THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 02:39

Thanh lọc cái xấu

28/08/2019 | 14:42
 
Sự im lặng…?
 
Thời gian vừa qua, dư luận cả nước chấn động trước sự việc hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị nghi dâm ô hàng chục học sinh nam. Một điều đáng suy ngẫm là học sinh đã phản ánh với nhiều giáo viên khác trong nhà trường nhưng tất cả đều im lặng. Có lẽ, những giáo viên này có chung một suy nghĩ, “Việc này mình không làm? Việc này không liên quan gì đến mình?”, và sẽ còn 1001 lý do để họ im lặng. Bởi theo lời kể của các em học sinh, hiệu trưởng thường nhờ trực tiếp thầy cô trong trường gọi các em lên phòng. Và chua xót hơn, có những giáo viên còn đùa cợt khi các em bước ra từ phòng hiệu trưởng.
 
Một điều đáng suy ngẫm là, sự im lặng này không phải là đầu tiên và chắc hẳn cũng không phải là duy nhất. Quyền lực tha hóa, tội ác lộng hành vẫn lẩn khuất trong một số trường học mà rộng hơn là trong nhiều đơn vị, tổ chức.
 
Một trong những điều kiện để các tội ác có thể ngang nhiên diễn ra, đó là sự im lặng của những người xung quanh, những người biết mà không nói gì. Trong một xã hội hiện đại phức tạp, không làm việc xấu, nhưng im lặng trước cái xấu cũng là một việc rất xấu.
 
Cách đây gần 20 năm, khi nạn “bến cóc - cơm tù - xe cướp” còn lộng hành, có một thực tập sinh nước ngoài đang thực tập tại Việt Nam cùng nhóm bạn chứng kiến cảnh chèn ép sỗ sàng của nạn “cơm tù” nên đã tức thì lên tiếng phản kháng tại chỗ… Và cô còn rất ngạc nhiên khi chứng kiến thái độ thụ động của hành khách trên xe khi bị “hành” suốt một chặng đường dài. Họ hoàn toàn bất khả kháng trước sự lộng hành trắng trợn của cái xấu. Họ nhẫn nhịn để cho phụ xe đồng lõa hành hạ và hạ nhục. Không hề có sự lên tiếng của tập thể hành khách, không lời kêu cứu hay có ý định cầu viện… Một sự im lặng đến khó hiểu.
 
Cư dân mạng từng truyền tay nhau một đoạn clip tại một bến xe buýt ở Hà Nội. Nhân vật trong clip là một thanh niên gầy gò, gương mặt vô cùng khắc khổ, đã bị kẻ gian lấy cắp chiếc ví. Dẫu rằng, chiếc ví ấy không hề có tiền mà chỉ có một giấy phép lái xe, nhưng giấy phép lái xe này lại là một vật có giá trị lớn với người thanh niên ấy, nên anh ta thảm thiết nhìn ra xung quanh van nài kẻ trộm: “Cho em xin… không có tiền đâu, chỉ có bằng lái xe thôi…”. Vậy mà trước hoàn cảnh đáng thương của anh thanh niên, không ai dám lên tiếng, không ai hỏi han hay có ý giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp. Câu chuyện này để lại nhiều suy nghĩ, suy nghĩ về cách sống và thái độ ứng xử của con người trong xã hội hiện nay. 
 
Sự im lặng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả. Họ im lặng khi cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những việc tốt mình làm không nhận được sự ủng hộ của số đông. Chăm lo làm kinh tế khiến đời sống khá giả, nhưng mê mải quá nhiều lại đẩy người ta ra xa nhau hơn, lo cho lợi ích của mình hơn là lợi ích người khác. Có rất ít người sẽ la lên khi thấy một tên trộm đang trộm xe trên vỉa hè hay đứng ra bênh vực nạn nhân trong một vụ va chạm trên đường phố - nhất là kẻ gây sự lại là đám côn đồ, lưu manh. 
 
 
Lùi bước cho cái xấu cũng là một cái xấu
 
Quay trở lại câu chuyện của anh thanh niên trên chuyến xe buýt, không ít người cảm thấy buồn và xót xa. Xung quanh đó có rất nhiều người đang chờ xe, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của anh thanh niên là sự im lặng. Cuối cùng, người đàn ông bơ vơ đành phải bước đi với gương mặt tuyệt vọng. Rõ ràng, muốn bắt tên trộm kia không phải là chuyện khó. Tài xế đóng cửa xe lại, yêu cầu tất cả mọi người bảo quản hành lí, gọi điện cho cơ quan chức năng khám xét từng người. Nhưng sao không ai dám lên tiếng? Phải chăng chúng ta không dám bênh vực người lương thiện, phải chăng nỗi sợ hãi cái xấu, cái ác đang giết chết dần lương tâm chúng ta? 
 
Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại trở thành sự coi nhẹ, chế nhạo của người khác, thậm chí còn gây ra những tổn thương không đáng có cho chính họ. 
 
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những mối quan hệ với cộng đồng đã trở nên không thể thiếu. Không ai có thể đơn độc trong cuộc sống được, vì vậy, trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, cần xây dựng những hiệp hội của những người cùng chí hướng, mục đích để phấn đấu cho sự phát triển chung của xã hội, để người tốt có chỗ đứng và điểm tựa. Khi đó, họ sẽ không ngần ngại bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.
 
 
Có người đã nói: “Lùi bước cho cái xấu cũng là một tội ác”. Hãy nhớ rằng, cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh. Đây là một ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Đó cũng là một thái độ đúng, tích cực, xuất phát từ nhận thức về yêu cầu đối với hành vi của con người trong một xã hội tiến bộ, nhân văn. Khi đơn độc một mình, người tốt sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược và thất bại cay đắng. Họ chỉ đủ mạnh khi họ kết nối với nhau trong một tập thể, trong một xã hội biết coi trọng giá trị nhân văn đích thực của con người. 
 
Mỗi chúng ta luôn mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà ở đó con người được sống trong yên vui hạnh phúc. 

Một trong những điều kiện để các tội ác có thể ngang nhiên diễn ra, đó là sự im lặng của những người xung quanh, những người biết mà không nói gì. Trong một xã hội hiện đại phức tạp, không làm việc xấu, nhưng im lặng trước cái xấu cũng là một việc rất xấu.

 

Nam Nhật/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...