THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 09:27

Tiền học và những nỗi buồn, lo

10/09/2017 | 15:45
 
Vào đại học là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Ảnh: KT
                                                  
“Không để cho bất kỳ ai phải bỏ học vì không có tiền” vẫn chỉ là… khẩu hiệu
 
Vào 27/7/2017, tôi được một người lạ gọi điện và giới thiệu: “Em là HTT, sinh viên Báo chí khóa 58 Đại học Vinh”. Nghe thế, tôi thấy hơi ngờ ngợ, vì theo tính toán khóa 58 là sinh viên năm thứ nhất năm học 2017 - 2018, mà năm học này thì chưa khai giảng. Tìm hiểu thêm mới biết HTT là một trong số hơn 50 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào học Ngành Báo chí Đại học Vinh. Điểm thi 3 môn của em trên 24 nên em tự tin mình đỗ. Sau đấy, em gửi cho tôi một số tác phẩm của em. Tôi đọc và cảm thấy đây là một con người có trí tuệ và cá tính. Ngành Báo chí cần những người như thế này. Thế nhưng, đến ngày 9/8/2017, HTT báo tin là em không học vì khó khăn. Tôi gặng hỏi lý do thì em cho biết là ngay khi nhập học, cần phải đóng khoảng 8,5 triệu đồng, nhà em không có số tiền như vậy. Tôi cố gắng động viên, đưa ra một số biện pháp để khắc phục (chủ yếu là vay tiền và sau này làm thêm để trả) nhưng em vẫn quyết định nghỉ học vì “Bố mẹ em không ở với nhau khi em mới được 2 tháng tuổi. Nay mẹ em bị bệnh, cần tiền để chữa trị…”. Thế là một nữ thanh niên phải từ bỏ ước mơ giảng đường vì hoàn cảnh khó khăn.
 
Em HTT chắc không phải là trường hợp duy nhất phải từ bỏ ước mơ giảng đường vì không có tiền. Trong số hàng trăm ngàn thí sinh đỗ đại học, gia đình nhiều em lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì nhiều lý do khác nhau nên các em không thể đi học. Lý do nhiều nhất và rõ nhất là thiếu tiền đóng học phí. 
 
Theo lộ trình thực hiện tự chủ của các trường đại học, cao đẳng, năm học 2017-2018 này, mức thu học phí bình quân là 14 triệu đồng/sinh viên, năm học 2018-2019 là 15 triệu đồng/sinh viên, năm học 2019-2020 là 16 triệu đồng/sinh viên. Có vẻ như số tiền này không quá lớn trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Nhưng ai cũng biết học phí không phải là khoản tiền duy nhất sinh viên cần phải đóng. Những sinh viên tỉnh lẻ khi về học ở thành phố còn phải lo nhiều thứ tiền. Đó là tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền giấy bút, sách vở, tiền đi lại... Những khoản này không quá lớn đối với những gia đình có thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng, nhưng với những gia đình nghèo ở nông thôn thì chúng cũng là những trở ngại khó vượt qua.
 
Cần có chính sách hài hòa, hợp lý
 
Việt Nam vẫn là một nước nghèo nhưng muốn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh với nhiều tình thương và sự trợ giúp. Trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng có chính sách miễn giảm học phí cho những đối tượng ưu tiên, những người có hoàn cảnh đặc biệt. Thế nhưng, trên thực tế, những chính sách này chưa đủ sức mạnh để giúp đỡ tất cả mọi người có cơ hội học đại học. Nhiều gia đình rất khó khăn nhưng không được xem là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên không được trợ giúp gì. Vẫn biết “Cuộc sống vốn không công bằng, cần phải làm quen với điều đó” (Bill Gates) nhưng khó quen quá, mà có quen vẫn không khắc phục được. Cuộc sống vẫn bày ra bao nỗi bất công…
 
Trong khi đó, nhiều trường đại học đang hướng tới việc tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính. Muốn tự chủ về tài chính, tăng học phí là điều tất yếu. Ở đây xảy ra sự mâu thuẫn giữa việc tạo điều kiện cho con em nhà nghèo học đại học và việc các trường đại học, cao đẳng tự chủ tài chính. Để giải quyết phần nào mâu thuẫn này, các trường đại học có đề ra chính sách học bổng. Theo đó, những sinh viên nghèo học giỏi sẽ nhận được học bổng để trang trải cho việc học và sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức học bổng trung bình chỉ 7 triệu đồng/năm, mức cao nhất 10 triệu đồng và mức thấp nhất là 3 triệu đồng/năm. Với số tiền này, sinh viên vẫn khó có thể “trụ” lại ở giảng đường. Do vậy, vẫn cần nhiều loại chính sách hỗ trợ khác nữa.
 
Một trong những chính sách hỗ trợ có hiệu quả là ngân hàng cho sinh viên nghèo vay. Cần giảm bớt phiền hà về thủ tục và tăng hạn mức cho vay lên. Thiết nghĩ, trong tình hình hiện nay, nên cho mỗi sinh viên vay hàng năm với số tiền là 40 - 50 triệu đồng (tùy thuộc và việc trường ở đâu, mức học phí bao nhiêu). Lãi suất cũng chỉ nên ở mức 3 - 4%/năm. Đây là chính sách phù hợp mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Chính sách này khuyến khích sinh viên chăm chỉ học hành, ra trường có việc làm ngay để trả nợ.

 
Sinh viên cần nhiều chính sách hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng tài chính trong 4 năm học. Ảnh minh họa
 
“Tiếp sức đến trường” mang lại hi vọng…
 
“Tiếp sức đến trường” là phong trào trợ giúp những học sinh, sinh viên nghèo có cơ hội học tập. Phong trào này được phát động cách đây 9 năm, các cơ quan báo chí, nhà máy, xí nghiệp và nhiều cá nhân đã hưởng ứng tích cực, trợ giúp hàng chục ngàn học sinh, sinh viên có cơ hội học tập.
 
Đi đầu trong phong trào này, có lẽ là báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay, báo Tuổi Trẻ đã làm tốt việc này và năm 2017, báo làm còn tốt hơn. Mới đây, ông Lê Thế Chữ - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ vui mừng công bố quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017 đã có tới 12 tỉ đồng. Dự kiến có hơn 1.400 suất học bổng, mỗi suất là 7 triệu đồng, trường hợp gia cảnh đặc biệt là 10 triệu đồng/suất nhằm giúp tân sinh viên và gia đình bớt khó khăn, quyết tâm theo đuổi việc học hành.
 
Trong không khí phấn khởi, ông Chữ hào hứng nói: “Tân sinh viên gặp khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ. Và Tuổi Trẻ sẵn sàng Tiếp sức đến trường, không để các bạn vì khó khăn mà phải từ bỏ ước mơ của mình”. Những ai thấy mình cần giúp đỡ, hãy liên hệ trực tiếp với Ban Công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, điện thoại 028-39973838) hoặc các văn phòng báo Tuổi Trẻ (xem địa chỉ ở chân trang 19 báo Tuổi Trẻ), email: [email protected].
 
Điều kiện để nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ như sau: 1. Gia cảnh đặc biệt khó khăn (có xác nhận của địa phương hoặc nhà trường, nếu là hộ nghèo phải gửi bản photocopy), có nguy cơ bỏ học nếu không được giúp đỡ; 2.Trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng năm học 2017-2018 (ưu tiên xét tuyển đợt 1), có điểm trúng tuyển cao (có bản photocopy giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của trường); 3. Có thư trình bày rõ hoàn cảnh gia đình và khát vọng học tập.
 
Ngoài báo Tuổi Trẻ, còn rất nhiều đơn vị, cơ quan khác cũng tham gia phong trào “Tiếp sức đến trường”. Phong trào này mang lại nhiều hi vọng cho những sinh viên nghèo có khả năng và khát vọng học tập.


Tân sinh viên nhập học. Ảnh minh họa
                                                                                
Cần vượt qua nỗi buồn!
 
Bạn đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Bạn lại có khát vọng học đại học nhưng vì những lý do khác nhau, bạn không thể đến giảng đường. Buồn lắm! Nhưng nỗi buồn này cần phải vượt qua…
 
Một trong những ước mơ lớn nhất của hầu hết học sinh là được học đại học. Hiện nay, các trường đại học rất nhiều, họ cũng mong đón các bạn tới đó học tập. Song, trên thực tế vẫn có nhiều bạn trẻ không thể bước chân tới giảng đường. Lý do thì có nhiều, nhưng ai cũng biết hiện nay không có chuyện học đại học miễn phí; việc thiếu tiền không cho phép bạn học đại học.
 
Đây là một nỗi buồn lớn không chỉ cho riêng những người rơi vào hoàn cảnh này, mà còn cho toàn xã hội. Chúng ta nói nhiều tới tính ưu việt của xã hội, nói nhiều tới tình yêu thương, sự giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau… Song, từ lời nói tới việc làm vẫn còn nhiều khoảng cách. Hơn nữa, nước ta người nghèo, người khó khăn còn nhiều nên sự giúp đỡ không thể dành cho tất cả. Tuy nhiên, học đại học đâu phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.
 
Hãy quên nỗi buồn không được đến giảng đường đại học để sống tiếp, để nuôi hi vọng. Đã có tấm bằng THPT trong tay, lại có sức khỏe, có ý chí và nghị lực, hãy bắt đầu bằng một công việc gì đó kiếm ra tiền: từ việc chạy xe ôm đến làm giúp việc. Trước hết, phải tìm cách sống tự lập, nghĩa là phải tự nuôi được chính bản thân mình. Tiếp theo là tích lũy chút ít để hoạch định tương lai.
 
Khi chúng ta bận rộn với công việc của mình, tự nhiên nỗi buồn cũng tan biến.
                                                         
Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...