THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 10:37

Thời tiết giao mùa gia tăng trẻ nhập viện do nhiễm virus Adeno

01/10/2022 | 12:51
Từ đầu năm 2022 đã có hơn 1.400 trẻ nhiễm virus Adeno, số ca bệnh nội trú là 811 với 7 trường hợp bệnh nhi tử vong. Thời tiết giao mùa làm gia tăng số trẻ em nhiễm virus Adeno, vậy cha mẹ phải làm gì để bảo vệ trẻ?
Sốt

Số trẻ nhiễm virus Adeno tăng đột biến

Bé Cá (3 tuổi, Hà Ðông, Hà Nội) bị sốt cao, ho, tiêu chảy kèm viêm kết mạc 2 ngày, chị Ngọc đưa con đến Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc khám. Dựa trên các triệu chứng của trẻ, các bác sĩ đã khám và cho bé Cá làm xét nghiệm virus Adeno bằng phương pháp Realtime PCR xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch hô hấp để chẩn đoán xác định. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Cá dương tính với với virus Adeno.

Miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi liên tục nên số trẻ em nhiễm virus Adeno khá nhiều. Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, số lượng trẻ nhập viện do mắc virus Adeno gia tăng đột biến. Tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận trong toàn Bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú là 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong. Chỉ tính riêng từ tháng 8- 21/9/2022, tổng số ca bệnh virus Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc virus Adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

Số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang gia tăng đột biến. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang gia tăng đột biến. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Tương tự, tại khoa Nhi của các bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai… cũng ghi nhận số trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa với những triệu chứng như nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho (các triệu chứng của Adeno) gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 type gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não… Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông.

Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Khi trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Virus Adeno có thể gây ra những bệnh lý như: Viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, viêm kết mạc mắt, viêm dạ dày, ruột. Adeno còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai.

Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, được gọi là thể ẩn, vẫn có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Một số trường hợp sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân chỉ có miễn dịch với virus Adeno cùng chủng virus gây bệnh. Họ vẫn có khả năng nhiễm bệnh do những chủng virus Adeno khác gây ra.

Khi nhiễm virus Adeno, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus, cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có các biểu hiện tăng nặng như trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ngày 21/9, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

 

Phòng ngừa lây nhiễm virus Adeno thế nào?

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh để lại biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Ðể giảm thiểu lây nhiễm virus Adeno, người dân cần: Luôn sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Vào mùa mưa, lũ lụt, nên tiến hành khử trùng nước giếng bằng cloramin B. Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh sử dụng chung khăn mặt với người khác. Bạn nên thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn. Kiểm tra thường xuyên tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, nhất là ở những bể bơi công cộng.

Một số lưu ý cha mẹ cần biết để phòng nhiễm virus Adeno cho trẻ như:

- Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi

- Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng.

- Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

- Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

- Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.

- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Lưu ý, hiện Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm.

Hồng Trần
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

1 năm trước

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký ban hành văn bản 5396 ngày 29/9/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại.
MC Hạnh Phúc và hành trình đến với trẻ em khó khăn

MC Hạnh Phúc và hành trình đến với trẻ em khó khăn

1 năm trước

Sở hữu chất giọng truyền cảm, nhẹ nhàng, ấm áp, MC Hạnh Phúc là gương mặt quen thuộc của chương trình Chuyển động 24h. Đặc biệt, suốt 7 năm qua anh đồng hành cùng chương trình Cặp...
Từ vụ gửi con đi chữa bệnh, nhận về tro cốt: Cẩn trọng khi “gửi con” cho bất kỳ ai

Từ vụ gửi con đi chữa bệnh, nhận về tro cốt: Cẩn trọng khi “gửi con” cho bất kỳ ai

1 năm trước

Từ vụ “gửi con đi chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt” đang gây chấn động dư luận, chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng Tư vấn tâm lý Gia đình và Trẻ em TP.HCM khẳng định, tình yêu thương và...
Tiền Giang: Tập huấn bồi dưỡng kiến thức công tác bình đẳng giới

Tiền Giang: Tập huấn bồi dưỡng kiến thức công tác bình đẳng giới

1 năm trước

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, công tác bình đẳng giới (BĐG) và hoạt động vì sự...