THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 07:08

“Rồi tôi sẽ lớn” vở nhạc kịch đầu tiên về tuổi dậy thì

03/10/2022 | 12:42
Những câu chuyện thực tế về khoảng cách thế hệ, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, sự khủng hoảng tâm lý của tuổi mới lớn được thể hiện cô đọng, hấp dẫn trong vở nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn". Vở diễn không chỉ chạm tới trái tim của những bạn trẻ mà còn nói lên tiếng nói của các bậc cha mẹ.
Cảnh trong vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn”.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn”.

“Rồi tôi sẽ lớn” (tác giả Hoàng Anh Tú, đạo diễn NSƯT Lê Ánh Tuyết) là vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn mang đến màu sắc trẻ trung, hiện đại, thể hiện chân thực và sinh động những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống giới trẻ hôm nay.

Hãy tôn trọng ước mơ của trẻ

Tác giả kịch bản - nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay, tuổi dậy thì luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Khoảng cách thế hệ là muôn thuở, nhưng ngày nay thường được bọn trẻ “thổi phồng” lên. Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Có những trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ không quan tâm, mà là cha mẹ không hiểu con…

Từ trải nghiệm làm cha, làm chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) đã đưa vào vở kịch những câu chuyện đời thực. Mâu thuẫn cha mẹ và con cái được kể khá dí dỏm và cô đọng trong 3 câu chuyện của 3 gia đình. Bách, cậu bé 13 tuổi ước mơ làm streamer nhưng bị mẹ la mắng và cậu đã bỏ nhà đi. Cô bé Hà tức tối vì mẹ đọc trộm nhật ký, ngột ngạt trước sự chăm sóc quá mức của mẹ và thất vọng về người cha lừa dối gia đình. Phi, cậu bé được bố bày trò chơi nói chuyện “như hai người đàn ông”, cuối cùng cậu vẫn bị bố lấy quyền “tôn ti trật tự” để áp đặt, buộc phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi âm nhạc.

Tâm lý cha mẹ so sánh kiểu “con nhà người ta”, ép con phải học giỏi, không ủng hộ con đam mê nghệ thuật... của các nhân vật trong vở diễn ít nhiều phản chiếu thực tế đang diễn ra ngoài kia. Những câu chuyện trong vở nhạc kịch chính là từ những lá thư mà học trò gửi về cho anh Chánh Văn và cả tâm sự của nhiều cha mẹ.

Vậy đâu là “chìa khóa” có thể hàn gắn vết đứt gãy của mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ? Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ, việc hướng nghiệp cho con từ lâu ở nước ta vẫn là “quyền” và “trách nhiệm” của cha mẹ và thầy cô, người lớn. Ða số chúng ta định hướng nghề cho các con thay vì các con tự đi tìm con đường riêng của mình. Ðó cũng là do cách học của học sinh từ xưa đến nay vốn trải đều khắp, môn nào cũng quan trọng.

Ước mơ của các con là gì? Thường cha mẹ, thầy cô chỉ hỏi cho có, nhưng thầy cô vẫn hướng học sinh vào trường dễ đậu (để nâng cao thành tích của trường), cha mẹ lại “thực dụng” hơn, hướng con vào những nghề ra trường dễ kiếm việc làm. Do đó, muốn “thay đổi” được cha mẹ, những đứa trẻ sẽ vô cùng vất vả. Vì vậy, vở nhạc kịch cũng chỉ dừng lại ở sự tôn trọng ước mơ của con. Muốn thay đổi, chặng đường đó còn rất dài. Trước mắt, cha mẹ hãy tôn trọng ước mơ của con. Với các bạn trẻ, nếu các bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sức mạnh thì mới thành hình được, còn nếu nó chỉ là ước mơ trong đầu thì mãi là mơ mộng viển vông.

Nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” thể hiện sinh động tâm tư, tình cảm, và những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay.

Nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” thể hiện sinh động tâm tư, tình cảm, và những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay.

Cha mẹ và con cần lắng nghe, cảm thông lẫn nhau

Thói quen so sánh con mình với “con nhà người ta” của cha mẹ đã tạo nên nỗi khổ tâm lớn cho trẻ. Cách để cha mẹ bỏ thói quen này là hãy tin vào con, và cũng phải tin vào chính bản thân mình. Cha mẹ ổn không sinh con tệ. Cha mẹ tự tin con cũng sẽ tự tin.

Ðể chữa lành những thương tổn trong con cũng như trong chính mỗi bậc cha mẹ, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Cha mẹ hãy sửa mình trước nhất: Hãy cùng con dành nhiều thời gian chất lượng cho nhau;  đừng chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà bỏ qua cảm xúc của con; Ðừng sử dụng quyền làm bố mẹ để định đoạt đời con; Ðừng chỉ thấy con đường chúng ta muốn con đi mà hãy cùng con tạo ra những con đường; Ðừng làm tất cả thay con mà hãy làm tất cả cùng con. Cha mẹ tích lũy “giờ bay” cùng con ngay từ khi con còn nhỏ và hãy để con thành phụ lái, rồi thành lái chính. Hãy nói cảm ơn con với mỗi điều con làm được và nói lời xin lỗi con với mỗi điều chúng ta sai. Muốn con hiểu cha mẹ luôn thương yêu con thì chính cha mẹ phải trở thành người đáng tin cậy trong mắt con, làm được vậy thì con cái sẽ hạnh phúc và hãnh diện về cha mẹ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, trong gia đình mình, mâu thuẫn xảy ra mỗi ngày, bởi vợ chồng anh xây dựng sự dân chủ trong gia đình, người nào cũng có thể lên tiếng và khi ai lên tiếng, tất cả sẽ cùng lắng nghe. Ðúng - sai không theo giới tính hay vai vế trong nhà. Con gái út nhỏ nhất nhà không được ưu tiên, bố và mẹ cũng vậy, chỉ có sự tôn trọng nhau. Ví dụ như việc con gái út nhận được 1 tài trợ học miễn phí ở một trường quốc tế, gói tài trợ lên tới gần 4 tỷ đồng cho 6 năm học. Có thể gia đình khác sẽ nhận ngay và ép con phải học vì gia đình không mất tiền học cho con suốt 6 năm mà đó còn là môi trường tốt cho sự phát triển của con. Nhưng nhà tôi khác, chúng tôi để con lựa chọn và tôn trọng quyết định của con. Bởi chúng tôi biết rằng, con sẽ chỉ học tốt nếu con thực sự yêu thích và mong muốn học ở đó.

Rồi tôi sẽ lớn (18)

Trong nhiều năm qua, những tư vấn của anh Chánh Văn đã giúp cải thiện, thay đổi tích cực cho không ít trẻ dậy thì và cha mẹ. Câu chuyện gần đây nhất, khi một cô bé tâm sự với anh về việc mình là người đồng tính. Em khóc nhiều vì cha mẹ dù đã chấp nhận con nhưng ròng rã suốt 2 năm trời, em vẫn cảm nhận được sự đau đớn trong mắt cha mẹ mỗi khi ai đó nhắc đến người đồng tính. Anh Chánh Văn đã nói với cô bé về nỗi đau của cha mẹ em. Cha mẹ nào cũng vậy, chấp nhận con là người thuộc giới tính thứ 3 nhưng chẳng dễ nguôi đau. Chỉ là con cái đôi khi không biết nỗi đau mà cha mẹ phải trải qua, bởi trẻ không nhiều trải nghiệm cuộc đời chứ không phải chúng vô cảm với nỗi đau của cha mẹ. Khi anh Chánh Văn nói vậy, cô bé hiểu ra và thay vì giữ đớn đau trong lòng, cô bé đã giúp chính cha mẹ mình chữa lành tổn thương. Giờ cả nhà em đều yêu thương nhau và coi chuyện con đồng tính như chuyện con có điều khác biệt hơn các bạn khác. Cha mẹ không còn thấy việc con đồng tính là lỗi tại cha mẹ nữa.

Thương con mà không hiểu con sẽ thành thương sai.

Thương con mà không tôn trọng con sẽ thành thương tổn.

Thương con mà áp đặt con sẽ thành thương hại.

Cha mẹ muốn thương đúng thì phải học cách hiểu con. Muốn hiểu con, cha mẹ cần học cách lắng nghe con, tôn trọng con, tin tưởng con và nhất định phải là cha mẹ chính trực. Sự chính trực ở cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc cho con cái.

Hồng Nga
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Trẻ có 3 dấu hiệu này, cha mẹ cần chú ý kỹ

Trẻ có 3 dấu hiệu này, cha mẹ cần chú ý kỹ

1 năm trước

Nếu con bạn cũng có những "lợi thế" sau đây, cha mẹ nên thay đổi cách giáo dục, đừng tự hào nữa!
Cuộc thi viết SÁCH HAY dành cho những người yêu sách

Cuộc thi viết SÁCH HAY dành cho những người yêu sách

1 năm trước

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập (10/1957 - 10/2022), Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi viết SÁCH HAY với mong muốn nhìn lại chặng đường đã qua, có thêm động lực để...
Hiểu đúng về kỷ luật tích cực

Hiểu đúng về kỷ luật tích cực

1 năm trước

Kỷ luật và trừng phạt có giống nhau không? Nhiều người thường sử dụng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau, tuy nhiên, giữa chúng có sự khác biệt. Kỷ luật là cách để dạy trẻ tuân theo...