THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 11:20

Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách riêng trợ giúp người khuyết tật

30/08/2020 | 08:18

Theo thống kê, tính đến tháng 7/2019, tỉnh Quảng Ninh có 20.851 NKT, trong đó có 4.010 NKT đặc biệt nặng và 11.633 NKT nặng. Tỷ lệ NKT Quảng Ninh không cao, chỉ chiếm khoảng 1,6% dân số, nhưng tỷ lệ NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm trên 75% tổng số NKT. Nhiều NKT có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp, sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Thực hiện quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/08/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND ngày 17/05/2013 về việc thực hiện Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2020 nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Luật NKT.

Để giúp NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT, tạo môi trường thuận lợi cho NKT vươn lên trong cuộc sống.
 



Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh trao tặng xe lăn cho người khuyết tật TX. Đông Triều.


Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT

Những năm qua, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đối với NKT. Hoạt động tuyên truyền được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như: đăng tin, bài, phóng sự trên các website, báo, đài của trung ương và địa phương; in và phát hành tờ rơi, tờ gấp, ấn phẩm sách, tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp cho người dân tại cộng đồng, cụ thể: giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã tổ chức được 57 hội nghị truyền thông cho 4.470 người; in 20.000 tờ rơi; phát hành 7.000 cuốn “Chính sách pháp luật dành cho NKT” và 3.000 cuốn “Sổ tay ngôn ngữ ký hiệu”.

Thông qua hoạt động truyền thông, công tác trợ giúp NKT ngày càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với NKT. Mặt khác, việc cung cấp và tạo điều kiện cho NKT tiếp cận thông tin không chỉ giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng mà còn đảm bảo quyền của NKT.

Phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho NKT

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 27/07/2012 về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh (nguồn kinh phí trích từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật của tỉnh). Theo đó, NKT vận động được hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và được cấp dụng cụ chỉnh hình; NKT và 01 người nhà được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/người/ngày (không quá 15 ngày), được hỗ trợ tiền đi lại từ nơi ở đến cơ sở phẫu thuật; hỗ trợ chi phí thù lao cho 01 người nhà hướng dẫn NKT tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày).

Giai đoạn 2013-2018, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khám sàng lọc cho 1.395 đối tượng là NKT hệ vận động. Trong đó, phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 222 đối tượng và trang bị 270 dụng cụ chỉnh hình (bao gồm tay giả, chân giả, độn gót…) với tổng kinh phí là 2,776 tỷ đồng.

Ngoài ra, với sự trợ giúp của Chính phủ Ấn Độ, Quảng Ninh đã có 261 người được làm chân giả, 22 người được làm tay giả, 52 NKT được cung cấp nạng, trang bị 734 xe lăn với kinh phí 952,6 triệu đồng. Các chuyên gia của tổ chức POF cũng đã phẫu thuật chỉnh hình cho 21 bệnh nhân bị khuyết tật, dị dạng, dị tật.
 

 Các thành viên Câu lạc bộ người khuyết tật thị xã Đông Triều làm đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ.


Hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT

Tỉnh đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 14/08/2015 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ KT, tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quyết định số 2985/QĐ-UBND ngày 07/10/2015 về việc thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hòa nhập dành cho NKT tỉnh Quảng Ninh.

Về quy mô trường lớp, năm học 2018-2019, số trường có học sinh KT, tự kỷ tham gia học hòa nhập là 333 trường (mầm non: 41 trường, tiểu học: 183 trường, THCS: 98 trường, THPT: 12 trường); Lớp có học sinh KT, tự kỷ tham gia học hòa nhập là 991 lớp (mầm non: 62 lớp, tiểu học: 777 lớp, THCS: 130 lớp, THPT: 22 lớp). Các phòng hỗ trợ đặc biệt được triển khai thực hiện thí điểm tại 06 địa phương đã đi vào vận hành, hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho học sinh KT, tự kỷ. Quảng Ninh cũng đã thành lập được 03 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập học sinh KT (ngoài công lập) với 06 nhóm lớp. Nhờ đó, 97,79% trẻ KT có khả năng học tập đã được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho NKT được tỉnh Quảng Ninh triển khai lồng ghép trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổng số NKT được đào tạo nghề là 841/8.630 người, chiếm 9,75% tổng số NKT có khả năng lao động. Từ năm 2010 đến 2019, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 386 lao động là NKT; vận động thành lập và ban hành quyết định công nhận 14 cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT (các cơ sở SXKD đã tạo việc làm cho 201 lao động là NKT với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 triệu – 3,5 triệu đồng).

Công tác dạy nghề, truyền nghề đối với các hội viên thuộc Hội người mù tỉnh Quảng Ninh cũng đạt kết quả cao. Hội đã tổ chức các lớp đào tạo nhân viên xoa bóp cho hơn 100 người, trên 90% hội viên đã qua đào tạo được bố trí việc làm. Đã có 26 cơ sở tổ nhóm SXKD, tạo việc làm ổn định cho 116 lao động với thu nhập bình quân xấp xỉ 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, sau 8 năm thực hiện, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ, từng bước giúp NKT nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Quảng Ninh có hơn 15.600 NKT nặng và đặc biệt nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của tỉnh, 100% các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được cấp thẻ BHYT. Từ 01/01/2017 đến nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đối với NKT tại cộng đồng là 350.000 đồng/tháng, NKT được nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH của tỉnh là 500.000 đồng/tháng.

Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.