THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 04:39

Tăng cường tiếp cận công lý cho trẻ em

16/12/2021 | 15:24
Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý đã gặp không ít khó khăn khi thiếu sự phối hợp từ gia đình của trẻ em.

Mới đây Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã tổ chức hội thảo tham vấn cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho trẻ em cũng như đạt được mục tiêu thúc đẩy quyền trẻ em.

Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo tham vấn cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho trẻ em. Ảnh: K.T

Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo tham vấn cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho trẻ em. Ảnh: K.T

Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các tổ chức đang làm công tác bảo vệ trẻ em và nhiều đại biểu tâm huyết với hoạt động Trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

Thạc sỹ Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và Trợ giúp pháp lý cho trẻ em nói riêng. Trong những năm qua, song song với việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp cho việc bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em qua rất nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ, giúp đỡ về pháp luật cho trẻ em.

Ông Vijaya Ratnam Raman, chuyên gia pháp lý, quyền Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF tại Việt Nam nhìn nhận: “Trẻ em có quyền và phải được đặt đúng vị trí trong toàn bộ hệ thống tư pháp. Hoạt động trợ giúp pháp lý cần thân thiện với trẻ em, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong việc sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý lần này, một trong những kiến nghị của chúng tôi là hoạt động trợ giúp pháp lý cần được cung cấp cho trẻ dưới 18 tuổi, không nên chỉ gói gọn là trẻ em dưới 16 tuổi”…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp – Thạc sỹ Cù Thu Anh nhấn mạnh việc cần nâng cao nhận thức của người dân về quyền được trợ giúp pháp lý; bảo đảm trợ giúp pháp lý đến được với tất cả các đối tượng phù hợp, không phân biệt vùng miền, đặc biệt là với đối tượng trẻ em. Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất điều kiện, hình thức và phạm vi trợ giúp pháp lý cho trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý, qua đó đề xuất sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng thân thiện và dễ tiếp cận với trẻ em.

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tham dự hội thảo, Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp những ý kiến tâm huyết, thuyết phục nhất gửi cơ quan soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền. Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Ảnh: K.T

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Ảnh: K.T

Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em

Theo hướng dẫn số 58 tại bản Các quy tắc và hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự định nghĩa thì “Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành và có hiệu quả, và đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội đối mặt với trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các luật sư và những người không phải luật sư nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em và sự phát triển của trẻ em và vị thành niên và người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và người chăm sóc của trẻ”.

Để các em có một môi trường sống lành mạnh, các quyền và lợi ích hợp pháp của các em được đảm bảo. Dưới đây là một số dịch vụ pháp lý miễn phí dành cho các em. Cụ thể:

- Tham gia tố tụng bào chữa cho các em là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự;

- Tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em là bị hại trong vụ án hình sự;

- Tham gia tố tụng bảo vệ cho các em là đương sự trong các vụ án Dân sự, Hôn nhân và gia đình…;

- Thực hiện đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc khác…

Để hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em hiệu quả hơn, cần tăng cường công tác thông tin và truyền thông về trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại và gia đình. Từ việc nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm quyền được trợ giúp pháp lý, gia đình và các em sẽ phối hợp tốt hơn với các trợ giúp viên pháp lý.

Nhật Minh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Kịp thời trợ giúp pháp lý cho các trẻ em bị mồ côi do Covid-19

Kịp thời trợ giúp pháp lý cho các trẻ em bị mồ côi do Covid-19

2 năm trước

Mới đây, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã có văn bản số 437/CTGPL-TC&QLCL chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời...