THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:04

Thủ tướng: 'Không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng'

19/11/2017 | 08:20
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội chiều nay 18/11
 
Chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
 
Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng
 
Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu, những đại án liên quan đến tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc, đặc biệt là lạm dụng quyền lực thời gian qua, tuy đã được phát hiện nhưng chậm được xử lý hoặc xử lý không nghiêm.
 
“Phải chăng có vùng cấm đối với các đối tượng liên quan đến những vụ án này? Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng sẽ có những giải pháp gì để lãnh đạo, chỉ huy hệ thống của mình để đưa các vụ án này ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật?”, ĐBQH đoàn Cà Mau hỏi.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có Tổng Bí thư ở đây, tôi xin khẳng định Đảng và Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực… Chúng tôi cũng nói rằng không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng”.
 
Thủ tướng: 'Không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng' - Ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội
 
Chính vì vậy, hệ thống hành pháp phải phối hợp chặt chẽ tư pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kịp thời để nhân dân yên tâm.
“Tôi nghĩ, chúng ta cần công khai kết quả trước Quốc hội, người dân nhất là vụ án đã được xử”, Thủ tướng nói.
 
Khi đại biểu Lê Thanh Vân nêu chất vấn "Thủ tướng có hài lòng về việc chỉ đạo, điều hành của mình hay không? Trong những trăn trở về vận nước, Thủ tướng thấy nỗi lo lớn nhất của mình về đất nước hiện nay như thế nào? Tại sao Việt Nam chưa thể phát triển đột phá so với tiềm năng, lợi thế của mình?", người đứng đầu Chính phủ thẳn thắn: "Đây là câu hỏi hóc búa".
 
Thủ tướng cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã vượt qua khó khăn để đạt được thành công bước đầu quan trọng, để năm đầu tiên hoàn thành 13/13 chỉ tiêu được giao, trong khi nền kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, nguồn lực còn hạn chế.
"Hỏi có hài lòng không thì tôi cho rằng chưa hài lòng. Nếu mọi cán bộ trên cả nước làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả tốt hơn. Đại biểu hỏi lo lắng nhất là gì? Đảng đã nhận định từ lâu, đó là tụt hậu; diễn biến hoà bình; tham nhũng; tình trạng suy thoái khiến "trên nóng dưới lạnh", một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân", Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng: 'Không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng' - Ảnh 3
"Đại biểu hỏi lo lắng nhất là gì? Đảng đã nhận định từ lâu, đó là tụt hậu; diễn biến hoà bình; tham nhũng; tình trạng suy thoái khiến "trên nóng dưới lạnh", một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân", Thủ tướng nói.
 
Theo người đứng đầu Chính phủ, vấn đề đó đặt ra là cần tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động để bộ máy, cán bộ “một ý chí, đồng lòng phục vụ nhân dân, để không còn một bộ phận cán bộ người dân không tin tưởng, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
 
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là Chính phủ tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân; tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, chính sách, phát huy các tiềm năng và nguồn nhân lực...
 
Việt Nam chủ trương và triển khai đa dạng hoá mặt hàng, thị trường
 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu câu hỏi về độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét đây là câu hỏi hay, cần thiết. Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "không có gì quý hơn độc lập, tự do", Thủ tướng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập thì độc lập, tự chủ kinh tế là rất cần thiết để không phụ thuộc vào quốc gia khác.
 
Theo lãnh đạo Chính phủ, một nền kinh tế độc lập tự chủ phải có năng lực cạnh tranh cao; công nghệ không quá lạc hậu; giải quyết được các cân đối lớn về thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách; xuất nhập khẩu.
 
"Nền kinh tế độc lập, tự chủ sẽ ít tổn thương trong hội nhập, thích ứng nhanh trước các biến động quốc tế. Vì thế, Việt Nam chủ trương và triển khai đa dạng hoá mặt hàng, thị trường; không quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, một mặt hàng để dễ bị tấn công", Thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 25 mặt hàng xuất khẩu hơn một tỷ USD mỗi năm; thu hút 40.000 dự án FDI với 230 tỷ USD đăng ký đầu tư...
 
Thủ tướng: 'Không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng' - Ảnh 4
Đại biểu Lê Thanh Vân đặt vấn đề về những đại án liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là lạm dụng quyền lực được phát hiện thời gian qua
 
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho hay, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Việt Nam đã tham gia TPP 12 bao gồm Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý để đoàn đàm phán thảo luận với các nước TPP 11.
 
"Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật, Mehico... cũng là nền kinh tế không nhỏ mà Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi đầu tư, thương mại", người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng nêu, xu thế tự do thương mại, hội nhập kinh tế là không thể đảo ngược. TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nên tiếp tục tham gia để giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu. 

Theo Thanh Mạnh/itmedia.vn

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...