THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:05

Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM

14/03/2022 | 16:41
Trong những năm gần đây, lĩnh vực STEM ngày càng được quan tâm, đạt được nhiều thành tựu và có những bước phát triển trong thị trường việc làm lẫn giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy số lượng nam giới làm trong lĩnh vực STEM cao hơn rất nhiều so với phụ nữ. Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn vắng bóng trong lĩnh vực STEM.
Tọa đàm trực tuyến: “Phụ nữ và STEM: Từ định kiến đến định vị”.

Tọa đàm trực tuyến: “Phụ nữ và STEM: Từ định kiến đến định vị”.

Với mong muốn truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM, Viện MSD với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M thực hiện dự án STEMHerVN - “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học”. Dự án bao gồm các hoạt động: Lựa chọn và trao học bổng cho các bạn đại sứ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các nhóm đại sứ về kỹ năng lãnh đạo, truyền thông; Tổ chức hoạt động truyền thông tại trường học nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để các bạn học sinh tự tin theo đuổi đam mê và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM; Tổ chức cuộc thi sáng tạo STEM cho các bạn học sinh khối phổ thông trung học.

Bà Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình Viện MSD cho biết: Mặc dù trong những năm gần đây chúng ta đã đạt được những thành công trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tuy nhiên số lượng phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM vẫn còn hạn chế. Những định kiến giới đã và đang là những rào cản đóng hẹp cơ hội của phụ nữ, em gái tham gia, trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực STEM. Dự án STEMHerVN hướng tới mục tiêu đoàn kết hợp tác, chung tay xoá bỏ rào cản, đồng thời truyền cảm hứng, trao quyền, tạo điều kiện để các em gái đam mê bộ môn STEM có thể tham gia và cống hiến. Hi vọng, thông qua chương trình này, với những câu chuyện truyền cảm hứng từ các diễn giả, các em đại sứ STEMHerVN sẽ có thêm thông tin và động lực để tự tin vững bước theo đuổi đam mê, trở thành những người tiếp nối, truyền tải thông điệp và tri thức đến cộng đồng xung quanh mình và tạo nên những sự thay đổi tích cực.”

Dự án STEMherVN còn có sự đồng hành của 20 nữ đại sứ là các bạn sinh viên đang học tập trong các ngành STEM, các bạn nữ sinh THPT định hướng ngành STEM Trường THPT Vân Nội và THPT Liên Hà.

Tại buổi giới thiệu Dự án và Tọa đàm trực tuyến: “Phụ nữ và STEM: Từ định kiến đến định vị”, chị Hạnh Nguyễn - Chuyên viên Liên lạc Trách nhiệm Pháp lý Sản phẩm tập đoàn 3M cho biết: Thực tế cho đến hiện nay vẫn có rất nhiều định kiến đặt ra đối với phụ nữ như: phụ nữ không giỏi bằng nam giới nên khó có thể làm ngành khó như STEM, hay phụ nữ không đủ sức khoẻ để làm ngành vất vả này, phụ nữ còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình trong khi ngành STEM rất bận rộn.

Chị Hạnh cũng chia sẻ một ví dụ rất thực tế về bất bình đẳng trong tuyển dụng và công việc khi em gái, phụ nữ được tuyển dụng vào ngành STEM, khi phỏng vấn các bạn nam có thể chia sẻ về các định hướng tương lai, những việc mà các bạn có thể làm được và có thể được nhà tuyển dụng ghi nhận là yếu tố để thoả thuận công việc và mức lương. Trong khi đó, em gái - phụ nữ khi tham gia tuyển dụng phải chứng minh về việc mình đã làm được để có thể được ghi nhận và tuyển dụng. 38% các bạn làm trong ngành dữ liệu là nữ, nhưng các khảo sát chỉ ra rằng không nói về năng lực, mức lương của các bạn nữ sẽ thấp hơn. Ngoài các định kiến bên ngoài, các em gái còn phải đối mặt với các định kiến bên trong – nếu các bạn nữ tự đặt khuôn mình là yếu hơn, không giỏi bằng các bạn nam, sợ bị mọi người đàm tiếu, sợ không thể cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình. Nhưng nếu thực sự muốn vượt qua các định kiến, các khó khăn này cũng sẽ là động lực để mình có thể vượt qua những rào cản và đạt được những thành công trong công việc.

Xuất phát điểm là một học sinh khối xã hội nhưng lại theo đuổi ngành năng lượng, chị Lê Gia Thanh Trúc, thủ khoa tốt nghiệp, khoa Năng lượng – Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) năm 2018, hiện đang là Chuyên viên phát triển dự án của Tập đoàn Tur Nord cho biết: STEM vẫn luôn là một ngành khó, bản thân mình cũng phải cố gắng rất nhiều để bắt kịp kiến thức được học trên trường và tự cập nhật thêm kiến thức mới để có được thành tích tốt trong việc học cũng như công việc. Tuy nhiên, khó khăn này theo mình là thách thức với cả nam và nữ, không phải chỉ riêng với phụ nữ.

Là nhà sáng lập SheCodes Việt Nam, bên cạnh những khó khăn về chuyên môn, Huyền My cũng gặp những rào cản trong việc lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp: “Một trong những điều khó là làm thế nào để xây dựng lòng tin. Mình đã từng đối mặt với sự nghi ngờ của đối tác hay nhà đầu tư bởi vì mình còn khá trẻ và lại còn là phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ thông tin, những ngành cần nhiều sáng tạo và tư duy logic - điều mà đa phần mọi người cho rằng nam giới làm tốt hơn. Lúc này, điều cần làm là thuyết phục rằng mọi ngành nghề đều là phi giới tính, nữ giới và nam giới có khả năng và cơ hội như nhau trong bất cứ ngành nghề nào. Ngoài ra, sau những năm làm việc và khảo sát nữ giới, mình nhận thấy chúng ta hay nghĩ định kiến áp lực đến từ bên ngoài như chị Trúc nói, nhưng đa phần các bạn nữ có một nỗi sợ trong chính bản thân mình, đó là sợ khác mọi người, chưa đủ sự tự tin vào chính bản thân mình. Đây là thách thức mà tự bản thân mỗi người phải tìm cách vượt qua.”

MC Sơn Lâm - cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận thấy, những định kiến mà phụ nữ phải đối mặt suy cho cùng là định kiến giới và bất bình đẳng giới. Điều này làm chúng ta nghĩ rằng phụ nữ có khả năng làm việc không tốt bằng đàn ông, trong khi thực tế có thể họ làm ngang bằng, thậm chí tốt hơn. Ngoài ra, những e ngại trong mối quan hệ nam - nữ cũng làm phụ nữ trở nên rụt rè hơn, ngại làm những công việc có nhân sự đa phần là nam.”

Để có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy để có thêm nhiều phụ nữ, em gái tham gia các ngành STEM cần thay đổi cách tự nhận thức, định vị bản thân để vượt lên những định kiến giới để không chỉ mở ra những cơ hội nghề nghiệp mà còn là cơ hội để phụ nữ được theo đuổi đam mê, được lên tiếng và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, để phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.

Vân Nhi
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Bảo vệ sức khỏe tâm thần ở trẻ

Bảo vệ sức khỏe tâm thần ở trẻ

2 năm trước

Những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở học sinh, như: Stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… đang gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, thực trạng đáng lo ngại này lại...
Tổng đài 1022 tư vấn F0 điều trị tại nhà hiệu quả

Tổng đài 1022 tư vấn F0 điều trị tại nhà hiệu quả

2 năm trước

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, việc đưa Tổng đài 1022 hoạt động để tư vấn người mắc COVID-19 (F0) điều trị tại nhà đạt hiệu quả rất cao.
Cơ hội lớn để lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp

Cơ hội lớn để lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp

2 năm trước

Nhằm kết nối cung - cầu, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP. Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối...