đến khi nhập viện đã nhiễm độc nặng nên tổ chức gân cơ tại vết cắn bị hoại tử rộng, liệu trình điều trị huyết thanh không còn hiệu quả. Vì vậy, nếu bị rắn cắn, không nên chữa trị bằng những loại lá cây dại vì rất có thể dẫn tới nhiễm trùng. Đồng thời, chú ý xem đó là loại rắn gì, sau đó phải lập tức sơ cứu đúng cách và đưa ngay nạn nhân đến các cơ sở y tế.
 

Hồng Trần/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...