THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:36

Quảng Nam: Triển khai đồng bộ hoạt động trợ giúp người khuyết tật

08/11/2019 | 15:21
 
Tỉnh Quảng Nam hiện có trên 66.000 NKT, gồm 13.120 NKT đặc biệt nặng, 37.160 NKT nặng và 15.720 NKT nhẹ. Đa số NKT không có việc làm, sức khỏe yếu, đời sống khó khăn, chủ yếu dựa vào trợ cấp bảo trợ xã hội của Nhà nước nên việc tham gia vào các hoạt động cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế. Thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Ngành LĐTBXH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho 47.228 NKT nặng, đặc biệt nặng tại cộng đồng và chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội 430 người; Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với NKT đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đang nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế và khi chết thực hiện hỗ trợ mai táng phí theo quy định hiện hành. Tổ chức cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho trên 48.000 người. 


Trao bò hỗ trợ mô hình sinh kế cho NKT trên địa bàn huyện Thăng Bình.
 
Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp theo quy định, tỉnh đã vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ NKT như hỗ trợ sinh kế, cải thiện nhà ở, tạo điều kiện cho NKT có việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh như Hội Bảo trợ người khuyết tật, Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo; Hội Người mù; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Từ thiện… đã trợ giúp hàng năm trên 10 tỷ đồng cho các hoạt động thăm tặng quà, giúp đỡ NKT gặp khó khăn, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ bị tim bẩm sinh; khám chữa bệnh miễn phí, cấp các dụng cụ phương tiện đi lại cho NKT như xe lăn, xe lắc… 
 
Hàng năm, UBND tỉnh đã cấp trên 4 tỷ đồng thực hiện các chính sách trợ giúp về giáo dục cho học sinh khuyết tật, tạo điều kiện cho các em được học tập và có những hoạt động trợ giúp hòa nhập cộng đồng. Các trường nghề trên địa bàn đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 262 lao động là NKT, với kinh phí 790 triệu đồng; Các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống của các địa phương đã tạo điều kiện dạy nghề thủ công và tạo việc làm cho hơn 500 NKT, giúp NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, với sự tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ như Apheda, ACDC, CRS... đã tài trợ cho các hội người khuyết tật dạy nghề miễn phí cho gần 400 NKT có nhu cầu học nghề như may dân dụng, làm vàng mã, làm hương, dán áo mưa, massage, chạm mộc. Cục Bảo trợ xã hội đã hỗ trợ các mô hình sinh kế cho 35 gia đình NKT, với kinh phí 300 triệu đồng. Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ sinh kế cho 80 gia đình NKT bị ảnh hưởng bom mìn với 80 con bò, trị giá l tỷ đồng.
 
Thực hiện công tác trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện trong tỉnh đã phát triển các khoa phục hồi chức năng, với tổng số trên 300 giường bệnh phục hồi chức năng, bình quân mỗi ngày có từ 400-500 người bệnh, trẻ em khuyết tật tập phục hồi chức năng. Các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đều thực hiện nghiêm túc chính sách ưu tiên cho NKT trong khám chữa bệnh như ưu tiên khám trước, được nằm giường bệnh riêng, miễn giảm viện phí một số trường hợp. Ngoài ra, còn tổ chức khám sàng lọc, phát hiện can thiệp sớm cho trẻ em dưới 6 tuổi; cung cấp kiến thức phòng bệnh, phòng ngừa tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc an toàn... cho NKT.
 
Cùng với đó, Quảng Nam đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác trợ giúp NKT. Ngành LĐTBXH đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với NKT về thực thi các chính sách, thông qua đó đã giải thích, giải quyết được các yêu cầu cũng như thắc mắc của NKT, đồng thời tạo điều kiện để họ hiểu hơn về pháp luật dành cho NKT. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công xây dựng đảm bảo cho NKT tiếp cận, đặc biệt là công trình về giáo dục, y tế, giao thông đô thị, văn hóa thể thao; Thực hiện miễn giảm giá vé cho NKT khi tham gia giao thông. Từ tháng 9/2017, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam đã phát hành thẻ miễn 100% giá vé cho 10 NKT khi tham gia giao thông các tuyến xe buýt do Công ty khai thác. Các đơn vị vận tải hành khách bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho NKT khi tham gia giao thông, bố trí nhân viên để trợ giúp NKT lên, xuống phương tiện giao thông.
 
Cùng với đó, NKT được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thông qua tổ chức hội thi với các chủ đề như “Nâng cánh ước mơ”, “Tiếng hát từ trái tim”, cầu lông và cờ tướng, thu hút trên 1.200 NKT tham gia. Các điểm du lịch, điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao đã thực hiện việc miễn, giảm giá vé, ưu tiên cho NKT, điển hình như các điểm du lịch ở phố cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn... Hội NKT cấp tỉnh, huyện đã tổ chức các hội thi đua xe lăn, xe lắc, cầu lông, cờ tướng và tổ chức sự kiện thể dục thể thao cho NKT.
 
Công tác truyền thông được các cấp sở, ban, ngành, hội, đoàn thể quan tâm, với  hơn 215 tin, bài, phóng sự về công tác trợ giúp về pháp lý miễn phí cho NKT, đặc biệt là NKT khó khăn về tài chính; NKT tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống; các mô hình trợ giúp NKT; những tấm gương nhân ái trong hoạt động trợ giúp NKT... Tỉnh Quảng Nam đã thành lập và phát triển Hội NKT các cấp, thu hút 6.500 hội viên NKT tham gia. Ngoài ra, các địa phương đã tạo điều kiện cho các mô hình tổ chức được thành lập và hoạt động hiệu quả như Chi hội Thanh niên khuyết tật, Chi hội Cha mẹ trẻ khuyết tật, Câu lạc bộ Cha mẹ trẻ tự kỷ… 


Tặng xe lăn cho NKT. 
 
Trên cơ sở kết quả đạt được, để thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp NKT, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành trung ương tổ chức điều tra, xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, đồng bộ trên toàn quốc về NKT, tạo nên một hệ thống thông tin liên hoàn từ Trung ương đến cơ sở;  Hướng dẫn, triển khai đầy đủ các nội dung được quy định trong Luật NKT và của Đề án Trợ giúp NKT, tiến hành rà soát nếu chỉ tiêu, mục tiêu nào không thể đạt để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời; Hình thành tổ chức của NKT một cách có hệ thống theo luật định; Nâng mức trợ cấp xã hội bảo đảm nhu cầu cuộc sống tối thiểu của NKT, nhưng có tính chất linh hoạt để điều chỉnh kịp thời với mức sống chung của xã hội; Chú trọng về cải thiện môi trường, giảm thiểu các rào cản để NKT có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ; Tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt quan tâm đến thông tin, truyền thông về pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý cho NKT; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT, tư vấn học nghề, hỗ trợ vốn ưu đãi của Nhà nước dành cho NKT và các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ làm công tác trong các ngành liên quan đến NKT; Đẩy mạnh chương trình hoạt động các mô hình phòng ngừa, phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng, hỗ trợ xây dựng mô hình trợ giúp xã hội và trợ giúp pháp lý đặc thù dành riêng cho NKT.
 

Minh Nhật/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.