THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 02:23

Trả lại cho trẻ em cơ hội đọc sách!

22/09/2020 | 08:49

Cần trả lại cho trẻ em cơ hội đọc sách. Ảnh minh họa KT


Những con số không vui về việc người Việt và sách


Bình quân một người Việt đọc 1 quyển sách mỗi năm. Thông tin được cung cấp tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức.


Còn số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong 3 năm gần đây: Bình quân mỗi năm Việt Nam in khoảng 400 triệu bản sách. Trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho khoảng 23 triệu học sinh, sinh viên. Chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách cho gần 100 triệu dân.


Còn có những con số buồn thảm hơn: 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần qua; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn. Theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đụng vào sách.


Nếu so với thế giới, có lẽ chúng ta phải đỏ mặt. Đó là nước gần chúng ta là Malaysia bình quân đầu người/năm là 12 quyển sách. Còn giờ đọc: Người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần, người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.


Tại sao người Việt hiện nay ít đọc sách?


Có người cho rằng, nguyên nhân chính là do người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách từ nhỏ. Tôi không đồng ý với ý kiến này. Khi chúng tôi là trẻ con, bắt đầu vào học lớp 1 (trên 50 năm về trước) và khi biết đọc, ngoài sách giáo khoa ra, chúng tôi đọc ngấu nghiến bất cứ quyển sách nào có cơ hội tiếp cận. Để có sách đọc, chúng tôi đi câu cá, chắt chiu từng hào lẻ để mua sách đọc và trao đổi với nhau.


Ngày chúng tôi là học trò, sách giáo khoa rất ít, sách tham khảo thì không có nên chúng tôi có thời gian để đọc sách. Còn vài chục năm trở lại đây, cánh học trò ngập trong sách giáo khoa và sách tham khảo. Bài tập về nhà thì “hàng núi”, lại học thêm suốt ngày... Vậy chúng lấy thời gian đâu ra để đọc sách truyện, tiểu thuyết, sách chuyên khảo?


Vậy phải nói chính xác là với “biển” sách giáo khoa và sách tham khảo, với chương trình nặng và lịch học dày đặc, nhà trường và gia đình đã tước mất cơ hội đọc sách của con em chúng ta. Khi không có cơ hội thì ý thích đọc sách biến mất, và đương nhiên là không thể hình thành thói quen.


Hãy trả lại cho trẻ em cơ hội đọc sách vì sách là phương tiện hoạt động trí tuệ, sách làm giàu tâm hồn con người.

Đàm Trọng/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...