THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 05:01

Tĩnh giác để chuyển nghiệp

20/11/2021 | 07:36
Cuộc đời của mỗi con người trong cõi ta bà khó tránh khỏi những buồn đau, khổ não, dù ít nhiều. Nếu chẳng may rơi vào những khổ đau, biết quán chiếu lại sự việc và biết chuyển nghiệp xấu, “sống chung” với nó để cuộc sống nhẹ nhàng hơn là điều tất thảy chúng ta nên làm.
Một chú tiểu đang đứng trước Phật đài.

Một chú tiểu đang đứng trước Phật đài.

Đạo Phật không xa rời cuộc sống

Trong nhà Phật có hình tượng bàn tay và bánh xe chuyển pháp luân, bánh xe đó không dừng lại và luôn vận động để chuyển nghiệp từ xấu thành bớt xấu, thậm chí thành tốt. Cuộc đời như bánh xe xoay tới, nếu biết nhận ra gốc rễ của khổ đau mà “chữa trị” theo hướng tích cực để có khổ thì khổ thân chứ không còn khổ tâm.

Ðạo Phật là đạo cứu khổ và luôn đồng hành trong cuộc sống, đạo và đời không rời nhau, giúp con người nhận ra nguyên nhân của khổ đau và chuyển nghiệp. Mỗi vị tăng đều có hạnh nguyện khác nhau, có vị thích xây chùa, vị thích vận động từ thiện, có vị thích thuyết pháp… tất cả đều để khai mở và giúp chúng sinh chuyển nghiệp. Hình ảnh các vị A la hán người cung tay, người kéo chân, người nheo mắt… tất cả đều thể hiện hạnh của người tu hành.

Trong Phật tích cũng có 2 đệ tử Phật là tôn giả Ca Diếp chuyên xin của người nghèo, tôn giả Tu Bồ Ðề thì xin người giàu. Ngài Ca Diếp cho biết “vì người nghèo do kiếp trước bỏn xẻn, không biết bố thí nên ngài đến xin để tạo cơ hội cho họ mở lòng bố thí, gieo phước cho đời sau. Dù là chén nước cháo hay những gì giản dị nhất để đời sau họ có cuộc sống sung túc, cũng là một cách giúp họ chuyển nghiệp. Ngài Tu Bồ Ðề thì xin người giàu cũng là giúp họ chia bớt của cải để tiếp tục có của ăn của để cho kiếp sau…

Các vị Thánh tăng mỗi người một hạnh nguyện, các vị chư Phật cũng vậy. Chẳng hạn Phật A Di Ðà phát nguyện thấy người nào ở cõi ta bà khốn khổ muốn sinh về cõi cực lạc thì Ngài mở cửa cực lạc cho về đó. Phật Dược sư thấy chúng sinh còn ham địa vị, chức quyền thì Ngài lập pháp tu cho về hướng đó, nhưng thay vì để họ làm giàu bất lương thì Phật dạy họ  làm giàu chân chính…

Phàm sinh ra mang thân tứ đại thì mỗi con người đều mang ít nhiều khổ đau, buồn bực… tùy theo nghiệp đã gieo. Ðức Phật Thích Ca có dạy trong kinh Tăng nhất A hàm “có 4 dạng người: (1) Trước khổ sau vui, (2) Trước vui sau khổ, (3) Trước khổ sau khổ (4) Trước vui sau vui”. Phật pháp chỉ đường để hóa giải bằng cách chuyển nghiệp cho mỗi dạng người.

Trước khổ sau vui

Người đang thấy mình khổ mà biết chuyển nghiệp, nếu khổ thì chỉ còn là khổ thân chứ không còn khổ tâm, nghĩa là biết biến bại thành thắng trong niềm vui, trong sự hoan hỉ vượt lên trên số phận. Có câu chuyện: Cô gái kia xấu xí, bị hắt hủi, buồn quá trầm mình xuống sông, được vị hòa thượng cứu lên, hòa thượng bảo: “Thân khổ lụy của cô đã chết rồi, bây giờ cô nghe tôi. Xấu tướng đâu đáng sợ bằng xấu tâm. Cô hãy nghe tôi bằng cách cô lấy thân này đi làm việc thiện, việc nghĩa giúp đời, giúp người!”. Sau đó, cô đăng ký giúp người già trong viện dưỡng lão, đi bố thí công sức chăm các em nhỏ mồ côi và thấy cuộc sống ý nghĩa, an lạc từ đó! Cô chuyển nghiệp thành tựu.

Ðức Phật dạy chúng sinh nên có an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, sống trong chánh niệm, không lãng phí một giờ một khắc nào cả, bởi ngày mai chưa tới, ngày hôm qua đã qua. Chúng ta phải nhận diện ra cái khổ, bởi trong cõi ta bà, chúng sinh ít nhiều đều có những khổ đau riêng, tùy theo chủng tử nghiệp trong quá khứ. Nếu biết chuyển nghiệp, sẽ tìm được niềm an ủi trong hiện tại, cuộc sống bình yên hơn trong tâm.

Người biết tu và có trí tuệ bát nhã sẽ quán chiếu nỗi khổ của mình để chuyển nghiệp thì khổ đau sẽ nhẹ gánh. Người tu không hẳn là cạo đầu mặc áo cà sa như một nhà sư, mà chính là có những giây phút nào ta dừng lại để tĩnh giác, dù trước đó có lầm lỗi và nhận diện đúng sai để “biết quay đầu là bờ”. Người hiểu đạo chính là ở chỗ biết vận dụng uyển chuyển Phật pháp vào đời sống để làm cho cuộc sống ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn.

Trước vui sau khổ

Người đang sống trong hoàn cảnh tốt, điều đó do phước lành tích lũy trong tiền kiếp, nhưng không biết gìn giữ lại đi hủy hoại, đó chính là người trước vui sau khổ! Có thể là họ đang giàu sang nhưng phung phí tiền bạc; đang hạnh phúc nhưng xem thường tình cảm gia đình, người thân; đang là quan nhưng chà đạp thuộc cấp… Người xưa có câu “Hữu phước bất khả hưởng tận, hưởng tận sinh bần cùng”. Ruộng phước có mênh mông đến đâu không gìn giữ và tiếp tục gieo trồng nhân tốt thì ắt sẽ cạn. Người có phước không gieo Nhân lành thì Quả gặt được sẽ là khổ đau thiếu thốn, bất hạnh, cơ hàn…

Chuyện kể rằng: Có vị phú hộ kia giàu có nhất vùng nhưng keo kiệt và bủn xỉn. Ngày nào nhà ông ta cũng đổ bỏ thức ăn khắp nơi theo dòng nước chứ không bố thí cho ai trong vùng cả. Vị hòa thượng trong vùng cho người vớt thức ăn thừa mứa chế biến lại sạch sẽ, mời chúng sinh hay lui tới chùa ăn. Một hôm, có cơn lửa làm cháy hết nhà cửa của cải của ông phú hộ. Ông trắng tay và đi xin ăn, nhưng dân làng ghét tính xấu của ông năm xưa nên không cho. Ông bèn vào chùa xin ăn, được vị hòa thượng mời ông vào ăn cơm. Ăn xong, ông phú hộ cám ơn, vị hòa thượng bảo “Ông không phải cám ơn tôi, đó là của ông chứ của ai đâu!”. Qua đó cho thấy, tài sản của chúng sinh có được là phù du, là của “5 nhà” như: lửa cháy, nước trôi, con phá sản, nhà nước tịch thu, con phá của, trộm cướp…

Nghiệp là do chính mỗi người tạo ra, cái xấu mỗi ngày một ít tích lại sẽ thành ra ác nghiệp, nếu làm việc thiện sẽ thành thiện nghiệp. Nếu thấy nghiệp xấu thì nên tìm cách tự chuyển nghiệp, vì mỗi phận người là tự lực cánh sinh chứ Ðức Phật cũng không thể ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai.

Trước khổ sau khổ

Là người trong đời khổ rồi, vì không hiểu cái nguyên nhân khổ và đem cái khổ của mình tung tẩy làm ảnh hưởng cho người khác. Có người nhậu nhẹt, có người chửi bới, có người ghen tỵ với người khác… mà không biết rằng như vậy lại càng dày thêm ác nghiệp, càng rơi vào khổ đau không lối thoát.

Người trước khổ sau khổ là người đem những khổ đau đã gánh chịu  gieo cho người khác và tiếp tục làm những việc khổ đó cho người khác mà không hiểu, cố chấp thì cả đời phải gánh chịu quả xấu. Ðây là dạng người nên được quan tâm, gợi mở để họ hiểu thấu nguyên nhân của khổ đau mà chuyển nghiệp.

Trước vui sau vui

Những người được cuộc sống tốt đẹp do hưởng phước báu từ tiền kiếp, thì nên tiếp tục gieo trồng những hạt giống tốt, cũng như trân quí những gì đang có. Người được hạnh phúc, sung sướng không có nghĩa là chỉ biết thụ hưởng mà luôn biết bố thí, giúp đỡ cho người, làm đẹp đời…

Hiền Long
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận lô sữa công thức từ Australia hỗ trợ trẻ em khó khăn do dịch Covid-19

TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận lô sữa công thức từ Australia hỗ trợ trẻ em khó khăn do dịch Covid-19

2 năm trước

Chiều 16/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban vận động, tiếp nhận Quỹ Phòng chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ tiếp nhận 22.362 lon sữa công thức cho trẻ sơ sinh do Phật tử...
“Bài học Phần Lan” - Chúng ta học được gì từ giáo dục Phần Lan?

“Bài học Phần Lan” - Chúng ta học được gì từ giáo dục Phần Lan?

2 năm trước

Lịch sử cho thấy giáo dục luôn để lại những ảnh hưởng sâu sắc dài lâu trong xã hội và góp phần vào sự phát triển cùng tiến bộ chung. Cuốn sách “Bài học Phần Lan 3.0” của tác giả...
Bị ong đốt có thể nguy hiểm tới tính mạng

Bị ong đốt có thể nguy hiểm tới tính mạng

2 năm trước

Tai nạn ong đốt rất thường gặp ở trẻ em miền núi khi sống gần núi đồi, nhiều cây cối rậm rạm và các em cũng thường vào rừng chơi hoặc tham gia các công việc phụ giúp gia đình. Khi bị...