THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:29

Tập huấn "Nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em"

27/11/2020 | 17:21



Ths. Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em phát biểu khai mạc lớp tập huấn.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths. Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em cho biết chủ đề nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một chủ đề khá rộng, bởi nói về truyền thông bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta có thể nói về nuôi dưỡng, về chăm sóc thể chất, chăm sóc đời sống tinh thần, về ngăn ngừa phòng chống những tai nạn, rủi ro, những điều không tốt đe dọa cuộc sống, tính mạng của trẻ như tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực trong gia đình, nhà trường; bóc lột lao động, xâm hại trẻ em,... Những nội dung trên lâu nay vẫn được báo chí thông tin, tuyên truyền hướng tới mục đích bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan tới trẻ em luôn là đề tài nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong 5 năm gần đây, từ 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV trong giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Những con số trên là những trường hợp được phát hiện/báo cáo; thực tế có thể còn lớn hơn. Các cơ quan chức năng đang cố gắng phòng, chống để hạn chế thấp nhất những rủi ro/thiệt thòi mang đến cho trẻ em.

Đó cũng chính là lý do để hôm nay, Tạp chí Gia đình và Trẻ em tổ chức lớp tập huấn nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí và một số cán bộ phóng viên thuộc các cơ quan báo chí, truyền thông liên quan tới trẻ em.

Tại buổi tập huấn, các phóng viên đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả báo chí – truyền thông trong việc ngăn chặn xâm hại trẻ em trên báo in, báo mạng và phát thanh – truyền hình từ các giảng viên đầy kinh nghiệm như TS. Hồ Bất Khuất – người vừa giảng dạy, nghiên cứu và viết báo; Ths. Vũ Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Bộ LĐTBXH. Các anh vừa có những kiến thức mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc về làm báo/viết báo vì trẻ em.




TS. Hồ Bất Khuất – phụ trách nội dung Tạp chí Gia đình và Trẻ em trao đổi cùng học viên về các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.


Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều và nghiêm trọng gây nhức nhối xã hội, TS. Hồ Bất Khuất – phụ trách nội dung tạp chí Gia đình và Trẻ em cho biết: Để phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả, nên có 3 nhóm giải pháp: 1. Nhóm chủ trương, chính sách, tư tưởng chỉ đạo; 2. Nhóm các biện pháp cụ thể; 3. Nghiên cứu cơ bản về tình hình, quy mô, tính chất phát triển xã hội để hỗ trợ kịp thời cho nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai.

Về nhóm giải pháp thứ nhất – Chủ trương, chính sách, tư tưởng chỉ đạo, TS. Hồ Bất Khuất cho rằng, có thể dựa vào các kiến nghị của Đoàn Giám sát thuộc Quốc hội. Đã có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; Kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong đó, Đoàn Giám sát nhấn mạnh: Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Về nhóm giải pháp thứ hai – Các biện pháp cụ thể. Các chuyên gia khẳng định tuyên truyền qua báo chí – truyền thông vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Các nhà báo cần khẳng định mạnh mẽ, xâm hại tình dục trẻ em là tội ác; Kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác vì đối tượng phạm loại tội này rất đa dạng, nguy hiểm, họ có thể là những người “vô công, rồi nghề” nhưng cũng có thể là những người đạo mạo, đáng kính trọng, thậm chí là có quan hệ thân thiết, máu mủ với nạn nhân; Báo chí truyền thông phải làm cho tất cả các tầng lớp trong xã hội hiểu đúng bản chất xấu xa của việc trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ làm công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chuyên nghiệp và giàu nhiệt huyết. Củng cố vai trò của gia đình trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Các vụ án liên quan đến dâm ô trẻ em, hiếp dâm trẻ em phải được điều tra nghiêm túc, khẩn trương và phải xử lý kịp thời. Cần thiết lập hệ thống hỗ trợ và giúp đỡ những trẻ em bị xâm hại tình dục…

Về nhóm giải pháp thứ ba – Nghiên cứu cơ bản, theo TS. Hồ Bất Khuất cần có những nghiên cứu cơ bản về tác động của “cách mạng tình dục” tới nạn xâm hại tình dục trẻ em.
 



Ths. Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, muốn phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả phải bắt đầu từ chính các gia đình, từ cha mẹ và người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.


Mặc dù có rất nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục gia tăng. Lý giải cho sự gia tăng này, Ths. Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Bộ LĐTBXH cho biết, đó một phần nhờ báo chí phát hiện ra các vụ việc; một phần do người dân tin tưởng hơn vào các cơ quan pháp luật và cơ quan bảo vệ trẻ em nên đã mạnh dạn tố giác kẻ xấu. Tuy nhiên, cũng có một phần lý dó, trẻ em bị xâm hại ngày một gia tăng do cha mẹ và người chăm sóc lơ là, chưa quan tâm đến con em mình một cách đúng mực. Ths. Vũ Văn Dũng nhấn mạnh, muốn phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội có liên quan mà phải bắt đầu từ chính các gia đình, từ cha mẹ và người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.

Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để giáo dục trẻ cách phòng, tránh xâm hại tình dục. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị, dạy cho trẻ biết rằng không ai được chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ; xâm hại tình dục là phạm pháp và trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu,…
 



Phóng viên Vân Khánh đến từ Báo Lao động và Xã hội với nhiều năm theo dõi mảng trẻ em chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi viết về các vụ trẻ em bị xâm hại.


Cũng tại buổi tập huấn, các phóng viên đến từ các cơ quan báo chí khác nhau đã sôi nổi thảo luận về nguyên nhân, thực trạng trẻ em bị xâm hại và những lưu ý khi viết về các vụ việc này. Tất cả đều đồng tình với quan điểm: Trẻ em không bao giờ có lỗi khi bị xâm hại. Người lớn không được phép đổ lỗi cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Việc trẻ bị xâm hại thuộc về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Các nhà báo khi đưa tin về các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục nên bảo vệ danh tính cho trẻ và gia đình trẻ, tránh đưa các thông tin quá cụ thể, tránh viết giật gân, câu khách vì điều này khiến trẻ có cảm giác như bị xâm hại một lần nữa.   

Thông qua buổi tập huấn dưới sự điều khiển, dẫn dắt của hai giảng viên dày kinh nghiệm trong lĩnh vực trẻ em là TS. Hồ Bất Khuất và Ths. Vũ Văn Dũng, các học viên đã được bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng, nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Từ đó, định hướng dư luận cũng như kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay cùng bảo vệ chăm sóc trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước.
 



Các đại biểu tham dự lớp tập huấn cùng chụp ảnh lưu niệm.

Bài: Thanh Huyền, Ảnh: Thùy Hương/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...