THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:24

Thói quen ăn mặn, thích đồ ngọt khiến người Việt gia tăng các bệnh không lây nhiễm

10/05/2019 | 10:46

Các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng
 
Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính, cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay, có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị; trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc. 
 
Theo ông Trương Đình Bắc (Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân. Những thay đổi bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến nhiều chất béo, muối, đường và từ lao động thể lực sang ít hoạt động thể chất. 
 
Ông Bắc cho biết thêm, thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, bao gồm thừa cân - béo phì là 1 trong các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác.
 
Do đó, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khoẻ nhân dân. 


Ảnh minh họa
 
Cần phải có một môi trường thực phẩm an toàn
 
Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng do Cục Y tế Dự phòng tổ chức ngày 19/4, nhiều chuyên gia đầu ngành và đại diện từ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, ĐH Y Hà Nội và các đơn vị liên quan đã chia sẻ các bài trình bày và ý kiến về các vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ thực phẩm, giảm mức tiêu thụ muối,  đường, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày. 
 
Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các khuyến cáo về cung cấp hệ thống tiêu chí dinh dưỡng Nutient Profiting (NP) là cách phân loại thực phẩm một cách khoa học dựa trên thành phần dinh dưỡng với mục tiêu phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe. 
 
WHO cũng khuyến cáo cần phải có được một môi trường thực phẩm an toàn như:  (1) Tạo môi trường thực phẩm lành mạnh yêu cầu sự hiểu rõ về thực trạng tiêu thụ các thực phẩm phổ biến như thực phẩm được chế biến và đóng gói sẵn; (2) Cần ghi nhãn dinh dưỡng gồm có công bố về thành phần muối, tổng đường và chất béo, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; (3) Thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. 
 

Ảnh minh họa
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa được ban hành và cập nhật năm 2017 và quy định về hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng được ban hành và cập nhật năm 2015. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ bắt buộc ghi tên sản phẩm, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, cacbohydrat tiêu hóa được, đường tổng số mà chưa bắt buộc các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Hồng Kông, Singapore về: (1) Các quy định về dán nhãn thực phẩm bao gồm việc công bố nhãn báo hiệu thực phẩm có lợi cho sức khỏe; (2) Quy định liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối; (3) Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và người dân sản xuất, cung cấp và tiêu thụ các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, hiện nay hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe còn rất hạn chế nên người tiêu dùng cũng chưa biết mức độ quan trọng của nhãn mác dinh dưỡng sản phẩm khi tiêu dùng. 
 
“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách chọn lực thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…” ông Trương Đình Bắc cho biết.
 

 

Vân Nhi/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.