THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:03

Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em

05/12/2021 | 11:21
Vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, từ ngày 11/12 đến ngày 26/12/2021, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em”. Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của bệnh viện nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do rối loạn thiếu hormone tăng trưởng.
Bác sĩ khoa Nội tiết tư vấn cho bậc cha mẹ.

Bác sĩ khoa Nội tiết tư vấn cho bậc cha mẹ.

Chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ do thiếu GH

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000-1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. Hiện tại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng đang điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.

Trước đó, đã có hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH được bệnh viện chẩn đoán và điều trị thành công. Nhiều bậc cha mẹ rất hạnh phúc khi con có thể cải thiện chiều cao do được chẩn đoán đúng nguyên nhân và được điều trị sớm. Trẻ cũng tự tin hơn do có thể bắt kịp chiều cao bạn bè cùng trang lứa. Như trường hợp bé trai 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4cm/ năm), luôn thấp nhất lớp. Bé được chỉ định điều trị GH và liên tục trong 6 năm. Khi bé 13 tuổi, xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/ năm). Sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165cm.

Hay gần đây nhất là trường hợp bé trai sinh tháng 1/2016, thời điểm đến khám 7/2020, chiều cao 99cm, cân nặng 15kg. Bé sinh đủ tháng, không có bệnh lý đặc biệt từ lúc sinh. Sau đó, khi đến bệnh viện thăm khám, bé được chẩn đoán thiếu GH và bắt đầu điều trị từ tháng 8/2020. Sau 6 tháng, chiều cao của bé 103cm (tăng 4 cm), cân nặng 15,5kg.

Đông đảo bậc cha mẹ đưa trẻ đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại khoa Nội tiết, năm 2020.

Đông đảo bậc cha mẹ đưa trẻ đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại khoa Nội tiết, năm 2020.

Cải thiện chiều cao trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Sau 4 năm triển khai, chương trình hỗ trợ cộng đồng “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.500 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 120 trẻ. Trong năm 2021, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám. Trẻ tham gia tầm soát được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sinh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tiếp theo, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp X-quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh tư vấn một trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh tư vấn một trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.

TS. BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Cải thiện chiều cao trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm to lớn nhất thuộc về ngành y tế. Trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết. Do đó, mục đích của chương trình là để giúp các em được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp cho chiều cao của các em trong tương lai không bị thiếu hụt, không thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa”.

Các chuyên gia cho biết, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6cm/năm, hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Trên thực tế, bậc cha mẹ ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng và nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả. Nếu trẻ rơi vào trường hợp chậm cao do thiếu GH, việc thăm khám muộn hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ mất đi “giai đoạn vàng” để có thể cải thiện chiều cao hiệu quả (thường là từ 4-13 tuổi).

BS Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết của Bệnh viện cho biết: “Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Do đó, thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn phụ huynh khi có nghi ngờ về sự phát triển bất thường ở chiều cao của trẻ, nên cho trẻ đến tầm soát sớm. Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH”.

Quang Ánh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Khởi tố vụ án hình sự vợ chồng chủ shop quần áo bạo hành và làm nhục nữ sinh

Khởi tố vụ án hình sự vợ chồng chủ shop quần áo bạo hành và làm nhục nữ sinh

2 năm trước

Trưa 4/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tại shop quần áo Mai Hường, số 93 đường Lê...
Cứu sống bé 14 tháng tuổi bị vỡ tim do tai nạn ô tô

Cứu sống bé 14 tháng tuổi bị vỡ tim do tai nạn ô tô

2 năm trước

Bé 14 tháng tuổi bị thương nặng, vỡ tim, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được cứu sống một cách thần kỳ.
Xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật

Xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật

2 năm trước

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành Giáo dục.
Kịp thời hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh bị cách ly trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Kịp thời hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh bị cách ly trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

2 năm trước

Trong những ngày vừa qua, lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã đến thăm, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tại các khu cách ly tập...