THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 04:14

Tăng cường nguồn nhân lực về phúc lợi xã hội và bảo vệ trẻ em

05/11/2021 | 06:07
Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 hướng tới thực hiện Chiến lược INSPIRE nhằm Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trong bối cảnh Covid-19, ngày 4/11, UNICEF, WHO và Bộ LĐ-TB&XH đồng tổ chức Phiên họp chuyên sâu với nội dung: “Đảm bảo lực lượng nhân sự về phúc lợi xã hội và bảo vệ trẻ em; bài học từ đại dịch Covid-19”.
Nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19. Ảnh B.Anh

Nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19. Ảnh B.Anh

Phiên họp được tổ chức hướng tới thúc đẩy tăng cường nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội và công tác xã hội cho hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo ứng phó hiệu quả với tất cả các hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột cũng như giải quyết các yếu tố dễ bị tổn thương và rủi ro đối với gia đình trong bối cảnh mới.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em, ứng phó với các hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn xác định việc thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; an sinh xã hội, an ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển. Theo đó, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả”.

Thứ trưởng chia sẻ: “Trong đại dịch, nhân viên công tác xã hội và bộ, ngành, tổ chức, địa phương đã tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; cung cấp dịch vụ về chăm sóc, sức khỏe tinh thần, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi Covid-19”.

Thứ trưởng nhắc lại cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Công tác xã hội vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Lộ trình thực hiện Tuyên bố đã được Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và 38 ghi nhận và thông qua và mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác cùng UNICEF, WHO và các bên liên quan trong thời gian tới.

Các đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các trường đại học tham gia phiên họp đã nêu bật những thành tố chính để tăng cường nguồn nhân lực, đồng thời chia sẻ tiến bộ trong khu vực, những khoảng trống và các thực hành tốt để thúc đẩy hành động nhằm nâng cao sự nhìn nhận công tác xã hội như một nghề. Thông qua các bài trình bày và thảo luận, các đại biểu tham dự hội nghị cũng trao đổi các bài học kinh nghiệm từ Covid-19, bao gồm các tác động đến đời sống của nhân viên công tác xã hội, vai trò quan trọng của họ trong việc hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Chính phủ Việt Nam cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN trong việc thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Lộ trình thực hiện Tuyên bố này, đồng thời thể hiện các bước quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thúc đẩy nghề công tác xã hội và tăng cường nguồn nhân lực dịch vụ xã hội.

Các đại biểu và diễn giả cùng kêu gọi tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và nguồn nhân lực dịch vụ xã hội và công nhận rằng để ứng phó hiệu quả với bạo lực trẻ em cần một hệ thống vận hành tốt với nguồn nhân lực dịch vụ xã hội là trung tâm.

Kết quả Phiên họp đã đưa ra các khuyến nghị các quốc gia cần mở rộng, chuyên nghiệp hóa, đào tạo và phân bổ ngân sách cho nguồn nhân lực để có thể cung cấp các dịch vụ hiệu quả. Nhân viên công tác xã hội cần có các công cụ cần thiết để hỗ trợ cho trẻ em. Một hệ thống quản lý trường hợp ứng dụng kỹ thuật số an toàn có thể giúp nhân viên công tác xã hội hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Từ ngày 1 đến 5/11/2021, WHO và UNICEF phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến Khu vực lần thứ 2 hướng tới thực hiện Chiến lược INSPIRE nhằm Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trong bối cảnh Covid-19 và sau này. Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ các dữ liệu và bằng chứng mới trong việc giải quyết vấn đề bạo lực đối với trẻ em, tăng cường thực hiện mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trong các chương trình phục hồi hậu Covid-19. Hội nghị tập trung đặc biệt vào vai trò của ngành giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội trong chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trên các khía cạnh bao gồm: Trở lại Trường học, Sức khỏe Tâm thần, Làm cha mẹ và thực hiện thành công Mục tiêu 16.2 của các Mục tiêu phát triển bền vững.

Kết quả mong đợi sau Hội nghị là hệ thống bảo vệ trẻ em và nguồn nhân lực dịch vụ xã hội được tăng cường khả năng ứng phó có hiệu quả đối với vấn đề bạo lực trẻ em. Các quốc gia xác định một chiến lược hành động nhằm chấm dứt bạo lực trẻ em đặc biệt trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

VH
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
'Tìm hiểu về phòng chống xâm hại trẻ em' qua trắc nghiệm trực tuyến

"Tìm hiểu về phòng chống xâm hại trẻ em" qua trắc nghiệm trực tuyến

2 năm trước

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2021 với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" và chương trình của Hội phụ nữ Văn phòng Bộ Công an về triển khai...
An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng trong dịch Covid-19

An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng trong dịch Covid-19

2 năm trước

Thời gian tiếp cận Internet càng nhiều thì khả năng trẻ em bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam...