THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 10:14

Tạo cảm xúc tích cực cho con trong mùa dịch

27/10/2021 | 10:59
Đại dịch Covid-19 khiến trẻ em và thanh thiếu niên phải ở nhà, không được đến trường, không được kết nối với bạn bè và tham gia các hoạt động phát triển thể chất và tinh thần. Nhiều trẻ em rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, hay đơn giản chỉ là buồn chán. Theo các chuyên gia tâm lý, đó chính là các dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Chăm chú lắng nghe trẻ có thể giúp con trở nên tự tin và vui vẻ hơn. Ảnh minh họa, chụp trước 27/4/2021.

Chăm chú lắng nghe trẻ có thể giúp con trở nên tự tin và vui vẻ hơn. Ảnh minh họa, chụp trước 27/4/2021.

Do ảnh hưởng của Covid – 19, trong khi mẹ vẫn phải đi làm, hàng ngày bé Bon (7 tuổi) bị “nhốt” trong nhà, làm bạn với 4 bức tường và chiếc tivi. Mẹ bé vô cùng sốt ruột, vì mỗi khi xem camera thấy con “dặt dẹo” hết nằm lại ngồi, rồi đi vòng quanh cái bàn chóng cả mặt. Thậm chí, bé còn có những phát ngôn khiến mẹ bị “sốc” vì ảnh hưởng bởi các video clip trên mạng.

Tương tự, bé Mai 8 tuổi suốt ngày cáu bẳn, hễ mẹ gọi đi học hoặc làm gì là cháu lại gắt lên, vừa không nghe lời, vừa cãi lại người lớn. Đôi khi ức chế quá, mẹ bé phải quát to hơn con. Có lúc, chị còn phải dùng roi để "trấn áp", dù biết rằng con buộc phải nghe lời trong sự ấm ức, khó chịu. 

Việc trẻ em phải ở nhà dài ngày, không có bạn bè bên cạnh để giao tiếp, không vận động trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, sự lo lắng về tài chính và tình trạng dịch bệnh có thể làm cha mẹ căng thẳng và dễ nổi giận với trẻ. Vậy làm thế nào để cha mẹ duy trì kiểm soát cảm xúc của mình và không làm tổn thương trẻ và tạo cảm xúc tích cực cho con trong mùa dịch? Dưới đây là những gợi ý từ chuyên gia tâm lý giúp cha mẹ lắng nghe và chia sẻ với con tốt hơn:

Chăm chú lắng nghe trẻ

Lắng nghe khi trẻ nói chính là một trong số những điều cha mẹ có thể làm để giúp con trở nên tự tin và vui vẻ hơn. Đôi khi, chỉ cần chăm chú lắng nghe con nói, bạn cũng đã truyền đạt đến con một thông điệp rằng: “Con vô cùng quan trọng đối với bố/mẹ”.

Cha mẹ cần chăm chú lắng nghe khi trẻ nói chuyện, tâm sự và đừng chất vấn, phán xét, răn bảo trẻ. Khi cha mẹ lắng nghe một cách chăm chú, trẻ cảm thấy mình được công nhận và tôn trọng. Bày tỏ sự công nhận cảm xúc của trẻ và cố gắng hiểu câu chuyện và cảm xúc của trẻ, thay vì thúc giục trẻ đẩy các cảm xúc xấu đi. Có thể sử dụng những từ đơn giản như: “Ồ”, “Ừm”, “Ra vậy”

Đặt tên cho cảm xúc của trẻ

Việc gọi tên cảm xúc có thể được xem là khâu mấu chốt để trẻ có hành vi phù hợp trong tương tác cùng người khác. Sự nghèo nàn, thiếu hụt những tên gọi chính xác dành cho cảm xúc được hình dung như việc bạn chụp ảnh trắng – đen, trong khi cuộc sống thì muôn màu, muôn vẻ. Sự hạn định các cung bậc cảm xúc trong những từ mô tả đơn điệu như “buồn”, “vui” có thể làm cho vấn đề mà trẻ gặp phải không được giải quyết một cách chính xác và triệt để. Từ đó, các “tồn dư” cảm xúc sẽ khiến cho trẻ rơi vào trạng thái không thỏa mãn, lâu dần tạo nên những ức chế tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách ở trẻ.

Cha mẹ nên dùng những câu từ để diễn tả cảm xúc của trẻ. Ví dụ như “Chắc là con buồn lắm”. Khi chúng ta cung cấp từ ngữ cho trẻ biết mô tả cảm xúc nội tâm thì trẻ sẽ có thể bắt đầu xử lý cảm xúc của chính mình.

Một trong những cách tốt nhất để giữ bình tĩnh là hít thở sâu và chậm rãi. Do đó, phụ huynh và con cần dành thời gian cho nhau để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nêu ra những ước muốn không thể thực hiện được của trẻ.

Nên nói ra những lời mong ước phải chăng có thể thực hiện được cho trẻ, để trẻ thấy được cha mẹ cảm thông và tự xử lý cảm xúc của chính mình một cách tích cực nhất.

Tổ chức một số trò chơi quản lý cảm xúc cho cả gia đình

Trò chơi “Cách tôi cảm nhận”: Trải bộ thẻ có ghi các cảm xúc khác nhau ra bàn. Chọn một thẻ nhưng không cho người chơi khác biết. Kể câu chuyện ngắn về khoảng thời gian/sự kiện mà bạn có cảm xúc đó và xem các bạn chơi có đoán ra không.

Quả bóng bay: Dạy trẻ cách thở đúng và thư giãn. Hãy đưa cho con một quả bóng và yêu cầu bé thổi. Khi bóng phồng căng, bé từ từ thả hơi ngược lại vào mồm cho tới khi bóng xịt hẳn. Khí từ bên trong quả bóng sẽ khiến mồm trẻ căng phồng lên. Sau đó, bé từ từ thoát khí trong miệng ra ngoài.Bạn có thể yêu cầu bé miêu tả cảm giác khi nào con không thể chịu đựng được điều gì hay khi nào chúng muốn nổ giống như một quả bóng vỡ. Bằng cách ấy, bạn sẽ dạy cho bé biết bình tĩnh trong những khoảnh khắc khó khăn và đưa ra giải pháp cho nhiều vấn đề.

Thổi bong bóng: Đổ nước vào một cái nồi hoặc một cái bát, để mực nước trong bát hoặc trong nồi cao khoảng 1cm. Cho thêm 3 hoặc 4 muỗng nước rửa bát. Khuấy nhẹ để không bị sủi nhiều bọt. Bạn có thể dùng bất cứ vật gì có lỗ để thổi bong bóng, ví dụ như một cái phễu nhỏ hoặc cắt một cái lỗ trên cái nắp nhựa. Thổi bong bóng cũng cần phải luyện tập. Hầu hết trẻ khoảng 2 tuổi là có thể kiểm soát được hơi thở để thổi bong bóng.

Bài và ảnh: Vân Nhi
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.