THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 05:08

Tội bắt cóc trẻ em - Hình phạt phải nặng hơn

21/05/2019 | 11:17

 
Hai đối tượng Phong và Linh bị bắt.
                      
Lại diễn ra một vụ bắt cóc trẻ em táo tợn và hơi khó hiểu
 
Mấy ngày nay, báo chí đưa tin: Công an tỉnh Kiên Giang đang tạm giữ hai người làm thuê có hành vi bắt cóc con trai 17 tháng tuổi của chủ nhà. Sự việc xảy ra tại huyện đảo Phú Quốc.
 
Chị Lê Thị Thùy Dương cho biết, nhà chị có mở tiệm cầm đồ. Cách đây khoảng 1 tháng, Phong đến xin làm. Sau đó, Phong có rủ Linh đến làm cùng và ở lại nhà chị Dương. Đến trưa ngày 14/5/2019, chị Dương cho con ăn cơm. Thấy cơm khô, chị nhờ Phong giữ bé giùm để ra sau bếp lấy canh. Sau khoảng 3 phút, chị Dương quay lại thì không thấy con đâu. Chị hỏi Phong, Phong bảo chắc Linh chở ra tiệm Internet chơi. 
 
Sau đó Phong phóng xe máy đi tìm. Hơn 10 phút sau không thấy Phong quay lại, chồng chị Dương gọi điện nhưng không liên lạc được với Phong. Nghi có chuyện không hay, cả nhà chị Dương liền tỏa ra đi tìm, kể cả ở các điểm bán vé tàu, đồng thời báo cơ quan chức năng. Gia đình chị Dương còn đăng thông tin lên Facebook nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ.
 
Phong và Linh không đi tàu cao tốc. Chúng xuống thị trấn An Thới nhờ một chiếc tàu chở gỗ chở qua Hà Tiên. Đến Hà Tiên, Phong bán xe đạp điện và bắt xe đi về hướng Cần Thơ. Đến 19h ngày 14/5/2019, cơ quan chức năng xác định Phong và Linh đã đưa bé Bảo lên xe đi trên quốc lộ 80. Khoảng 3 tiếng sau, các lực lượng chức năng đã bắt được cả 2 và trao trả cháu Bảo cho gia đình. Còn 2 đối tượng là Văn Hữu Phong (SN 1992) và Trần Thị Tuyết Linh (SN 1997, cùng cư trú TP.HCM) được bàn giao cho Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi bắt cóc trẻ em. 
 
Căn cứ vào các tình tiết xảy ra thì đây là một vụ bắt cóc táo tợn và hơi khó hiểu. Tại sao Phong và Linh lại bắt cóc bé Bảo lộ liễu như vậy? Chúng bắt cóc bé Bảo nhằm mục đích gì? 
 
Những câu hỏi này sẽ được cơ quan chức năng làm rõ; các hình phạt sẽ được tòa án tuyên.

 
Ảnh minh họa          
 
Hình phạt đã khá nghiêm khắc nhưng vẫn chưa đủ độ răn đe
 
Những vụ bắt cóc trẻ em diễn ra ngày càng táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận rất hoang mang. Tình trạng bắt cóc trẻ em luôn là vấn đề “nóng” trong xã hội; đặc biệt có hiện tượng bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc. Thậm chí, trong dư luận có nói đến chuyện bắt cóc trẻ em lấy nội tạng bán... 
 
Bộ Luật hình sự (BLHS) của Việt Nam 1999 và sửa đổi năm 2015 đã đưa ra những quy định của pháp luật hiện nay về loại tội phạm bắt cóc trẻ em khá cụ thể, chi tiết.
 
- Người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 120 BLHS 1999 thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.
 
- Tội bắt cóc với mục đích tống tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 134 BLHS 1999 với khung hình phạt thấp nhất là 5 năm, cao nhất có thể lên tới mức án chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm. 
BLHS 2015  tiếp tục có những quy định nghiêm khắc đối với loại tội phạm này (đã thay thế cụm từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi”, “người dưới 1 tuổi”). 
 
Bắt cóc trẻ em với bất cứ mục đích gì cũng là tội ác. Hành vi này cần phải bị trừng phạt ở mức nghiêm khắc nhất.
Bắt cóc trẻ em là tội ác, hình phạt cần nghiêm khắc nhất
 
Thay đổi của BLHS 2015 là quy định mức hình phạt đối với hành vi đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi (cao nhất là 20 năm tù) là nhẹ hơn so với quy định của BLHS 1999 (cao nhất là tù chung thân). Còn một số thay đổi khác như phần hình phạt tù của khoản 1 Điều 151 và hình phạt bổ sung của Điều 151 BLHS 2015 đã có mức độ tăng nặng hơn so với hình phạt tù của khoản 1 Điều 120 và hình phạt bổ sung của Điều 120 BLHS 1999; Phần hình phạt bổ sung của Điều 153 BLHS 2015 cũng nặng hơn so với Điều 120 BLHS 1999.
 
Tuy nhiên, trong BLHS của Việt Nam chưa áp dụng hình phạt cao nhất - tử hình - cho tội bắt cóc trẻ em. Theo chúng tôi, bắt cóc trẻ em là tội ác chứ không chỉ là vi phạm pháp luật thông thường. Vì vậy, pháp luật Việt Nam trừng phạt tội này nghiêm khắc nhất, nghĩa là áp dụng mức án cao nhất là tử hình (nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng hình phạt này).
 
Để bảo vệ trẻ em được tốt nhất, cần có những hình phạt tương ứng với hành vi phạm pháp. Phạt tử hình đối với hành vi bắt cóc trẻ em sẽ có tác dụng răn đe, triệt tiêu ý đồ của nhiều người có ý định phạm tội.

Trần Nghiêm/TC GĐ&TE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...