THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:22

Tiến tới chấm dứt bạo lực và quấy rối ở nơi làm việc

20/05/2018 | 07:22
 
Tọa đàm về Dự thảo Công ước ILO do Bộ LĐTBXH và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTBXH cho biết: “Tọa đàm là cơ hội để các bên liên quan cập nhật bối cảnh và tiến độ xây dựng Công ước ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, đồng thời đánh giá khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam”.
 
Bà Andrea Prince, Chuyên gia pháp luật lao động của Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, hiện vẫn chưa có một định nghĩa được nhất trí chung trên toàn thế giới về bạo lực và quấy rối, dẫn đến chưa có hướng dẫn quốc tế về cách giải quyết. Chính vì vậy, cần những tiêu chuẩn mới về bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm. Công ước mới sẽ đưa ra những định nghĩa và nội hàm của các khái nhiệm chủ chốt; nguyên tắc và quyền cơ bản trong công việc; cách phòng tránh cũng như việc tuân thủ, giám sát và hỗ trợ nạn nhân… Việc xây dựng công ước này là bước quan trọng để thế giới việc làm không còn tình trạng quấy rối, bạo lực; đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.
 
GĐ&TE đã trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hương - Trưởng nhóm chương trình nhóm dân số dễ bị tổn thương ở thành thị, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam xung quanh những vấn đề được đề cập tại buổi Tọa đàm.
 

Chị Nguyễn Thị Hương - Trưởng nhóm chương trình nhóm dân số dễ bị tổn thương ở thành thị, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam.
 
Thưa chị, Dự thảo Công ước ILO lần này có những tiến bộ đặc biệt nào? 
 
Đó là lần đầu tiên Công ước đưa ra một khung khổ, hành lang pháp lý về mặt quốc tế liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ quyền người lao động là lực lượng lao động nữ, để từ đó các quốc gia có thể áp dụng, hoặc có thể thúc đẩy tăng cường luật hiện tại của mình để bảo vệ tất cả các đối tượng lao động. Đặc biệt, với lao động nữ và lao động trẻ em trong một số ngành nghề chịu nhiều rủi ro hơn thì Công ước sẽ giúp không chỉ ở góc độ nhà nước mà cả góc độ người sử dụng lao động. Công ước hướng đến người lao động, người sử dụng lao động, quy trách nhiệm đối với người sử dụng lao động và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một lượng lớn lao động là phụ nữ.
 
Dự thảo Công ước ILO lần này mở rộng hơn tới đối tượng phụ nữ và trẻ em như thế nào, thưa chị?
 
Công ước này hướng vào nhiều đối tượng hơn, bao gồm: người sử dụng lao động, người lao động và các bên thứ ba bao gồm đối tác, khách hàng, người cung cấp dịch vụ và công chúng… trong đó có cả đối tượng phụ nữ, trẻ em. Bởi phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và dễ bị quấy rối hơn. Chính vì thế mà Công ước có những điều khoản mang tính chất chuyên biệt để bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực và quấy rối như: người khuyết tật; người nhiễm HIV /AIDS; người dân tộc thiểu số, người nhập cư… ở tất cả các ngành, cả trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức, thành thị và nông thôn.

Khái niệm không gian làm việc trong công ước đưa ra quy định không bó hẹp chỉ ở nơi làm việc phải không, thưa chị?
 
Với công ước này, người lao động, đặc biệt là lao động nữ được bảo vệ rộng hơn, toàn diện hơn. Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc không chỉ tại nơi làm việc, mà còn bao gồm cả không gian công và tư, nơi diễn ra công việc; tại những nơi người lao động được trả lương hay nghỉ ngơi, dùng bữa; trên đường đi và về từ nơi làm việc; trong các chuyến công tác hay di chuyển liên quan đến công việc; trong tập huấn, sự kiện hay các hoạt động xã hội; trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công việc được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.
 

Quang cảnh buổi Tọa đàm về Dự thảo Công ước ILO.
 
Có thể hiểu khái niệm về bạo lực và quấy rối khác nhau thế nào, thưa chị?
 
Bạo lực và quấy rối cũng có điểm tương thích, tuy nó sát với nhau nhưng lại cần phải tách ra, bởi khi nói đến bạo lực, mọi người sẽ hình dung là hành động, hành vi mang tính chất thể chất, có thể dễ dàng nhận biết được và mức độ cũng rất rõ ràng. Quấy rối thì không chỉ là hành vi, hành động mang tính chất thể chất, nó có thể là lời nói, ánh mắt, cử chỉ, hoặc có thể là quấy rối thông qua tin nhắn và các hình ảnh nhạy cảm. 
 
Quấy rối tại nơi làm việc khác với quấy rối tình dục, bởi quấy rối tình dục là tất cả những hành vi mà tiếng Anh gọi là Unwanted - tức là những hành vi không mong muốn, không chấp nhận, không đón đợi từ phía người bị quấy rối, liên quan đến vấn đề tình dục và có mục đích hướng đến tình dục.
 
Bây giờ quấy rối tình dục trên mạng, trên Facebook diễn ra khá phổ biến, vậy Công ước có hướng đến thực trạng này không?
 
Hiện tại, với Dự thảo Công ước đưa ra thì chưa cụ thể, nhưng trong đấy có đề cập đến tất cả những hành vi mà theo cá nhân tôi nghĩ nó sẽ bao gồm cả việc quấy rối trên mạng, khi nó xảy ra trong việc làm, có thể là đồng nghiệp với nhau, biết nhau trong quan hệ việc làm, dùng tin nhắn để quấy rối cũng được coi là quấy rối tình dục.
 
Xin cảm ơn chị!
 
 
 

Hồng Nga (thực hiện)/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...