THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:07

Quan tâm, thúc đẩy quyền của trẻ em gái dân tộc thiểu số

13/10/2021 | 06:53
Những năm gần đây, nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em gái, trong đó có trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến cũng như nguyện vọng bản thân.
Mong ước của các em rất đơn giản là được đi học, vui chơi; sống trong sự yêu thương của gia đình và cộng đồng; được ăn no, mặc ấm…Ảnh minh họa

Mong ước của các em rất đơn giản là được đi học, vui chơi; sống trong sự yêu thương của gia đình và cộng đồng; được ăn no, mặc ấm…Ảnh minh họa

Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận cơ hội, nguồn lực… Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực của các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và tổ chức phi chính phủ, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em  gái DTTS đã được quan tâm.

Đã có chuyển biến cơ bản...

Luật Trẻ em năm 2016 có quy định 4 nhóm quyền của trẻ em bao gồm: Quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Trong đó, quyền được tham gia có thể hiểu ngắn gọn là các em được quyền bày tỏ mong muốn, nguyện vọng để hỗ trợ cuộc sống của bản thân. Về cơ bản, hiện nay, quyền được tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào DTTS đã có những cải thiện đáng mừng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong quá trình thực hiện các dự án về trẻ em tại vùng đồng bào DTTS, bà tiếp xúc với nhiều bé gái và nhận thấy mong ước của các em rất đơn giản là được đi học, vui chơi; sống trong sự yêu thương của gia đình và cộng đồng; được ăn no, mặc ấm…

Điều đáng mừng là nhận thức của các bậc cha mẹ ở vùng đồng bào DTTS đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đơn cử như trong vấn đề học hành của con, sau khi các con bày tỏ nguyện vọng, bố mẹ đã lắng nghe và chấp thuận cho con đi học. Bà không thể nào quên hình ảnh ông bố người Mông ở một thôn rất xa xôi của tỉnh Hà Giang ngày ngày đi xe máy, vượt quãng đường xa, hiểm trở lên tận đỉnh Mã Pì Lèng để đưa con đi học.

Mặc dù vấn đề học tập của trẻ em gái miền núi đã được quan tâm hơn trong thời gian qua, nhưng theo bà Mai, thực tế cho thấy, cơ hội học cao lên của các bé gái vẫn chưa được cao như bé trai. Nhiều em gái chỉ được học đến cấp hai rồi nghỉ để kết hôn sớm theo yêu cầu của gia đình hoặc phụ giúp công việc nhà, nương rẫy…

Theo bà Phạm Thị Thủy (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH), những năm qua, trẻ em đồng bào DTTS, trong đó có trẻ em gái đã có cơ hội bày tỏ ý kiến thông qua nhiều mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính các em như: Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, thăm dò ý kiến của trẻ em, Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng thực hiện…

Các mô hình này đã tạo ra không gian để trẻ em thực hành nâng cao khả năng, kỹ năng trong việc bày tỏ ý kiến về các vấn đề đang gặp phải; đề xuất giải pháp, sáng kiến để giải quyết vấn đề dựa vào mong muốn và lăng kính của các em. Ý kiến của các em cũng được các cấp lãnh đạo tiếp nhận, triển khai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dưới góc nhìn của một tổ chức quốc tế tại Việt Nam và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, bà Phạm Thị Thanh Giang (Tổ chức Plan International Việt Nam) cho rằng, trẻ em vùng đồng bào DTTS đa số rất nhút nhát, ngại giao tiếp, sống khép mình và rất ngại chia sẻ về tâm tư với người lớn.

Do vậy, việc tạo cho các em một môi trường thân thiện để chủ động nói lên suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của mình là việc rất quan trọng. Các em cần được trao nhiều hơn nữa cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục về giới và sinh hoạt cũng như hoạt động để đem lại bình đẳng cho các bé trai và bé gái vùng đồng bào DTTS.

Không để trẻ bị bỏ lại phía sau

Nhiều năm qua, công tác triển khai thực hiện các nội dung về quyền trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em DTTS…

Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh, tính từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2021, tổng số trẻ em bị xâm hại là 1.087 em. Số trẻ em DTTS bị xâm hại theo thống kê của (9/52 tỉnh) là 188 em. Có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em nói chung và trẻ em vùng DTTS nói riêng vẫn diễn biến phức tạp.

Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và trực tiếp đối với việc chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt, học tập của trẻ em. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em vùng DTTS nói riêng, các cấp, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng lồng ghép các chính sách, đề án có liên quan đến vùng DTTS và miền núi, nhằm hướng tới các quyền lợi dành cho trẻ em.

Cụ thể, các cấp bộ, ngành, trong đó hạt nhân là Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương triển khai lồng ghép có hiệu quả Đề án: “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”…

Đến nay, việc triển khai thực hiện lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em ở vùng DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác này. Đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em vùng DTTS từng bước được cải thiện.

Đặc biệt, vị thế của trẻ em gái DTTS được khẳng định và nâng cao trong gia đình, xã hội, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò trẻ em đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Thành Công
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

2 năm trước

Với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI được triển khai từ ngày 1/10 đến 1/12/2021.
Nâng cao nhận thức cho trẻ em gái về bình đẳng giới

Nâng cao nhận thức cho trẻ em gái về bình đẳng giới

2 năm trước

Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10), năm nay, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Nhiều...