THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 06:02

Phụ huynh ép buộc con học quá mức cũng phải coi là bạo lực gia đình

18/04/2022 | 06:17
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, hiện tượng cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái, cưỡng ép con học đến 2-3h sáng, lúc nào cũng phải được điểm 10 thì phải coi là hành vi bạo lực gia đình.

Cần quy định rõ hơn các loại hình bạo lực tinh thần, thể chất

Tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc Chính phủ trình dự án luật ngay đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần là rất lớn. Nhiều khi bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn bạo lực về thể chất. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng bị bạo lực tinh thần nhiều nhất. Không giày vò về mặt thể chất nhưng kiểu bạo hành này còn nguy hiểm hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật cũng nên cân nhắc, xem xét với những hành vi như cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con hay trách nhiệm phối hợp với nhà trường có phải là bạo lực gia đình hay không.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật cũng nên cân nhắc, xem xét với những hành vi như cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con hay trách nhiệm phối hợp với nhà trường có phải là bạo lực gia đình hay không.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra một hình thức bạo lực gia đình trước nay chưa nhiều người nghĩ tới. Bạo lực gia đình không chỉ là hành hạ, đánh đập, chửi bới, khủng bố tinh thần, mà còn có cả hành vi ép buộc con cái học nhiều.

“Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều chuyện rất đau lòng. Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc yêu cầu các cháu phải học đến 2-3h sáng, cũng như việc mong muốn con cái phải đạt được điểm 10, rồi phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn để cha mẹ cảm thấy hãnh diện… dẫn đến những áp lực vượt quá năng lực, khả năng chịu đựng của trẻ em”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, tại điều 4 dự thảo luật quy định hành vi bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ hay người già, trẻ em, song còn hành vi khác cũng nên cân nhắc đưa thành một nội dung được xem là bạo lực gia đình, đó là cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, trách nhiệm phối hợp với nhà trường thì cũng nên xem nó là một hành vi bạo lực gia đình.

“Tức là cả ở 2 thái cực không dạy hoặc dạy thái quá cũng được xem là bạo lực đối với trẻ em”, ông Sơn phân tích.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nội dung cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, hoặc sử dụng các biện pháp thái quá trong dạy con cái là hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, việc ép con lựa chọn nghề nghiệp trái với mong muốn, nguyện vọng của trẻ em cần đưa vào nhóm hành vi có dấu hiệu bạo lực gia đình.

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Ép lựa chọn giới tính thai nhi cần được quy định là hành vi bạo lực gia đình

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Khoản 1 điều 4 nêu 16 hành vi được coi là bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định bổ sung thêm vào điều khoản nói trên là hành vi bạo lực gia đình.

“Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn giới tính thai nhi bắt buộc cũng là hành vi bạo lực gia đình, liên quan đến giới. Vậy việc bắt ép, bạo hành trong lựa chọn giới tính thai nhi có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không, chúng ta phải tính toán xét cả về khía cạnh pháp lý và thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho hay nhiều trường hợp phụ nữ có thai không đúng theo ý muốn đã bị "chồng hành hạ khủng khiếp chứ không đơn giản".

Phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình để quy trách nhiệm cụ thể

Chủ tịch Quốc hội nêu thực trạng bạo hành, xâm hại giữa mẹ kế con chồng hay bố dượng, người tình của mẹ với con riêng vợ đang xảy ra nhiều, có vụ để lại hậu quả đau thương. Bên cạnh đó, bạo lực giữa những người sống chung với nhau nhưng không có quan hệ nuôi dưỡng, hoặc trước đó có quan hệ nuôi dưỡng nhưng giờ đã chấm dứt cũng diễn ra nhức nhối, ví dụ như bé gái bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu gây tử vong.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến vấn đề quy trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Đồng thời đề nghị, luật cần phải quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý, cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình để quy trách nhiệm cụ thể.

Để luật khả thi trong quá trình áp dụng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát tổng thể các đạo luật liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi với các đạo luật khác như: Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý… Đồng thời, đánh giá tính khả thi của một số quy định khi giao thẩm quyền cho cấp xã, phường xử lý.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề cập về sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề cập về sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình diễn biến phức tạp và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT&DL giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện là hơn 324.600 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. Năm 2009 là hơn 53.200 vụ, giảm xuống còn khoảng 19.200 vụ trong năm 2015 và gần 5.000 vụ trong năm 2021.

Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ chỉ ra năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ ba phụ nữ thì có một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đối với trẻ em, 69% được điều tra cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng đánh, đấm, đạp, tát... và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Trẻ em cũng là nhóm có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, với 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Dự thảo luật tập trung vào cụ thể hóa 03 nhóm chính sách gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác Phòng chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.

Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu những gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu để quy định rõ hơn các loại hình bạo lực tinh thần, bên cạnh thể chất.

Tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, đồng thời tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Kim Liên
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Đừng biến con thành nạn nhân của bạo lực gia đình

Đừng biến con thành nạn nhân của bạo lực gia đình

2 năm trước

Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là của cả xã hội.
Nhân rộng mô hình giáo dục giới tính cho trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi

Nhân rộng mô hình giáo dục giới tính cho trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi

2 năm trước

Mô hình “Các hoạt động giáo dục giới tính Era cho trẻ từ 3-5 tuổi - Kỹ năng phòng tránh xâm hại” của Viện nghiên cứu khoa học giáo dục sau gần 2 năm triển khai tại TP.HCM đã gặt hái...
Mô hình giáo dục giới tính lứa tuổi mầm non tại TP.HCM cần được nhân rộng

Mô hình giáo dục giới tính lứa tuổi mầm non tại TP.HCM cần được nhân rộng

2 năm trước

Mô hình “Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ 3 - 5 tuổi – Kỹ năng phòng tránh xâm hại” ở các trường mầm non trên địa bàn TPHCM, giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, biết bảo vệ...