THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 11:58

Tầm soát ung thư đúng cách và hiệu quả

15/05/2022 | 07:16
Tầm soát ung thư luôn là vấn đề lớn cho ngành y tế các nước, không những vì số lượng bệnh nhân ung thư quá nhiều mà vì chi phí của mọi phương pháp điều trị đều quá cao. Do đó, việc tầm soát ung thư cần có tính chiến lược và được áp dụng ở mức cộng đồng. Tầm soát bệnh gì, cho ai, khi nào, bằng phương án nào… là những vấn đề cơ bản của chiến lược phòng chống ung thư.
 

Tiếp nối chương trình Med Talks số thứ 3 với chủ đề “Ung thư và tin đồn”, từ 8h-10h ngày 12/05 đã diễn ra Med Talks số 4 với chủ đề “Tầm soát ung thư” do MetaMinds tổ chức với sự đồng hành của Thương hiệu sách y học MedInsight, Công ty Công nghệ eDoctor và Dự án Y học Cộng đồng.

Chương trình có sự tham gia của ba diễn giả gồm: 1) TS. BS. Phạm Nguyên Quý hiện là bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren; nghiên cứu viên tại Khoa Y, Đại học Kyoto; Anh cũng là đồng sáng lập và Trưởng Dự án Y học cộng đồng. 2) BS. La Vĩnh Phúc - Giảng viên Bộ môn Ngoại - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ; Bác sĩ tại Trung tâm Nội soi - Bệnh viện ĐH Y Dược Cần Thơ. 3) BS. Phạm Vân Ngọc là người đồng sáng lập DECA Care - Trung tâm phát hiện sớm ung thư và Chăm sóc giảm nhẹ. Dẫn dắt, điều phối chương trình là ThS. BS. Nhi khoa Nguyễn Thị Ngọc Nga - Trường Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Nga là một trong những bác sĩ trẻ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có những hoạt động cộng đồng sôi nổi.

Hoi thao Tam soat ung thu

Ung thư hiện nay đang dần trở thành mối quan tâm trên toàn thế giới. Theo thống kê của Globocan (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Vào năm 2012, toàn thế giới chỉ có khoảng 14.090.100 ca mắc mới thì tới năm 2020, toàn thế giới có 19.292.789 ca mắc mới và 9.958.133 ca tử vong do ung thư.

Tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam cũng tăng nhanh từ năm 2018 đến nay. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến năm 2040, tại Việt Nam, số ca mắc mới sẽ tăng khoảng 59,4% lên tới khoảng 291.000 ca và số ca tử vong sẽ khoảng 209.000 ca tăng khoảng 70,3%. Những con số biết nói này cho thấy bệnh ung thư đang thực sự là một gánh nặng cho xã hội ở nước ta. Và để kiểm soát được những con số này, tầm soát ung thư là một yếu tố rất quan trọng.

Tầm soát ung thư hay xét nghiệm sàng lọc là những khảo sát được sử dụng để tìm ra ung thư trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Việc sử dụng hình thức tầm soát sẽ giúp phát hiện bệnh kịp thời, từ đó xây dựng phác đồ điều trị hợp lý và đặc biệt tăng khả năng khỏi bệnh của bệnh nhân.

Trong MedTalk số 4, các bác sĩ đã giúp người tham gia chương trình hiểu rõ về việc tầm soát ung thư, cách tầm soát đúng cách và hiệu quả.

Mở đầu chương trình, TS. BS. Phạm Nguyên Quý chia sẻ với độc giả về khái niệm tầm soát ung thư và tầm quan trọng của hoạt động này.

TS. BS. Phạm Nguyên Quý

TS. BS. Phạm Nguyên Quý

BS. Quý cho biết, theo các số liệu thống kê được Globocan công bố năm 2020, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 182.563 ca mới mới về ung thư, trong đó khoảng 120.690 bệnh nhân tử vong do ung thư. Trong đó, những căn bệnh ung thư có tỷ lệ người mắc nhiều nhất là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng chiếm tới 59,5% toàn bộ các ca ung thư được phát hiện tại Việt Nam. Đây cũng sẽ là các loại ung thư được các bác sĩ tập trung hướng dẫn tầm soát sớm trong chương trình.

Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) có thể giúp phát hiện sớm, điều trị sớm chữa lành từ 82-100% căn bệnh, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân từ 5 năm trở lên; đồng thời giảm bớt gánh nặng cho cả bệnh nhân lẫn hệ thống y tế do quá trình chữa trị sẽ đơn giản, ít phức tạp, tốn kém hơn. Trong khi đó, nếu phát hiện bệnh muộn, ở giai đoạn 4 thì cơ hội sống vượt quá 5 năm chỉ còn 5%-7% ở bệnh nhân ung thư phổi, dạ dày; từ 22-39% ở bệnh nhân ung thư đại tràng, vú, cổ tử cung.

Tuy nhiên, BS. Quý lưu ý bên cạnh những mặt tốt, việc tầm soát ung thư cũng có những góc khuất như: tầm soát ung thư không phải là xét nghiệm chẩn đoán ung thư, nó có thể dẫn đến những xét nghiệm xâm lấn không cần thiết. Việc phải thực hiện định kỳ 1-2 năm/ lần có thể gây tốn kém tài chính, và trong một số trường hợp khi kết quả không rõ ràng thì có thể gây ra lo lắng quá mức, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thực hiện tầm soát.

Vì vậy, BS. Quý nhấn mạnh: Tầm soát ung thư cần phải lưu ý 3 điểm sau: Thứ nhất đó là loại ung thư nào? Thứ hai đối tượng người đi tầm soát là ai? Thứ ba là phương pháp/ lịch trình tầm soát ung thư. Vì ung thư là tên chung của hơn 200 bệnh khác nhau do tăng sinh bất thường các tế bào “hư hỏng”. Việc tầm soát ung thư là xét nghiệm khi chưa hề có triệu chứng. Nên cần chọn đối tượng có nguy cơ đủ cao, nếu không sẽ gây ra lãng phí tiền bạc. Việc chọn phương pháp cũng quan trọng vì không phải phương pháp nào cũng có ích thật sự.

Theo bác sĩ Quý, phương pháp tầm soát ung thư tốt cần đáp ứng được 5 tiêu chí: 1) Phương pháp tầm soát giúp phát hiện căn bệnh có tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong cao (tầm quan trọng); 2) Phương pháp “đủ nhạy” (hiệu quả tầm soát); 3) Điều trị tốt nhờ phát hiện sớm (hiệu quả điều trị); 4) Phương pháp an toàn, dễ chịu (độ an toàn); 5) Giá thành rẻ (tính kinh tế).

Ví dụ, tầm soát ung thư đại trực tràng là bằng nội soi là phương pháp được các tổ chức y tế tại quốc gia tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ đánh giá cao, vì nó có thể giúp phát hiện căn bệnh ngay từ giai đoạn 1 với biểu hiện là các polip xuất hiện trong thành cơ quan này. Tất nhiên, bệnh nhân cũng cần lưu ý, polip chia làm 2 loại lành tính và ác tính, trong đó loại ác tính mới gây ra ung thư đại trực tràng và cần can thiệp sớm.

Tiếp theo có thể kể đến phương pháp test tìm máu ẩn trong phân, các bệnh nhân có thể tự test tại nhà. Tuy nhiên phương pháp này thường chỉ có phát hiện được khi khối u đã phát triển lớn trong lòng đại tràng, khi phân đi qua, gây tổn thương chảy máu lớp bao ngoài khối u.

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều đơn vị đang quảng cáo tầm soát ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác qua việc xét nghiệm các chỉ số CEA, CA 19-9… BS. Quý cho biết đây là phương pháp tầm soát không đặc hiệu, thường chỉ phát hiện được ung thư giai đoạn II-III, không được Hiệp hội ung thư các nước tiên tiến khuyên dùng.

Trong phần chia sẻ của mình, BS. La Vĩnh Phúc đưa ra thông tin cụ thể về các đối tượng cần tầm soát ung đại trực tràng bao gồm: Những người nhận thấy sự thay đổi trong thói quen đại tiện, đi cầu ra máu kéo dài, sụt cân, thiếu máu, hoặc có người thân trong gia đình bị mắc căn bệnh này. Ngoài ra những người hơn 40 tuổi, dù khỏe mạnh cũng nên đi tầm soát căn bệnh này, bởi thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân ở độ tuổi này vì bận rộn mà không thực hiện tầm soát, đến khi phát hiện căn bệnh thì đã bệnh đã nặng, rất đáng tiếc.

BS. Phúc đưa ra lời khuyên: Với những người trên 40 tuổi thì nên làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân một năm một lần. Có thể tự làm tại nhà vì xét nghiệm này dễ làm hơn cả test covid. Nếu thấy dương tính thì nên đi nội soi, thăm khám chuyên sâu để kiểm tra kỹ hơn.

Về kiểm tra nội soi đại tràng thì có thể tiến hành định kỳ trong 2-3 năm/lần, tùy theo điều kiện của từng cá nhân cũng như tiến bộ máy móc thăm khám của các cơ quan y tế tại vùng đó.

Một loại ung thư đường tiêu hóa phổ biến khác là ung thư dạ dày,  BS Phúc lưu ý: Những nghiên cứu mới của thế giới đã chứng minh virus HP là nguyên nhân chính gây ra ung thư dạ dày, vì vậy nếu đã có xét nghiệm virus HP dương tính thì nên tầm soát ung thư dạ dày.

Việc diệt virus HP càng sớm thì càng giảm được nguy cơ ung thư dạ dày; điều này nên làm ngay ở độ tuổi trung học. Ngoài ra, người vị viêm dạ dày mãn tính cũng nên nội soi dạ dày định kỳ 6 tháng - 1 năm/ lần để tầm soát ung thư sớm.

BS. Quý bổ sung thông tin cho biết virus HP có thể chữa trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, có thực trạng là tại Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh khá tràn lan, gây ra tình trạng kháng thuốc, nên đã có những trường hợp bệnh nhân đổi qua 2-3 phác đồ điều trị mà vẫn chưa diệt được virus này nên rất lo lắng; vì vậy người bệnh cần đăc biệt tuân thủ chỉ định của y bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh, để tránh rơi vào hoàn cảnh này.

Khi tầm soát ung thư, nếu phát hiện dấu hiện bất thường thì người bệnh cũng không nên quá lo lắng, bởi như thống kê thực tế từ Nhật Bản, trong 607 ca nhận chẩn đoán bất thường (trên 10.000 người đi tầm soát K đại trực tràng) thì cuối cùng chỉ có 17 ca thực sự nhận chẩn đoán ung thư. Tương tự trong 447 người nhận chẩn đoán bất thường về vú, cuối cùng chỉ có 24 ca nhận chẩn đoán ung thư vú.

Tiếp theo chương trình, BS. Phạm Vân Ngọc chia sẻ về việc tầm soát ung thư vú là loại ung thư chiếm tỷ lệ cao ở phụ nữ.

Theo BS. Ngọc, phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú từ ở độ tuổi 40 trở đi, thế nên phụ nữ ở độ tuổi này nên đi khám để tầm soát sớm ung thư vú. Phương pháp tầm soát hiệu quả được các tổ chức y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là chụp mamo - còn gọi là Xquang vú. Phương pháp này có thể giúp phát hiện đám vôi hóa nghi ngờ mới hình thành với độ nhạy hơn 80% ở tuyến vú. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những người có bầu vú to, nhiều mỡ.

Với các địa phương, cơ sở y tế không có máy chụp mamo, thì việc tầm soát được thực hiện bằng khám lâm sàng và siêu âm. Phương pháp này rẻ tiền, không đau, tuy nhiên có nhước điểm là độ nhạy không cao, thường chỉ phát hiện được khi ung thư đã tạo khối và kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ người siêu âm.

BS. Ngọc cho biết, tầm soát sớm ung thư vú cũng nên thực hiện với những người có nguy cơ cao: như bản thân bệnh nhân hoặc người thân trực hệ có đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc có hội chứng: Cowden, Li-Fraumeni … người từng xạ trị vùng ngực. Người thuộc đối tượng này từ 30 tuổi trở lên nên thăm khám vú định kỳ. Phụ nữ bình thường thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ ở độ tuổi từ 40 trở lên với tần suất 1 lần/ năm.

Với ung thư cổ tử cung, BS. Ngọc cũng có lời khuyên về tầm soát tương tự với phụ nữ. Trong đó, xét nghiệm làm phiến đồ âm đạo để tìm ra virus HPV - thủ phạm chính gây ra ung thư tử cung được đặc biệt nhấn mạnh.

Ung thư tuyến giáp - loại ung thư được rất nhiều người Việt Nam “nô nức” đi tầm soát, chữa trị trong thời gian qua, các bác sĩ tham gia chương trình lưu ý: Ung thư tuyến giáp không phải là loại ung thư nguy hiểm, bệnh nhân không nên quá sợ hãi mà đòi cắt bỏ đi tuyến giáp của mình. Nếu bác sĩ khuyên bệnh nhân nên theo dõi, không cần cắt bỏ; thì người bệnh nên nghe theo lời khuyên này vì đây là tuyến cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý, nội tiết của người bệnh, gây ra sự khó khăn trong bổ sung, điều trị về sau nếu bị cắt bỏ.

Trong phần cuối của hội thảo, các bác sĩ trả lời nhiều câu hỏi được độc giả đặt ra như phương pháp MRI nhằm tầm soát ung thư toàn thân có hiệu quả hay không… Thông điệp chung mà các bác sĩ nhắn gửi đến bệnh nhân là: Bệnh nhân nên thực hiện tầm soát ung thư bằng các phương pháp được các tổ chức y tế lớn trên thế giới khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Các phương pháp tầm soát ung thư mới chỉ nên được tham khảo bởi rất nhiều phương pháp tầm soát ung thư mới vẫn còn đang trong nghiên cứu thử nghiệm, độ chính xác chưa được đảm bảo, đồng thời có giá thành không hề rẻ.

Ngoài ra, BS. Quý cũng nhấn mạnh, nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đã chỉ ra: Nếu người dân có thể thực hiện được 5 khuyến cáo sau trong cuộc sống thì có thể giúp giảm đươc tới 50% nguy cơ mắc ung thư trong cuộc đời, bao gồm: dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, vận động tích cực, giảm/ bỏ rượu bia, không thuốc lá.

Phương Anh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Phát động Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới

Phát động Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới

1 năm trước

TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa...
Đối thoại xã hội là chìa khóa để tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

Đối thoại xã hội là chìa khóa để tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

1 năm trước

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác hiệu quả giữa các đối tác xã hội...
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch COVID-19

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch COVID-19

1 năm trước

Tại Hội nghị tập huấn thực hiện công tác trẻ em ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022 được tổ chức trong hai ngày 26-27/4 tại Thái Nguyên, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu...
Đà Nẵng ra mắt website và ứng dụng di động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em

Đà Nẵng ra mắt website và ứng dụng di động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em

2 năm trước

Ngày 13/4, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đã công bố website Bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và Ứng dụng di động dành cho trẻ em và thanh thiếu niên trên địa bàn.