THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:05

Thừa cân, béo phì ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện trẻ em

27/09/2021 | 15:41
Tình trạng thừa cân, béo phì kéo dài ở trẻ em sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời dẫn tới nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.
Trẻ béo phì tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, dễ tự ti và ngại giao tiếp. Ảnh minh họa

Trẻ béo phì tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, dễ tự ti và ngại giao tiếp. Ảnh minh họa

Báo động thực trạng trẻ em thừa cân béo phì

Trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị. Tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỉ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Theo chuyên gia, thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành. Béo phì khi nhỏ có liên quan mật thiết đến béo phì ở tuổi trưởng thành.

Nguy cơ bệnh tật có thể gặp phải khi trẻ thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì có thể gây ra các bệnh lý như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tim mạch, tăng huyết áp...

Trẻ béo phì có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu... Bên cạnh đó, trẻ béo phì lúc nhỏ có nguy cơ viêm khớp sau này vì cân nặng quá chuẩn sẽ gây thêm áp lực lên khớp gối. Chỉ số BMI tăng ở trẻ làm tăng đáng kể tỷ lệ viêm khớp tự phát, viêm khớp gối hoặc hông.

Các biến chứng gan ở trẻ em béo phì đã được ghi nhận như: gan nhiễm mỡ, tăng men gan. Những bất thường ở gan sẽ làm tăng gánh nặng cho mật, dễ bị bệnh sỏi mật.

Trẻ béo phì cũng có những biểu hiện chứng rối loạn giấc ngủ. Trẻ bỗng dưng thức giấc la hét, dậy nhiều lần trong đêm, ngủ ngắn... Triệu chứng này có thể kéo dài từ một đến vài tháng. Ngoài ra, trẻ còn có thể rơi và tình trạng ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, mất ngủ, xuất hiện cơn hoảng sợ ban đêm...

Ngoài ra, trẻ thừa cân, béo phì cũng bị những ảnh hưởng tâm lý xã hội. Từ 8 tuổi trở lên, khi đã bắt đầu nhận thức về hình thể, trẻ thừa cân dễ tự ti và gặp khó khăn trong việc giao tiếp, ảnh hưởng đến kết quả học tập và chất lượng sống. Trẻ dễ bị kỳ thị bởi bạn bè cùng trang lứa. Nhiều chuyên gia cảnh báo, trẻ béo phì tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm cao.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu trẻ em béo phì. Con số này sẽ không dừng lại nếu trẻ em không có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

 
 Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển cân đối và khỏe mạnh.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển cân đối và khỏe mạnh.

Cần thay đổi suy nghĩ trẻ phải bụ bẫm, béo mập mới “đạt chuẩn”!

Công việc bận rộn ở công ty liên doanh khiến vợ chồng chị Phượng (ở Bắc Ninh) thường đi sớm và về muộn nên việc chăm hai con phải nhờ ông bà. Khi thấy các con bắt đầu có dấu hiệu thừa cân, chị Phượng nhiều lần góp ý với bố mẹ chồng việc không cần quá tẩm bổ cho hai cháu. Tuy nhiên, ông bà lại khăng khăng cho rằng, trẻ con phải bụ bẫm mới đáng yêu, và ai nỡ lòng nào kìm hãm, không cho cháu ăn khi chúng thèm! Vậy là, ông bà ra sức chăm các cháu, nào gà rán, sườn rán, xúc xích, pate, pizza, trà sữa, nước ngọt, rồi cả sữa cao năng lượng… Cứ các cháu thích thì món gì ông bà cũng chiều hết. Chị Phượng cố gắng thay đổi thói quen ăn uống của các con, nhưng cũng chỉ được ngày nghỉ cuối tuần. Còn những ngày khác, dù chị đã chuẩn bị thức ăn cho con theo đúng khẩu phần khuyến cáo, nhưng ông bà vẫn “lén” cho cháu ăn thêm khi bố mẹ chúng đi làm. Kết quả, bé Linh mới học lớp 5 mà đã gần 60kg, còn cu Hùng học lớp 3 cân nặng cũng xấp xỉ 50kg.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều phụ huynh nhận thức được thừa cân béo phì là không tốt, nhưng vẫn còn chủ quan và rất ít khi chủ động kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻ, trong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức chính là nguyên nhân mấu chốt. Với mong nuốn trẻ có dinh dưỡng tốt để phát triển trí thông minh và chiều cao, không ít phụ huynh cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Hậu quả trẻ béo phì thường không đến ngay, nên nhiều người còn xem nhẹ tình trạng này, thậm chí còn có tâm lý chủ quan, cho rằng trẻ sẽ cân đối trở lại khi dậy thì.

Việc trẻ lười vận động, ăn quá nhiều thức ăn nhanh, nước ngọt công nghiệp, hay yếu tố tâm lý,… cũng là những nguyên nhân gây béo phì ở trẻ.

Để giúp trẻ phát triển cân đối, các chuyên gia khuyến nghị, phụ huynh cần theo dõi tiến trình phát triển của con thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết ngay nếu con vượt ngưỡng cân nặng và tuyệt đối không thờ ơ trước dấu hiệu thừa cân. Cha mẹ cần phải dự phòng thừa cân, béo phì cho trẻ ngay từ sớm để giúp con phát triển cân đối, toàn diện và tránh được những hệ lụy sức khỏe khi trưởng thành.

Hồng Trần
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.