THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 06:55

Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi

24/04/2019 | 07:56

Toàn cảnh Hội thảo.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019). Để có thể có những sửa đổi tốt nhất đối với người lao động chưa thành niên tham gia quan hệ lao động, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐTBXH, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo về “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi”. 
 
Hội thảo bàn về các nội dung chính: 1) Những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung liên quan đến quyền của người chưa thành niên trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”; 2) Thách thức và giải pháp trong thực hiện Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm bảo vệ quyền trẻ em và người chưa thành niên; 3) Tạo môi trường hòa nhập thân thiện cho các nhóm trẻ em và người chưa thành niên yếu thế.
 
 
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu.
 
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ là sửa đổi cơ bản, toàn diện để giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thực hiện 4 nguyên tắc về các điều kiện lao động cơ bản của người lao động tại nơi làm việc theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
 
Quyền của người chưa thành niên trong sửa đổi Bộ luật Lao động là một trong những nội dung quan trọng được quy định thành một Chương riêng (Chương 11: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác). Lần sửa đổi này, nội dung dự thảo tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung các điều Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các quy định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
 
Trên thực tiễn, mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em từ hoàn thiện luật pháp, chính sách đến triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra; tuy nhiên vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn như nhận thức của gia đình, của chính trẻ em, của những người sử dụng lao động, người môi giới lao động còn hạn chế, còn thiếu hiểu biết về pháp luật, về các chính sách có liên quan đến lao động trẻ em. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng này càng trở nên phức tạp, bao gồm: phân công, các nhà sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp, sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm… Việc sử dụng lao động trẻ em ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng đều vi phạm pháp luật, dẫn tới ảnh hưởng không tốt đến việc tiêu thụ sản phẩm.
 
Ngoài ra, vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em trái qui định pháp luật.
 
Thứ ba, nguồn đầu tư bố trí kinh phí để triển khai các chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em từ trung ương đến địa phương còn hạn hẹp.

Một khó khăn nữa là hệ thống dịch vụ trẻ em chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ nên việc triển khai các chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn nhiều khó khăn..
Những nội dung chính về quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi được các chuyên gia và  diễn giả thảo luận xoay quanh các vấn đề sau:

Một là, xác định các quy định nhằm bảo vệ quyền làm việc, lao động phù hợp với lứa tuổi, không ảnh hưởng đến sự việc học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần của người chưa thành niên. trong đó, tập trung chủ yếu vào 4 nhóm vấn đề: Xác định độ tuổi lao động phù hợp; Các nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp; Công việc và địa điểm làm việc phù hợp với lao động chưa thành niên.

Hai là, đưa ra những quy định bảo vệ quyền của trẻ em/người chưa thành niên trong lao động là hết sức quan trọng góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại của Việt Nam, đặc biệt là khi nước ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và tiến tới ký kết, phê chuẩn các hiệp ước khác.

Đây là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới đông đảo người lao động và các doanh nghiệp, nên cần được thảo luận lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan. 
Với mong muốn soạn thảo một Bộ luật tốt để bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động, nhất là người chưa thành niên và góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bộ LĐTBXH mong được lắng nghe các ý kiến thảo luận, bình luận của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan, các cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như kinh nghiệm của quốc tế về chủ đề này để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. 
 

Ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH thông tin tới các vị khách mời về lộ trình, các nội dung sửa đổi liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi.
 
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: 
 


Bà Lê Thị Nguyệt – Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội phát biểu.
 

 
Ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát biểu.
 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em phát biểu.
 


Bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu.
 
 
Ông Vijaya Ratnam-Raman, Chuyên gia về Pháp luật và Quyền trẻ em (UNICEF) trình bày các khuyến nghị chính trong sửa đổi Bộ luật Lao động.
 
 
Đại diện Hội người Mù chia sẻ những khó khăn của người khuyết tật khi làm việc.
 

Em Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ vấn đề lao động và việc làm dưới góc nhìn của nhóm yếu thế.
 


Em Đỗ Văn Tuấn - một người hoạt động xã hội trong lĩnh vực LGBT chia sẻ câu chuyện về những khó khăn của người đồng tính khi đi xin việc.

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.