THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:38

Thi đua, khen thưởng: Nghiêm túc chưa?

14/12/2016 | 09:22
 
Niềm vui thu hoạch cà phê được mùa. Ảnh: KT
 
Thi đua, khen thưởng phải là một động lực của phát triển
 
Thi đua, khen thưởng là một trong những chủ trương, chính sách lớn, có tính chất nền tảng của Đảng và Nhà nước ta. Thi đua, khen thưởng là phương thức khuyến khích, động viên con người phát huy mọi khả năng của mình, đặc biệt là khả năng sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dựa vào chính sách thi đua, khen thưởng, chúng ta đã huy động tối đa được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong những cuộc chiến tranh vừa qua. Có thể nói, việc thực hiện tốt chính sách thi đua, khen thưởng đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
 
Những tập thể, cá nhân được phong tặng những danh hiệu cao quý Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, được tặng huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen… luôn luôn tự hào về những thành tích mình đạt được và ra sức phấn đấu để xứng đáng với những danh hiệu đó. Do vậy, sức mạnh của dân tộc ta luôn luôn được duy trì và phát huy, khiến đất nước ta luôn luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
 
Bước sang thời kỳ đổi mới, nội dung thi đua có những thay đổi nhất định; công tác thi đua, khen thưởng cũng có những thay đổi cho phù hợp. Giai đoạn đầu đổi mới, chúng ta đã có những nỗ lực to lớn, kinh tế phát triển với tốc độ cao, của cải, vật chất tăng lên rõ rệt, nhân dân rất phấn khởi. Đảng và Nhà nước cũng đã kịp thời tổng kết, khen thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chúng ta đã có những danh hiệu tập thể, cá nhân Anh hùng thời kỳ đổi mới. Đây là điều cần được ghi nhận và đã được ghi nhận xứng đáng.
 
Cần phải ghi nhận sự sâu sát, khách quan, khẩn trương, chu đáo, minh bạch của những người làm công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn này.
 
Những biểu hiện lệch lạc, thiếu nghiêm túc trong thi đua khen thưởng
 
Hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng vẫn được duy trì thực hiện đều đặn. Nó cũng đã có tác dụng phần nào trong việc động viên, cổ vũ cá nhân, tổ chức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn tình hình kinh tế - xã hội phát triển không được thuận lợi lắm. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận thấy là việc khen thưởng trong một số trường hợp còn khiên cưỡng, mang tính hình thức, nặng thành tích, có trường hợp thổi phồng thành tích.
 
Một số người đã lên tiếng phê bình những biểu hiện lệch lạc này nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở chung chung. Song, đến khi “vụ việc Trịnh Xuân Thanh” được mổ xẻ, mọi việc đã trở nên sáng rõ: Một số người lợi dụng hình thức khen thưởng để mưu lợi cá nhân, để xây dựng uy tín ảo, để được trao chức, trao quyền thiếu căn cứ. Trịnh Xuân Thanh và đơn vị do ông ta lãnh đạo làm ăn kém, thua lỗ nhiều, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước. Những vụ việc này đáng lẽ phải được giám sát, thanh tra và xử lý kỷ luật ngay tức khắc thì người ta lại dùng khen thưởng làm bình phong, dùng những danh hiệu cao quý để che lấp yếu kém.
 
Có thể nói “vụ việc Trịnh Xuân Thanh” và một số vụ việc khác ở Bộ Công thương trong thời gian vừa qua đã chỉ ra việc công tác thi đua, khen thưởng bị lợi dụng để che đậy những việc làm xấu. Những ai liên quan đến những vụ việc này đã và đang bị xử lý nghiêm khắc.
 
Thực tế, “vụ việc Trịnh Xuân Thanh” chỉ là biểu hiện tập trung của những lệch lạc, yếu kém trong thi đua, khen thưởng mà thôi. Trước khi “vụ việc Trịnh Xuân Thanh” vỡ lở, đã có nhiều ý kiến cho rằng, các phong trào thi đua còn hình thức, chưa có tác dụng thực tế. Trong khen thưởng còn “nặng về lãnh đạo và cán bộ, nhẹ cho quần chúng nhân dân”. Ở không ít đơn vị, khen thưởng cho lãnh đạo thì nhiều, còn khen thưởng cho nhân viên, cho người lao động sản xuất thì ít. Có những tổ chức, cá nhân, hầu như hội nghị nào cũng nhận bằng khen, huân, huy chương. Một số tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích không thực sự nổi bật. Đã có một số Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới được tôn vinh xong là mất hút luôn, không ai nhắc tới nữa.
 
Những lệch lạc, yếu kém, thậm chí là vụ lợi trong công tác thi đua, khen thưởng  chứng tỏ công tác này có những lúc, những nơi thực hiện chưa nghiêm túc, đang làm cho hoạt động này mất đi một số sức mạnh vốn có của nó. 
 
 
Các cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành GTVT” nhận Bằng khen của Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam. Ảnh: KT     
 
Cần trả lại cho công tác thi đua, khen thưởng vị trí xứng đáng
 
Từ thực tế “bức tranh” thi đua, khen thưởng có những điểm sáng, điểm tối đan cài nhau, chúng ta hiểu rằng, cần phải chấn chỉnh, đổi mới, đưa công tác thi đua, khen thưởng trở lại “quỹ đạo” khách quan, trong sáng để tạo động lực phát triển. Người làm công tác thi đua, khen thưởng phải nhận thức được rằng, giai đoạn này đất nước ta thực sự cần không khí thi đua sôi nổi để tạo nên những điểm sáng trong lao động sản xuất, trong học tập rèn luyện, trong luyện tập chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
 
Muốn vậy, mỗi phong trào thi đua, ngoài việc xác định rõ chủ đề, nội dung, hình thức gắn với nhiệm vụ, các đơn vị - nhất là những cơ quan Đảng, Nhà nước cần xác định được tiêu chí thi đua. Đối với các cơ quan này, tiêu chí thi đua cần xác định rõ phòng, ban và cá nhân nào có sáng kiến, cải tiến nâng cao hiệu suất công việc, có điểm mới nổi bật so với năm trước là tiêu chí đầu tiên, đồng thời có tính đến khối lượng công việc hoàn thành để xem xét khen thưởng.
 
Việc quan trọng là khen thưởng phải bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn; thành tích đạt đến đâu, khen thưởng đến đó; khen thưởng lần sau không nhất thiết phải cao hơn lần trước. Cần tăng cường khen thưởng những người lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến trong công tác. Các doanh nghiệp, doanh nhân được đề nghị khen thưởng phải là những cơ sở kinh doanh có hiệu quả thực sự; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường và các chính sách khác.
 
Cần có những thay đổi để công tác thi đua, khen thưởng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Ai cũng biết, hiện nay, cứ mỗi dịp cuối năm là nhiều cơ quan cuống lên vì công tác thi đua, khen thưởng. Việc bình bầu khi nào cũng căng thẳng, nặng nề, thậm chí có lúc chệch choạch vì phải bảo đảm đúng thời hạn. Vì vậy, nên chăng áp dụng hình thức khen thưởng cuối năm là chủ yếu sang khen thưởng thường xuyên, đột xuất. Đơn vị, cá nhân nào lập được thành tích xuất sắc là khen thưởng ngay.
 
Để làm tốt công tác khen thưởng thường xuyên, đột xuất, những người làm công tác này phải theo dõi, phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, hoặc thông qua báo chí để phát hiện mô hình mới, nhân tố mới. Công bố rộng rãi việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích là điều rất cần thiết. Làm được như thế thì việc khen thưởng mới kịp thời, có sức lan tỏa; công tác thi đua mới thực chất, có tác dụng tích cực, mới tạo nên động lực.
 
Điều đặc biệt quan trọng ở đây là những người làm công tác thi đua, khen thưởng phải chu đáo, công tâm, trong sáng, khách quan, không vụ lợi.
 
 
Một hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng ở Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh minh họa

Cần học tập điều này
 
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân bàn về công tác thi đua, khen thưởng, tôi cho rằng nên học tập Bác Hồ cụ thể ở việc làm sau đây.
 
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác Hồ. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Đây là đề nghị hợp tình, hợp lý và được Quốc hội nhất trí thông qua với sự đồng thuận lớn.
Biết tin, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội, nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.
 
Lý do Bác chưa nhận Huân chương Sao Vàng là vì đồng bào miền Nam đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, đang anh dũng kiên quyết đấu tranh. Miền Nam xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất. Còn về phần mình, Bác nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
 
Bác Hồ đã chứng minh rằng, người lãnh đạo không cần những danh hiệu, phần thưởng mà cần uy tín, cần niềm tin của nhân dân. Đây chính là một điều cụ thể mà chúng ta cần học tập ở Bác.
 
                                                                            Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...