THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 04:34

Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em

16/11/2021 | 20:34
Sau 5 năm thực hiện, dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em giai đoạn 2017 - 2021” đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của các tổ chức xã hội trong tiến trình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và quyền được bảo vệ của trẻ em trên địa bàn can thiệp của dự án.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá rất cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá rất cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Ngày 15/11 tại Hà Nội, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) cùng 3 đối tác chiến lược bao gồm Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR)  đã tổ chức “Hội thảo tổng kết dự án tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em giai đoạn 2017 - 2021” với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển. Sự kiện có sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm đại diện các cơ quan Nhà nước, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện các bậc phụ huynh và trẻ em, cùng các tổ chức thực hiện dự án.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, sự gia tăng bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo vẫn là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Những thách thức này đã tạo ra những khó khăn trong việc đảm bảo và thực hiện các quyền của trẻ em.

Nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội (TCXH), hỗ trợ các TCXH kiến tạo được không gian đối thoại cùng các cơ quan Nhà nước để góp phần thực hiện các khuyến nghị được nêu trong kết luận quan sát của Ủy ban về Quyền trẻ em (CRC), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng các đối tác triển khai dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em, giai đoạn 2017-2021”.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết: Quản trị quyền trẻ em luôn là chương trình trọng tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết: Quản trị quyền trẻ em luôn là chương trình trọng tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Sau 5 năm, dự án đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc tạo ra những thay đổi về luật pháp, chính sách và thực thi chính sách, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến cấm trừng phạt thân thể và tinh thần đối với trẻ em, xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và tăng quyền cho trẻ em và cá nhân đảm bảo quyền trẻ em đặc biệt quyền được bảo vệ đối với trẻ.

Thành quả đầu tiên phải kể đến đó là vai trò của các tổ chức xã hội đã đươc ghi nhận bởi Nhà nước và các bên liên quan trong việc thúc đẩy và tạo ra những thay đổi tích cực về chính sách, luật pháp và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Sự ghi nhận này được thể hiện thông qua các văn bản chính sách, các chương trình hành động quốc gia, kế hoạch chiến lược cho giai đoạn mới được ban hành đã phản ánh được tiếng nói của trẻ em cũng như ý kiến của các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Thứ hai, thông qua sự hỗ trợ của dự án, mạng lưới các tổ chức xã hội đã được nâng cao năng lực về quản trị quyền trẻ em, nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả của mạng lưới đã tạo được những tiền đề quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bao gồm việc góp ý, xây dựng báo cáo bổ sung cho báo cáo của nhà nước để gửi lên Ủy ban quyền trẻ em, các khuyến nghị đối với các văn bản luật quan trọng như Luật Giáo dục, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và khuyến nghị về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em.

Thứ ba, với mục tiêu đảm bảo quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, dự án luôn ưu tiên và nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hướng tới việc xóa bỏ hoàn toàn tất cả các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em. Với mục tiêu này, trong 5 năm qua, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng với các đối tác CRD, MSD và VACR đã liên tục duy trì và triển khai thực hiện các chiến dịch truyền thông, các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, thực hành của các bên liên quan đối với vấn đề bảo vệ trẻ em và xây dựng các mô hình giáo dục phi bạo lực. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như: Chiến dịch Lan tỏa yêu thương, Chiến dịch Tiếng nói trẻ em Việt Nam, Đối thoại thường niên “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”. Chương trình Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày PDEP được đưa ra là một giải pháp hữu hiệu thay thế cho hình thức giáo dục bạo lực. Hàng nghìn cha mẹ đã được tiếp cận hình thức kỷ luật tích cực và đã khẳng định được sự thay đổi đáng khích lệ trong kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con phi bạo lực…

Một cột mốc quan trọng của dự án là việc đưa cấm trừng phạt thân thể và tinh thần vào Kế hoạch Hành động Quốc gia về Trẻ em và việc áp dụng Kỷ luật Tích cực đã được thúc đẩy như một giải pháp thay thế cho việc trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ (nội dung thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực được đưa vào Quyết định số 1863/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2 (2020 – 2025), Quyết định số 23/QĐ-TTg về Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030).

Bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý chương trình CRG báo cáo về các kết quả đạt được của Dự án.

Bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý chương trình CRG báo cáo về các kết quả đạt được của Dự án.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá rất cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng và hy vọng các tổ chức xã hội luôn luôn đồng hành cùng với cơ quan nhà nước bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam” bà Nga chia sẻ.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết: “Đảm bảo quyền trẻ em là nền tảng trong mọi hoạt động, công việc của chúng tôi. Quản trị quyền trẻ em luôn là chương trình trọng tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Tôi rất vui mừng vì trong thời gian vừa qua, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía các cơ quan của chính phủ, các cơ quan đối tác và mạng lưới các tổ chức xã hội làm việc vì quyền trẻ em để dự án có thể gặt hái được nhiều thành công với các kết quả đạt được quan trọng”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Dự án sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhưng bà Lê Thị Thanh Hương tin tưởng rằng, với những kết quả mang tính lâu dài và bền vững mà dự án đạt được sẽ tạo cơ hội cho các chương trình, dự án phát triển mới trong tương lai, đặc biệt sẽ củng cố mối quan hệ hợp 3 tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và khối doanh nghiệp để đồng hành và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Thảo Vân
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Chấm dứt bạo lực với trẻ em

Chấm dứt bạo lực với trẻ em

2 năm trước

Bạo lực, xâm hại trẻ em đã và đang diễn ra phức tạp và đau lòng hơn nữa những người gây ra bạo lực, xâm hại phần lớn là người thân, người chăm sóc trẻ hàng ngày... Dự án Chấm...
Trang bị kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn cho trẻ em

Trang bị kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn cho trẻ em

2 năm trước

Cháy là một trong những thảm họa để lại hậu quả vô cùng thảm khốc, nhất là các vụ hỏa hoạn xảy ra ở các khu dân cư hay các nơi công cộng đông người. Trẻ em luôn là đối tượng dễ...