THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 06:11

Quảng Ninh thí điểm sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí

24/12/2019 | 13:51

Quy trình sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ có thu phí

Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh” được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được hỗ trợ các phương pháp trị liệu cho trẻ em RNTT, tự kỷ, giúp trẻ có cơ hôi được phát triển bình thường; đồng thời, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tâm lý cũng như chi phí so với trị liệu tại các cơ sở khác.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh triển khai hoạt động truyền thông tới người dân và phụ huynh có con trong độ tuổi từ 2 - 6 tuổi; tiến hành tiếp nhận và sàng lọc, đánh giá vấn đề của trẻ; tư vấn kết quả cho phụ huynh và các biện pháp can thiệp trị liệu. Đối với phụ huynh có nhu cầu trị liệu cho trẻ tại Trung tâm, cán bộ của Trung tâm tiến hành xây dựng kế hoạch can thiệp và triển khai thực hiện sau khi đã thống nhất với gia đình. Bên cạnh đó, nhân viên trị liệu sẽ hướng dẫn gia đình trẻ các bài tập can thiệp cho trẻ tại nhà. Việc đánh giá kết quả can thiệp, trị liệu tâm lý được thực hiện sau 36; 72 hoặc 108 buổi trị liệu tùy theo mức độ thay đổi và tiến bộ của trẻ.

Năm 2019, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã khám sàng lọc, tư vấn đối với 50 trẻ  RNTT, tự kỷ. Số trẻ được can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên có thu phí tự nguyện tại Trung tâm là 24 trẻ.

Căn cứ tình hình thực tiễn, mỗi nhân viên thực hiện nhiệm vụ can thiệp trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ, RNTT của Trung sẽ phụ trách 4-5 trẻ, số lượng nhân viên tham gia trị liệu trực tiếp là 6 người (chuyên ngành Tâm lý học, CTXH, Xã hội học, Giáo dục đặc biệt, Sư phạm mầm non, Ngôn ngữ học, Y khoa); thời gian trị liệu mỗi trẻ là 90 phút/ca/ngày; số ca trị liệu/tuần tùy thuộc vào sự thống nhất giữa Trung tâm và phụ huynh của trẻ. 

Nhân viên CTXH Quảng Ninh can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ tại Trung tâm.


Phương pháp can thiệp, trị liệu cho trẻ

Để can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ, RNTT thường kết hợp theo 3 phương pháp: “hóa trị liệu” (tức là dùng thuốc), “tâm lý trị liệu” (thực hiện can thiệp về tâm lý) và “cải thiện môi trường sống” (hướng dẫn cách chăm sóc, giáo dục cho người chăm sóc và các thành viên trong gia đình trẻ). Tuy nhiên, đối với phương pháp “hóa trị liệu” (tức là dùng thuốc) Trung tâm kết nối với các cơ sở y tế chuyên khoa để hỗ trợ cho trẻ. Trung tâm chỉ tập trung triển khai vào phương pháp “tâm lý trị liệu” và “cải thiện môi trường sống”, cụ thể:  tư vấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập cho các gia đình có trẻ RNTT, tự kỷ; duy trì sinh hoạt câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ, hình thành mạng lưới kết nối các thành viên câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện tham gia của các phụ huynh.

Thực hiện Đề án, Trung tâm áp dụng phương pháp trị liệu tâm bệnh không dùng thuốc, được thực hiện bởi sự tương tác hỗ trợ một - một (tức là một nhân viên CTXH chỉ can thiệp cho một trẻ trong một ca). Các bài tập để can thiệp trị liệu cho trẻ dựa trên kết quả đánh giá của bộ công cụ như Test Denver II; Test PEP-R; thang đo tăng động giảm chú ý Vanderbilt; bảng đánh giá mức độ tự kỷ trẻ em CARS...

Các phương pháp can thiệp, trị liệu Trung tâm đang thực hiện góp phần giải quyết vấn đề khó khăn của trẻ đang gặp phải một cách toàn diện và bền vững. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa phương pháp trị liệu của Trung tâm CTXH với các cơ sở, trung tâm khác hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.


Kế hoạch các năm tiếp theo của Đề án

Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh” thực hiện từ năm 2019 – 2021, cụ thể:

Năm 2020: dự kiến có 15% (4.983 trường hợp trở lên) gia đình có trẻ em RNTT và trẻ em RNTT, tự kỷ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ có liên quan của Trung tâm; tiếp nhận đánh giá và sàng lọc ban đầu đối với 200 - 250 trẻ; trị liệu (thu phí tự nguyện) từ 30 trẻ trở lên.

Năm 2021, dự kiến có trên 15% gia đình có trẻ em RNTT và trẻ em RNTT, tự kỷ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ có liên quan của Trung tâm; tiếp nhận đánh giá và sàng lọc ban đầu đối với 200 - 250 trẻ; trị liệu (thu phí tự nguyện) từ 40 trẻ trở lên.

Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ tổ chức đánh giá về nhu cầu đối tượng và khả năng đáp ứng của Trung tâm để mở rộng phạm vi, ngoài can thiệp trị liệu tại Trung tâm, hướng tới can thiệp, trị liệu tâm lý cho đối tượng tại gia đình; Phối hợp cơ sở trị liệu tư nhân trong kết nối, hỗ trợ sàng lọc, can thiệp trị liệu trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được và kế hoạch thực hiện trong những năm tiếp theo, Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh” cho thấy vấn để phòng, trị liệu RNTT, tự kỷ ở trẻ em luôn được tỉnh Quảng Ninh đầu tư và quan tâm. Các hoạt động liên quan đến bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em RNTT, tự kỷ không còn là câu chuyện riêng của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trung Nguyễn/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.