THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 08:00

Tết xưa thương nhớ

22/01/2023 | 06:25
Sang đến tháng Chạp (tháng Mười hai Âm lịch), thời gian trôi đi vùn vụt. Quay đi quay lại đã hết ngày. Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ cứ thưa mỏng dần chỉ còn trơ đốc. Tết đang đến thật gần!
 
Không khí Tết

Hầu như Tháng Chạp năm nào cũng có một vài đợt rét đậm, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa nhỏ càng làm cho cái lạnh sâu hơn. Bầu trời âm u một màu xám đục. Buổi sáng, sương mù giăng trắng lối. Cây cối trơ cành trụi lá, run rẩy trong cái giá lạnh cuối đông. Cuộc sống dường như hối hả, dòng người vội vã xuôi ngược. Những khuôn mặt, ánh mắt lo toan về cái Tết đang cận kề của người lao động xa quê. Những mua sắm rộn ràng, những trang hoàng rực rỡ của người có điều kiện hơn cho một năm mới. Những ánh mắt nụ cười đầy háo hức đợi mong trên gương mặt vô tư của học trò tính từng ngày để được nghỉ học, được thỏa thích vui chơi… Tất cả đã làm nên một bức tranh ngày cuối năm với nhiều cung bậc cảm xúc. Bao nhiêu hoài niệm về Tết xưa thương nhớ lại ùa về trong kí ức...

Ngày ấy, thời tiết cũng khác nhiều so với bây giờ. Mùa đông lạnh và nhiều đợt rét kéo dài hơn, nhất là tháng Chạp. Cái rét như cắt da cắt thịt, có bao nhiêu áo mặc hết vào người mà ra ngoài vẫn run cầm cập. Mưa phùn gió bấc dầm dề. Cây xoan già vươn những cành gầy guộc khẳng khiu oằn mình trong giá rét căm căm. Gà mẹ xõa đôi cánh gầy che ủ cho đàn con. Bò mẹ trễ nải nhai rơm, bê con nằm khoanh tròn trong hốc rơm tránh rét. Người lớn, trẻ con đi đâu, làm gì về cũng chỉ muốn chui thụt vào bếp ngồi cho ấm. Ăn cơm cũng ngả mâm tại bếp. Thật ấm cúng biết bao!

Không chỉ lạnh mà tháng Chạp cũng là tháng bận rộn nhất. Vừa lo sắm sửa vừa lo cấy cày trước Tết. Bất chấp cái giá lạnh, từ sáng sớm, nhà nhà đổ xô ra ngoài đồng nhổ mạ, gánh phân, lo có nước đổ ải về để cày bừa cho kịp. Tiếng máy xình xịch, tiếng giục trâu bò “vắt ra”, “vắt vào”, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng trò chuyện râm ran. Cánh đồng đông vui tấp nập, át cả cái lạnh đang châm chích thịt da. Ai cũng mong cấy xong để kịp thời vụ và ăn Tết cho ngon...

Để có cái Tết đầm ấm, no đủ hơn ngày thường, những người nông dân đã phải tần tảo, chắt chiu, dành dụm cả năm trời. Con lợn, con gà phải nuôi vỗ béo từ vài tháng trước, đến mấy cái mộc nhĩ sống kí gửi trên cái cọc mục ngoài vườn cũng được lấy vào treo trên gác bếp “để dành đến Tết”. Rồi luống rau xanh, vại dưa hành, cân gạo ngon… cũng dành cho Tết. Người lớn, trẻ con có đồ gì đẹp cũng để Tết mới diện.

huong-vi-tet-que-khong-hoang-giang2-1643764108435782370763

Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, không khí Tết đến thật gần. Nhà nào cũng sửa soạn mâm cơm tươm tất để cúng tiễn ông Táo lên chầu trời. Đến ngày 26, 27 Tết, việc đồng áng coi như đã ổn. Các thửa ruộng được phủ kín một màu xanh. Nhà nào nhà đấy tập trung dọn dẹp, trang trí cửa nhà và sắm sửa cho Tết. Trẻ con cũng mỗi đứa một việc đỡ đần người lớn, quét dọn nhà cửa sạch sẽ từ trong ra ngoài. Bàn thờ gia tiên được lau rửa bằng nước lá thơm. Mâm ngũ quả được lựa từ các loại quả to đẹp nhất trong vườn trịnh trọng bày lên. Hoa cũng được ngắt từ vườn nhà. Cuốn thư câu đối được lau sạch sẽ như mới. Bức tường cũ rêu phong được quét vôi trắng sáng bừng lên. Nhà nhà mang chiếu chăn ra sông giặt giũ. Tiếng đập chiếu bồm bộp vang động cả một khúc sông. Tiếng nói cười rôm rả quên hết những khó khăn thiếu thốn ngày thường để đón một năm mới đầy hoan hỉ.

Tết chính thức gõ cửa từng nhà khi nghe tiếng lợn kêu eng éc từ làng trên xóm dưới. Ngày ấy, hầu như nhà nào cũng đánh đụng lợn. Lũ trẻ chúng tôi  luôn háo hức chờ được ăn miếng thịt lợn đánh đụng. Thịt mang về mỗi nhà lại chế biến thành các loại món ăn khác nhau, giò - nem - bung mọc… mâm cỗ đủ đầy những món truyền thống mà chỉ Tết mới có. Và cũng chỉ ngày Tết, bọn trẻ chúng tôi mới được ăn những món ngon đến thế.

Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng vào chiều 28, 29 Tết. Mỗi người một việc. Bố chẻ lạt, làm nhân bánh. Mẹ vo gạo, đãi đỗ. Trẻ con chúng tôi thì rửa lá thật sạch và lau khô. Bố gói vừa nhanh vừa đẹp lại khéo nữa. Những chiếc bánh vuông vức chặt chẽ lần lượt được xếp vào nồi. Bố không quên gói cho mấy chị em mỗi đứa một cái bánh nhỏ xinh để ăn trước. Nồi bánh được đặt lên bếp lửa rực hồng bằng củi khô trong vườn. Mẹ dúi vào đó mấy củ khoai, củ sắn, bắp ngô nướng. Cả nhà ngồi quanh nồi bánh trò chuyện rôm rả, tràn ngập tiếng cười vui. Chỉ một loáng bánh đã sôi xình xịch, hương thơm của gạo nếp, lá dong, nhân thịt ngào ngạt tỏa ra xung quanh. Đứa nào cũng nhận trông nồi bánh nhưng chưa đến mười một giờ đêm đã lăn ra ngủ tại ổ rơm trong bếp. Niềm vui trong đêm luộc bánh đã theo tôi cả vào trong giấc mơ, đến nửa đời người vẫn không thể nào quên. Sáng ra, những chiếc bánh đã được vớt cho ráo rồi ép cẩn thận từng hàng ngay ngắn trông thật đẹp mắt. Những chiếc bánh nhỏ xinh được xâu lại để riêng cho nhanh nguội. Mỗi đứa cầm một cái trên tay hà hít nâng niu chán chê rồi mới thưởng thức miếng thơm ngậy dẻo dền.

huong-vi-tet-que-khong-hoang-giang3-1643764401423470697543

Với lũ trẻ thì niềm mong đợi nhất là được mẹ cho đi chợ mua quần áo mới sáng 29 hoặc 30 Tết. Chúng choáng ngợp trước phiên chợ quê ngày Tết: Đủ các loại hàng hóa, sắc màu. Rực rỡ nhất là hàng hoa, tranh ảnh, cuốn thư, câu đối, pháo Tết, quần áo... Đứa nào cũng đứng chết chân nhìn như thôi miên vào những thứ mình thích. Chỉ là ngắm thôi chứ mẹ làm gì có tiền mà đáp ứng tất cả. Cân nhắc lắm cũng chỉ mua cho mỗi đứa được cái áo hoặc quần hoặc đôi dép để gọi là có tí đồ mới diện Tết.

Chiều 30, sau khi “tắm tất niên” bằng nồi nước mùi già thơm nức, cả nhà tíu tít chuẩn bị mâm cơm truyền thống dâng lên ông bà tổ tiên. Trong bộ quần áo nghiêm trang chỉnh tề, bố thắp nén hương thơm trên bàn thờ gia tiên và thành tâm khấn vái. Mùi hương trầm quyện tỏa trong không gian đầm ấm thiêng liêng như thấy âm dương giao hòa hiện hữu. Cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên.

Tối đến, bố mẹ lại tất tả làm gà, đồ xôi, nấu chè chuẩn bị mâm lễ cúng Giao thừa. Bọn trẻ chúng tôi, nhất là mấy thằng em trai mong đợi từng giây phút đến thời khắc Giao thừa để được đốt bánh pháo tét và nghe pháo nổ đì đùng khắp nơi. Ngày ấy, đêm Giao thừa không thiếu được tiếng pháo. Sau này vì hệ lụy do pháo gây ra mà Chính phủ đã ra lệnh cấm nghiêm ngặt. Thứ âm thanh đó giờ chỉ còn vang vọng trong tâm tưởng của một thời đã xa.

Sáng mồng một, mấy chị em xúng xính trong bộ quần áo mới tung tăng đi chúc Tết trong niềm vui hân hoan của ngày đầu năm mới. Đứa nào cũng được “phát vốn” lấy may, thỉnh thoảng lại lôi ra khoe nhau. Niềm vui cứ rộn ràng trên từng ánh mắt nụ cười. Quả là không có gì vui như Tết và mong đợi hơn Tết của trẻ thơ…

Phạm Hường
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Loạt phim Tết 2023 đa thể loại và đầy màu sắc

Loạt phim Tết 2023 đa thể loại và đầy màu sắc

1 năm trước

Rạp phim mùa Tết 2023 hứa hẹn sẽ tiếp tục “góp nhiệt” bùng nổ hơn với các tác phẩm điện ảnh từ phim Việt đến Hollywood, mang đến nhiều tác phẩm đa thể loại và đầy màu sắc,...
Tết về quê hay đi du lịch?

Tết về quê hay đi du lịch?

1 năm trước

Ngày nay, nhiều người trẻ, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch thay vì về quê ăn Tết, thăm hỏi họ hàng. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn...
Nhộn nhịp những chuyến tàu Tết

Nhộn nhịp những chuyến tàu Tết

1 năm trước

Gần Tết, lớp cấp II của tôi tổ chức tất niên. Nhân Hải Phòng có Food tour mới nổi, giới trẻ nô nức rủ nhau đi tàu hỏa Hà Nội - Hải Phòng để tranh thủ “ăn trên từng cây số”, tôi...
Thiếu niên 15 tuổi ở Gia Lai bị lạc trong rừng đã đoàn tụ gia đình đón Tết

Thiếu niên 15 tuổi ở Gia Lai bị lạc trong rừng đã đoàn tụ gia đình đón Tết

1 năm trước

Ngày 21/1, Công an xã La Kdăm, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, vừa bàn giao em Đinh Thên (15 tuổi, trú làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) cho Công an xã để đưa cháu về đoàn tụ với gia...