THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:36

Tái bản bốn tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Chu Lai

08/10/2019 | 09:13

Bước ra từ chiến trường với 10 năm làm lính đặc công đã góp phần tạo nên một nhà văn viết về chiến tranh tầm cỡ của Việt Nam. Hàng chục tác phẩm ra đời đã được đông đảo độc giả đón nhận nhưng chưa khi nào nhà văn Chu Lai ngừng suy ngẫm và trăn trở. “Khi nào tôi còn neo vào hơi thở cần lao, còn hết lòng yêu thương con người, tôi còn tạo cho nhịp điệu trái tim mình”. Những trang giấy trong căn phòng sáng tác chính là cái neo tâm hồn, tính cách ông vào cuộc đời.

Chưa khi nào nhà văn Chu Lai ngừng suy ngẫm và trăn trở viết về chiến tranh

Cái chất lính tráng thật thà, chân thành mà hào sảng đã trở thành một phần máu thịt trong con người Chu Lai. Thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã cho nhà văn Chu Lai khá nhiều chất liệu để miêu tả một cách chân thực và sống động về cuộc sống và con người nơi đây.

Nhà văn viết Nắng đồng bằng với một tâm thế tự nhiên, giản dị như cái cách những người lính kể chuyện ở chiến trường. Ra đời năm 1979, cuốn tiểu thuyết này là “đứa con tinh thần” đầu tiên trong gia tài sáng tác của tác giả về người lính.

Nhà văn Chu Lai ký tặng sách độc giả

Những năm 90, đề tài người lính trong thời kì hậu chiến trở đi, trở lại trong khá nhiều tác phẩm của ông. Nhắc tới nhà văn Chu Lai, người ta nhớ ngay đến tiểu thuyết nổi tiếng Ăn mày dĩ vãng (1991). Bên cạnh đó, Phố cũng là một tác phẩm khá nổi tiếng của tác giả về đề tài hậu chiến. Tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Rue des soldats (Phố nhà binh).

Nhà văn Chu Lai chia sẻ, ông viết gì thì viết, câu chuyện của ông cũng xoay quanh chiến tranh. Nhưng ông không tả chiến tranh một cách trần trụi nhất, bao giờ cũng trên nền tình yêu. “Chiến tranh đối với tôi là nhân danh một người lính, là tôi gẩy tới tận cùng của sự trần trụi, nhưng bên cạnh đó là lãng mạn. Bởi nếu chiến tranh là sự trần trụi đơn thuần thì người lính trầm cảm mà chết hết. Chiến tranh mà lãng mạn, nó không phải là ngày hội của reo ca. Tất cả các tiểu thuyết của tôi chỉ ca ngợi đàn bà”.

Phố là một trong bốn tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Chu Lai được tái bản lần này

Bốn cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh của nhà văn Chu Lai vừa được Đinh Tị Books tái bản và giới thiệu đến độc giả yêu văn học gồm: “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố” và “Mưa đỏ”. Đây là bốn cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nhà văn Chu Lai trong  chặng đường mấy mươi năm viết văn của ông.

Tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” kể về câu chuyện đơn vị lính đặc công nhận nhiệm vụ xuống vùng ven sông Sài Gòn để trinh sát, nghiên cứu địa bàn đầy gian khổ nhưng cũng đầy ân tình…

Tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” xoay quanh người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn trở về với đời thường với cuộc hành trình lần ngược quá khứ.

Tiểu thuyết “Phố” là một bức tranh về cuộc sống của những người lính chuyển từ rừng về phố, họ không cầm súng mà cầm trên tay những vất vả lo toan của cuộc sống mưu sinh...

Tiểu thuyết “Mưa đỏ” là bản hùng ca về tám mươi mốt ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị.

Trong đó, nếu như “Nắng đồng bằng” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được nhà văn Chu Lai viết năm 1978 thì qua hai nhịp cầu “Ăn mày dĩ vãng” - 1991 và “Phố” – 1993 là “Mưa đỏ” – cuốn tiểu thuyết gần đây nhất được nhà văn viết năm 2016. Qua hơn bốn thập kỷ cầm bút viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn Chu Lai đã đi một hành trình dài với nhiều chiêm nghiệm.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...