THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:12

Quảng Ninh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

06/11/2020 | 17:16



Xưởng dạy nghề cho người khuyết tật của chị Nguyễn Hải Yến - Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật TX Đông Triều đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động là người khuyết tật địa phương.
 

Vận động, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT

Tính đến ngày 31/6/2020, tỉnh Quảng Ninh có 20.767 NKT, trong đó có 3.794 NKT đặc biệt nặng và 11.958 NKT nặng. Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/08/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND ngày 17/05/2013 thực hiện Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2020. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4121/QĐ-UBND ngày 03/11/2005 về việc thành lập Quỹ việc làm dành cho người tàn tật tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 Phê duyệt danh mục 44 nghề đào tạo trình độ sơ cấp nghề và mức chi phí, mức hỗ trợ cho từng nghề hỗ trợ đào tạo cho NKT.

Thực hiện Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, ngày 17/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1139/2017/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT.

Chương trình dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho NKT và gia đình có NKT mang tính thiết thực, có ý nghĩa nhân văn tác động trực tiếp đến đời sống của NKT và gia đình có NKT.

Công tác đào tạo nghề cho NKT được tỉnh Quảng Ninh triển khai lồng ghép trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.

Tính đến hết năm 2018, tổng số NKT được đào tạo nghề là 841 người, trong đó đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là 427 người.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận động thành lập được 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho 201 lao động là NKT với mức thu nhập từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng. Quỹ việc làm dành cho NKT đã thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là NKT tính đến thời điểm hiện tại là 14.231.515.648 đồng. Quỹ đã hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, tạo việc làm cho NKT cho 04 doanh nghiệp có lao động là NKT.

Không chỉ làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là NKT, NKT Quảng Ninh còn làm việc trong các Hội, nhóm dành riêng cho NKT như Hội người mù Quảng Ninh, CLB NKT TX Đông Triều...



Người khuyết tật làm việc tại Công ty CP May và In 27/7 Quảng Ninh.


Người khuyết tật hỗ trợ người khuyết tật

Hội Người mù Quảng Ninh

Hiện nay, Hội Người mù Quảng Ninh có 1.038 hội viên trong đó có 533 hội viên trong độ tuổi lao động chiếm 51,3%. Để có các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các hội viên và gia đình hội viên, Hội đã triển khai khảo sát thực trạng đời sống, việc làm của người mù trên địa bàn tỉnh, phân loại đánh giá mức độ khó khăn, nhu cầu học nghề, việc làm và vay vốn của hội viên để có cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn nhằm đem lại quyền lợi thiết thực cho NKT.

Hội Người mù đã tổ chức xây dựng quản lý 2 cơ sở tẩm quất xoa bóp, thu hút 20 lao động hầu hết là người mù và người có khuyết tật về mắt. Doanh thu hàng năm của các cơ sở năm sau so với năm trước tăng bình quân từ 10-15%.

Ngoài ra, có 25 cơ sở do hội viên tự mở đã tạo việc làm cho 96 lao động với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh mô hình tẩm quất xoa bóp, các huyện hội đã thành lập được 7 tổ nhóm sản xuất thủ công như làm tăm tre; đóng than tổ ong, cạo phoi tre tạo việc làm cho 30 người làm việc thường xuyên và theo mùa vụ, với mức doanh thu đạt trên mức lương tối thiểu/người/tháng. Đặc biệt có 2 tổ nhạc hiếu của thành hội Hạ Long và thị hội Quảng Yên tạo việc làm cho 11 người gồm người mù và người thân trong gia đình với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Với những người mù sống ở địa bàn nông thôn, vùng hải đảo, Hội định hướng tạo việc làm tại hộ gia đình bằng cách: dạy nghề, truyền nghề, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng hải sản cho vay vốn làm kinh tế gia đình.

Hội đã chủ động tìm nguồn kinh phí, khai thác những ngành nghề phù hợp với khả năng của người mù, liên kết Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng của Trung ương hội, liên hệ với các trường, bệnh viện, các trung tâm có chức năng dạy nghề mang tính chất đặc thù đối với NKT.
Trong những năm qua, hầu hết hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được học nghề, truyền nghề, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế, mở 15 lớp dạy nghề cho 90 hội viên với các nghề tẩm quất xoa bóp, cạo phoi tre, tin học. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều được trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, bệnh viện Y học cổ truyền các Trung tâm dạy nghề cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Công tác dạy nghề đã đóng vai trò rất quan trọng, giúp từng bước giải quyết tận gốc vẫn đề việc làm, ổn định đời sống hội viên.   

Bên cạnh đó, Hội Người mù Quảng Ninh còn được Trung ương Hội giao quản lý hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Trong những năm qua, Hội đã giải quyết cho 316 lượt hội viên vay để tạo việc làm tại gia đình thu hút thêm lao động chủ yếu là người thân trong gia đình. Nguồn vốn vay được sử dụng rất hiệu quả, đúng mục đích, không phát sinh nợ quá hạn. Đã có 10 hội viên thuộc diện hộ nghèo được cấp vốn không hoàn lại mỗi hộ 5 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” do UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ chăn nuôi và trồng rừng; có 8 hội viên được Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng bò sinh sản đã và đang phát huy hiệu quả.

Câu lạc bộ NKT Đông Triều

CLB NKT TX Đông Triều có 78 thành viên là điểm tựa sinh kế cho những NKT trên địa bàn.

Từ nguồn vốn xã hội hóa, hiện CLB đã xây dựng được nhà xưởng dạy nghề cho NKT với diện tích 300m2. Sau khi xưởng dạy nghề đi vào hoạt động, ban chủ nhiệm CLB đã lựa chọn những thành viên nhanh nhẹn, có năng khiếu học nghề, làm nòng cốt trong việc truyền nghề. hằng ngày các thành viên CLB cùng nhau trao đổi, truyền nghề cho nhau. Những người làm thành thạo dạy cho những người mới học.

Thời gian đầu, CLB đã tổ chức dạy nghề làm hoa đá pha lê. Tuy nhiên do khó khăn về thị trường nên chỉ sau một thời gian ngắn, CLB đang chuyển sang làm nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ hương phù hợp với tình trạng sức khỏe chung của NKT.

Sản phẩm sau khi làm ra đạt yêu cầu đều được HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Hà Nội) hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu. Trên cơ sở nhận các ý kiến phản hồi của khách hàng, CLB đã tiếp thu, cải thiện mẫu mã phù hợp với nhu cầu sử dụng và hiện đang triển khai thêm tấm lót bằng hạt gỗ phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện. Trong tháng 4/2018, sản phẩm mỹ nghề làm từ hạt gỗ của CLB sẽ được trưng bày tại hội chợ do Bộ LĐTBXH và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tổ chức.

Có thể thấy, dạy nghề và tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho NKT không chỉ tạo cơ hội cho NKT thoát nghèo mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, giúp NKT xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng.

Phương Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.