THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 01:55

Sẵn sàng cho năm học mới

19/09/2022 | 12:34
Một mùa tựu trường lại về, hơn 23 triệu giáo viên và học sinh vừa hân hoan bắt đầu năm học mới 2022-2023. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Để sẵn sàng cho năm học mới, rất cần sự “đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, Lào Cai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, Lào Cai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm học trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn, trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn khó khăn.

Các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập, tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để làm sao tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao... được xem là những nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới đối với ngành Giáo dục.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch, đặc biệt là các em chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... Những hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng sẽ là công việc quan trọng mà ngành Giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới.

Trong thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Chủ tịch nước cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Và rất mong phụ huynh chia sẻ với những khó khăn của của ngành Giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành, mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ

Dự lễ và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan”.

Thủ tướng bày tỏ thấu hiểu các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, chăm sóc đến mấy chục cháu là công việc không đơn giản. Nhưng các thầy cô giáo cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu.

“Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng cho các cháu, đó là học - chơi - ăn ngủ; mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ GD&ĐT cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa; thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy. Về lâu dài, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo; tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Cô và trò Trường Tiểu học - THCS Newton5 sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh N. Ca

Cô và trò Trường Tiểu học - THCS Newton5 sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh N. Ca

Không để trẻ em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường

Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc ghi nhận và bảo vệ. Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Luật Giáo dục năm 2019 cũng khẳng định: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.

Điều cần quan tâm hơn nữa chính là quyền được học tập của các em có HIV và trẻ em khuyết tật. Để bảo đảm quyền bình đẳng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, chúng ta đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (UNCRPD), đồng thời, Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Trẻ em năm 2016 đều có những quy định nhằm bảo đảm sự chăm sóc và phúc lợi cho người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng và cơ hội giáo dục đầy đủ cho mọi công dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong các cấp chính quyền, ngành Giáo dục, thầy cô, phụ huynh và toàn xã hội dành sự quan tâm tới môi trường vệ sinh, an toàn học đường, chăm sóc các em học sinh là người khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh là người dân tộc để đường đến với con chữ của các em bớt gian nan, để các em tự tin vươn lên trong học tập, cuộc sống; nhất định không để cháu nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Bên cạnh những đồ dùng học tập và sách vở, cha mẹ và các em hãy nhớ trang bị các biện pháp phòng Covid-19 như vaccine, khẩu trang, khử khuẩn, vì đây vẫn là các biện pháp an toàn và hiệu quả nhất giúp bảo vệ trẻ và chúng ta trước những nguy cơ của Covid-19”,

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam

Vi Hương
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Sức sống đồ chơi dân gian trong Tết Trung thu

Sức sống đồ chơi dân gian trong Tết Trung thu

1 năm trước

Những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi… là một phần không thể thiếu, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Tết Trung thu....
Phát hiện con thủ dâm cha mẹ bàng hoàng

Phát hiện con thủ dâm cha mẹ bàng hoàng

1 năm trước

Nhiều phụ huynh lo lắng, hoang mang khi phát hiện con thủ dâm. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể. Vậy khi nào cha mẹ cần điều chỉnh hành vi này ở trẻ?
Cần có quy định riêng về nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em

Cần có quy định riêng về nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em

1 năm trước

Theo thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, hơn 72% trẻ em bị người thân bạo hành, song các đại biểu quốc hội nhận định, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vẫn chưa chú...