THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 06:57

Quyền vui chơi cũng quan trọng như quyền học tập

18/11/2020 | 18:14
Học suốt ngày, trẻ vui chơi lúc nào?
 
6h sáng, Minh Anh bắt đầu một ngày mới. Cô bé lớp 6 ra khỏi nhà lúc 6h30, sớm nhất nhà. Bữa sáng nhanh với bánh mì pa-tê hoặc xôi trứng để kịp 7h có mặt ở lớp truy bài. Trong khi đó, mẹ của Minh Anh làm cơ quan Nhà nước, 7h30 mới phải có mặt, bố Minh Anh làm tư nhân, vào làm muộn hơn lúc 8h sáng.
 
11h45 phút cô bé tan học tự đạp xe về nhà. Cơm và thức ăn mẹ đã chuẩn bị từ sáng nên cả gia đình chỉ mất chừng 30 phút để vừa bày biện, vừa ăn uống. 12h30 cô bé đi ngủ trưa. 13h30 lại lóc cóc đạp xe đến trường. 16h35 tan học, Minh Anh đạp xe ra hiệu bánh gần trường ăn tạm một cái bánh mì hoặc bánh bao rồi đạp xe tới lớp học thêm. Giống như các bạn, Minh Anh học thêm 3 môn học chính Toán, Văn, Anh, mỗi môn tuần 2 buổi, mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng. Một số thầy cô dạy học thêm buổi tối, một số dạy vào cuối tuần. Nếu không học thêm buổi tối, Minh Anh sẽ đạp xe về nhà tắm rửa và chuẩn bị bữa tối cùng mẹ. Thường thì cô bé sẽ học thêm từ 17h-19h và về tới nhà lúc 19h30. 20h bữa tối kết thúc. Tắm rửa mất chừng 30 phút nữa, cô bé mới ngồi được vào bàn học và làm các bài tập về nhà. Làm xong bài thì cũng 22h tối, cô bé đi ngủ. Ngày chủ nhật, Minh Anh không phải học chính ở trường nhưng vẫn phải đi học thêm lúc ca sáng, lúc ca chiều, thi thoảng mới hở ra một buổi không phải đi học. Đấy là mẹ đã cắt lịch học thêm tiếng Anh ở trung tâm gần nhà cho Minh Anh để cô bé giảm tải việc học. Bạn nào học thêm tiếng Anh ở trung tâm nữa thì gần như không có khoảng thời gian nào rảnh để “thở” chứ đừng nói đến vui chơi.


 Áp lực học hành khiến nhiều trẻ em stress, mệt mỏi. Ảnh minh họa: KT
 
Nhiều lúc, Minh Anh chạnh lòng nhớ lại những năm tháng vui vẻ, hồn nhiên hồi lớp 1, lớp 2. Cô bé không phải học thêm bất cứ môn học nào. Tối nào cũng được ngồi chơi với mẹ hoặc xem tivi một tí hay vào ông bà chơi sau khi đã làm xong bài tập. Cuối tuần, thỉnh thoảng Minh Anh được mẹ cho đi chơi khu vui chơi ở Trung tâm thương mại, đi mua sắm, thậm chí đi dã ngoại. Nhưng kể từ khi lên cấp II, việc đi chơi dường như là quá xa xỉ đối với cô bé. Bố mẹ không ép Minh Anh học, thậm chí mẹ cô bé còn đề nghị con gái bỏ bớt một lớp học thêm vì cho rằng việc học thêm chiếm mất quá nhiều thời gian của con. Nhưng bạn nào ở lớp cũng đi học thêm, cô bé không muốn tụt hậu so với các bạn, cô bé cũng sợ nếu không đi học thêm có thể sẽ khiến cô giáo ghét nên nhất quyết không chịu bỏ bất cứ lớp học thêm nào. Đấy mới là lớp 6. Khi nào lên lớp 9, luyện thi vào cấp 3, Minh Anh sẽ còn phải học thêm nhiều hơn nữa - các anh chị lớp lớn cảnh báo Minh Anh. Người lớn nói thi cấp 3 khó hơn thi đại học vì trượt trường công lập thì chỉ có vào dân lập mà học chứ không có nhiều nguyện vọng như thi đại học, cô bé mới 12 tuổi lo lắng cho tương lai ngay từ bây giờ. Đó là chuyện học của Minh Anh – một cô bé ở tỉnh lẻ, còn ở các thành phố lớn, không hiểu áp lực học hành nó còn khủng khiếp đến nhường nào!


Trẻ thích thú khi được cha mẹ đưa đi dã ngoại cuối tuần, khám phá thiên nhiên. Ảnh: Thanh Huyền
 
Làm thế nào để trẻ được vui chơi?
 
Trẻ em được quyền học tập và vui chơi, hai quyền này, quyền nào cũng quan trọng như nhau, cha mẹ không nên quá chú trọng việc học hành mà khiến trẻ “đánh mất tuổi thơ”. Bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ghi danh cho con tham gia bất cứ lớp học thêm nào, việc học thêm môn học này có thực sự cần thiết không? Học lực của con bạn có phải là quá kém không? Con có thể tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ? Điều bạn mong muốn ở con là gì?... Học hành quan trọng nhưng vui chơi, giải trí cũng không thể thiếu để làm phong phú đời sống tinh thần những đứa trẻ. Đừng biến con bạn thành những “cỗ máy” chỉ biết có học. Kỹ năng sống cho trẻ em, tinh thần lạc quan và thái độ tích cực đối với cuộc sống cũng quan trọng vô cùng. Học hành quá tải có thể khiến cho trẻ căng thẳng, stress, thậm chí là trầm cảm, từ đó có thể dẫn đến các hành vi tiêu cực. Nhất là ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có chịu nhiều tác động, thay đổi về tâm sinh lý, cần có một thời gian biểu sinh hoạt khoa học và lành mạnh.
 
Làm cha mẹ, bạn cần biết thế nào là tốt nhất cho con trẻ. Nếu bạn muốn con phát triển toàn diện, thì đừng chỉ chú trọng việc học. Không ép trẻ tới các lớp học thêm, nếu trẻ đòi đi học thêm cùng chúng bạn, bạn cũng không nên vội vã đồng tình, chỉ cho trẻ đi học thêm nếu việc học đó thực sự cần thiết đối với con. Tranh thủ mọi thời gian trống để cùng con vui chơi, hoặc lắng nghe con tâm sự chuyện học hành, trường lớp, bạn bè. Tích cực đưa con đi chơi ngoài trời để con được hòa mình với thiên nhiên, được tự do chạy nhảy, hít thở khí trời. Hạn chế sự ảnh hưởng của các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad hay tivi đối với trẻ nhỏ. Chỉ cho phép trẻ lên mạng tra cứu các thông tin phục vụ cho việc học tập dưới sự kiểm soát của cha mẹ.
 
Đừng để tuổi thơ của con bạn bị giam hãm trong bốn bức tường, hãy cho trẻ cơ hội được trải nghiệm cuộc sống bằng các hoạt động thể chất ngoài trời, các hoạt động tập thể, các bộ môn thể thao, những chuyến đi thú vị cùng gia đình…
 

Phương Anh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...